Vén màn bí mật nơi định cư của những người Mỹ bản địa 10.000 năm trước
(Sóng trẻ) - Làm thế nào mà những người Mỹ bản địa đã sinh sống và tồn tại từ kỷ Băng Hà? Đó vẫn luôn là một bí mật lớn đối với khoa học.
Nhưng bí mật đó đang dần được hé lộ. Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tin rằng họ có thể giải đáp nguyên nhân đã khiến những người cổ đại phải sống ở những đài nguyên rộng lớn khi họ bị chia cắt ra khỏi những người họ hàng Châu Á 25.000 năm về trước.
Theo như nghiên cứu mới nhất, rõ ràng tổ tiên của những người bản địa Mỹ đã sinh sống và tồn tại trên vùng đất nằm giữa Siberia và Alaska - nơi luôn được bao phủ bởi những rừng cây lớn, được sử dụng để tạo ra lửa phục vụ cuộc sống của họ. Những kết quả này thuộc về một nhóm nghiên cứu tại trường Royal Holloway thuộc Đại học London và nhiều trường Đại học khác của bang Colorado và tiểu bang Utah khi họ tìm hiểu về những hóa thạch được phát hiện cách đây không lâu.
Cho tới bây giờ, không một ai biết chính xác nơi tổ tiên của những người bản địa Mỹ định cư trong suốt 10.000 năm, trước khi họ di chuyển đến vùng đất giữa Siberia và Alaska.
Đến từ Khoa nghiên cứu Địa lý của trường Royal Holloway, Giáo sư Scott Elias phát biểu: “Công việc mà chúng tôi đang làm là khám phá những bí mật, những điều đã bị thất lạc về con người của Tân Thế giới từ 10.000 năm trước”.
Những chuyên gia này cho rằng có một nhóm người đã sinh sống tại khu vực cầu Bering, nơi đã hoàn toàn chìm xuống đáy biển Bering và Chukchi. Theo họ phần còn lại của Beringia - nơi được bao phủ bởi các lãnh nguyên, bởi những cây liễu lùn, bụi cây bạch dương và tràn ngập những rêu và địa y (thảm thực vật phổ biến nhất ở Alaska), chính là nơi mà những người Mỹ bản địa đã sinh sống.
Bản đồ về khu vực Siberia và Alaska hiện tại: Khu vực màu xanh đậm chính là dải đất nối liền hai khu vực, được cho là nơi tổ tiên người Mỹ bản địa sinh sống. Hiện tại khu vực này đã chìm xuống đáy biển.
Giáo sư Elias cho biết: "Chúng tôi tin rằng tổ tiên những người Mỹ bản địa đã sinh sống và tồn tại trong lãnh nguyên của khu vực cầu Bering vì đó là khu vực duy nhất ở phương bắc có nhiều loài cây lớn với những thảm thực vật phong phú sinh trưởng. Họ cần gỗ để sưởi ấm trong cái giá rét khắc nghiệt của phương bắc. Trước đó họ đã tạo ra lửa từ những bụi cây và đặt những chiếc xương lớn của các loài động vật có vú vào đống lửa để đốt chất béo bên trong". Xương các loài động vật có vú có thể sưởi ấm cho những người Mỹ bản địa hàng giờ đồng hồ và giúp họ sống sót qua hàng đêm giá rét ở phương bắc.
Để có được những thông tin trên, bộ phận chuyên môn của nhóm đã phân tích hóa thạch của các loài côn trùng và thực vật được lấy từ dải đất cổ đại nối liền hai khu vực. Nhưng hiện tại dải đất này đã chìm dưới đại dương, sâu từ 50-60m so với mặt nước biển.
Bên cạnh đó, Elias cùng các đồng nghiệp còn phân tích những con bọ cánh cứng nằm trong những khu vực có nhiệt độ nhất định. Họ coi những con bọ cánh cứng này như những chiếc nhiệt kế nhỏ để theo dõi nhiệt độ của từng khu vực từ hàng ngàn năm trước. Quan phân tích và xác minh, họ đã đưa ra kết luận rằng nhiệt độ ở những khu vực này tương đối ấm áp trong giai đoạn cuối của thời kỳ Băng Hà (27.000 – 20.000 năm trước đây). Nó chỉ lạnh hơn một chút so với nhiệt độ bây giờ.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Khí hậu trên những dải đất này và những vùng lân cận ở Siberia và Alaska có một chút ấm ướt hơn so với vùng trung tâm khu vực Alaska và Yukon, nhưng hiện tại nó đã ấm áp hơn rất nhiều. Những số liệu hiện tại cho thấy rằng những lãnh nguyên rộng lớn đã từng tồn tại ở những dải đất này tạo ra rất nhiều thuận lợi cho những người bản địa sinh sống tại đây trong việc tạo ra lửa để sưởi ấm".
Lý thuyết "Sự tồn tại của Beringia" được công bố lần đầu tiên vào năm 1997 bởi 2 nhà nghiên cứu gien người Mỹ Latin và sau đó được hoàn thiện vào năm 2007 bởi một nhóm các nhà nghiên cứu của trường Đại học Tartu ở Estonia. Họ đã lấy mẫu ADN của hơn 600 người bản địa Mỹ. Nhóm người này đã phát hiện ra rằng những đột biến trong ADN đã chỉ ra có một lượng lớn tổ tiên người Mỹ bản địa đã bị cô lập trong vài nghìn năm ở khu vực dải đất Bering, khu vực hiện tại đã ngập trong nước biển giữa Alaska với Vùng Đông Bắc Á.
Sarah Griffiths (Dailymail)
Dịch: Huy Tùng
ĐH Luật Hà Nội
Cùng chuyên mục
Bình luận