[“Lưới” lừa đảo việc làm trên không gian mạng] - Bài 2: Cảnh giác để thoát bẫy tuyển dụng
(Sóng trẻ) - Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan công an về những hành vi lừa đảo tuyển dụng việc làm trên không gian mạng nhưng vẫn có nhiều trường hợp trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
“Bẫy” cũ nhưng nạn nhân mới
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Các hình thức lừa đảo núp bóng tuyển dụng việc làm ngày càng tinh vi và xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng các ứng dụng thông minh để “nâng cấp” những chiếc bẫy tuyển dụng của mình. Theo ông Trần Thế Nguyên - Cán bộ điều tra của đội PA05, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Thành phố Bắc Ninh, các đối tượng áp dụng triệt để các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin như sử dụng Deep Fake, đầu tư chạy quảng cáo Facebook, xây dựng các app, website với giao diện rất bắt mắt. Khiến người dùng không am hiểu về không gian số thì rất khó để phân biệt được với các ứng dụng, website chính thống.
Ông cũng cho biết thêm, hiện nay ứng dụng Telegram cũng đã trở thành môi trường thuận lợi để các đối tượng lừa đảo sử dụng dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin. Đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường tạo ra hàng loạt các nhóm chat làm nơi trao đổi thông tin việc làm với khách hàng, liên hệ mua tài khoản ngân hàng để phục vụ hoạt động phạm tội,...
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng sử dụng những thông tin "ảo" để trao đổi tiếp cận với bị hại. Chúng sử dụng các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram,... đăng ký bằng số điện thoại của người khác, không chính chủ. Khi đã lừa được “con mồi”, các đối tượng thực hiện xóa tài khoản cũ, cắt liên lạc với nạn nhân và lập ra các tài khoản mới, tiếp tục hành vi lừa đảo.
Các hành vi lừa đảo được thực hiện lặp đi lặp lại, dù đã được cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều trường hợp rơi vào những chiếc bẫy của các tội phạm lừa đảo. Theo ông Nguyên, đa số những người bị hại do thiếu hiểu biết, ham lợi nhuận, muốn kiếm tiền nhanh nên đã tham gia vào các công việc “ảo” được đăng tải trên khắp các trang mạng xã hội, khi bị lừa từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng, các nạn nhân mới phát hiện ra hành vi và trình báo với cơ quan chức năng.
Tránh “bẫy” - thoát “bẫy”
Để chủ động phòng tránh các hình thức lừa đảo tuyển dụng việc làm trên không gian mạng, người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin của các nhà tuyển dụng đưa ra, chẳng hạn như thời gian làm việc, nội dung công việc, mức lương, chính sách đãi ngộ,... Người lao động đi tìm việc cần tỉnh táo không nên tin vào các công việc có mô tả hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”, những công việc chỉ cần làm nhiệm vụ đánh giá đơn hàng hay mua đơn ảo để nhận hoa hồng,.. những công việc này hoàn toàn là lừa đảo. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, tài khoản ngân hàng,... không mở thẻ online để nhận phí.
Các cá nhân tuyệt tối không truy cập vào các đường link, trang web hay các tập tin lạ, rất có thể đây là những chiếc bẫy nhằm thu thập thông tin người dùng, phục vụ cho các hành vi lừa đảo khác. Không chuyển bất kỳ loại phí, tiền cọc nào cho bên tuyển dụng. Khi người tuyển dụng cho biết thuộc các công ty, tập đoàn uy tín, hãy liên hệ trực tiếp đến trang chủ của đơn vị tuyển dụng để xác minh tính xác thực của người liên hệ.
Các bài viết cảnh báo tình trạng lừa đảo tuyển dụng việc làm online được đăng tải trên các trang mạng xã hội, hội nhóm, thậm chí trên các phương tiện truyền thông chính thống nhưng chưa thực sự được lan truyền mạnh mẽ. Nhiều người dân chưa tiếp nhận được thông tin nên chưa thể nhận biết được các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Chính vì vậy, cập nhật tin tức thường xuyên cũng sẽ trở thành chiếc “áo giáp” giúp các cá nhân tránh được những chiếc bẫy tuyển dụng.
Chuyên gia an ninh mạng cũng khuyến cáo nếu người dân bị trục lợi, lừa gạt, hãy nhanh chóng thông báo đến cơ quan để xử lý, hoặc báo cáo qua đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để được hướng dẫn kịp thời.
Nhà nước ta cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân về các thủ đoạn phạm tội. Bên cạnh đó cần siết chặt quản lý các tài khoản ngân hàng có dấu hiệu nghi vấn không để tình trạng mở ngân hàng một cách tràn lan không kiểm soát.
Ngày nay mạng xã hội đã trở thành môi trường tìm việc làm của nhiều cá nhân, nơi kết nối với các nhà tuyển dụng nhanh chóng, dễ dàng nhưng cũng là nơi để kẻ xấu lợi dụng tung ra các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Trên các kênh việc làm trực tuyến, diễn đàn rao vặt, nhóm tuyển dụng... các hoạt động tuyển dụng tạo hiệu ứng lan truyền nhanh chóng, rộng rãi, và đây là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng lừa đảo giăng bẫy thu về nguồn lợi phi pháp. Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi bắt đầu đăng ký nhận việc để tránh trở thành những “con mồi” rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.