“Phụ nữ có quyền lựa chọn trang phục mình muốn”
(Sóng trẻ) – Trang phục của phụ nữ luôn vấn đề luôn được nhiều người quan tâm.
Gần đây, sự việc cô gái ăn mặc hở lưng ngồi sau xe máy trên đường phố bị quay lén đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Sau khi đoạn video được đăng tải, người bị quay video cũng lập tức lên tiếng phản đối hành động quay lén của người quay, khẳng định đây là hành động xâm phạm đến quyền riêng tư, tự do cá nhân của cô và yêu cầu xóa video, công khai xin lỗi.
Câu chuyện đang trở thành một vấn đề tranh cãi nóng trên mạng xã hội sau khi nhiều fanpage chia sẻ lại và đặt ra vấn đề về tự do ăn mặc, vấn đề thuần phong mỹ tục,..
Nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra, những lời đáp trả của cô gái trong đoạn video nhận được phần lớn sự ủng hộ của nữ giới. Nhiều người đồng tình với quan điểm đàn ông không có quyền kiểm soát phụ nữ, kể cả trong việc ăn mặc. Họ cho rằng cô gái có quyền mặc bất cứ thứ gì cô thích, không nên phán xét, đánh giá hay bình phẩm tiêu cực. Cùng với đó lên án hành động quay lén của nam thanh niên kia.
Mặt khác, vẫn có những ý kiến cho rằng mặc áo như vậy ở nơi công cộng có phần phản cảm, hớ hênh. Mặc dù thời trang là quyền tự do mỗi người nhưng nên mặc phù hợp với tình huống, hoàn cảnh khác nhau.
Liệu trang phục có được coi là thước đo đánh giá một người phụ nữ?
Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống con người cũng được cải thiện, người ta không chỉ no đủ vật chất mà còn chú trọng nhiều đến đời sống tinh thần, đặc biệt là trang phục nhằm thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao. Dân gian có câu “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” cũng là lẽ đó. Có thể nói rằng, vẻ ngoài và sự tự tin của một người phụ nữ cũng được quyết định chủ yếu là nhờ trang phục. Vậy trang phục có được coi là thước đo đánh giá một người phụ nữ?
Ở mỗi thời kỳ, trang phục đều mang những đặc điểm, nét đẹp riêng. Những chiếc áo bà ba, những chiếc áo tứ thân, áo dài đã trở thành những nét đẹp truyền thống. Hình ảnh những cô gái dịu dàng, thướt tha bên chiếc áo dài từ lâu đã trở thành một biểu tượng đẹp của con gái Việt Nam.
Thế nhưng, ở xã hội nào thì trang phục của phụ nữ luôn là vấn đề được quan tâm. Với nhiều người, một cô gái mặc áo trễ ngực, khoe chân dài, thả bước trên đôi giày cao gót mà cô ấy cảm thấy tự tin là dấu hiệu của sự lẳng lơ, dễ dãi. Có những người lại mặc định phụ nữ mặc áo cao cổ, đeo giày bệt, váy dài đến gót là những người phụ nữ cổ hủ, nghiêm túc.
Thực tế cho thấy, từ xa xưa những chiếc áo yếm đã trở thành trang phục truyền thống của người phụ nữ. Chiếc áo được các bà, các mẹ sử dụng kể cả trong đời sống thường ngày hay vào những dịp lễ hội lớn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc áo yếm ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hoá Việt Nam. Vậy thì tại sao ngày nay một cô gái diện chiếc áo hở lưng hay chiếc váy ngắn lại khiến nhiều người phán xét và đánh giá đến thế?
Nhận định về vấn đề này, Ngọc Hà (22 tuổi) chia sẻ: “Mình thấy việc đánh giá một người phụ nữ qua cách ăn mặc của họ là điều rất hay gặp trong xã hội hiện nay. Mình không ủng hộ việc đó vì mình nghĩ trang phục không phải là yếu tố để đánh giá một con người. Mỗi người có những gu, cách ăn mặc khác nhau nhưng điều đó không nói lên tính cách, phẩm chất, đạo đức hay trí tuệ của họ. Mọi người nên có cách nhìn cởi mở và khách quan hơn”.
Chính vì vậy, không có một thước đo tiêu chuẩn nào có thể đánh giá một người phụ nữ qua cách ăn mặc của họ. Họ có quyền mặc những gì mình thích và mình muốn. Giá trị của một người phụ nữ không bao giờ được đo bằng độ sâu của cổ áo, chiều cao của giày cao gót hay độ ngắn dài của một chiếc váy. Những “thước đo” về nhân phẩm hoàn toàn vô lý, mặc gì đi chăng nữa thì phụ nữ vẫn phải nhận được sự tôn trọng từ người khác. Có nhiều yếu tổ để đánh giá một người hơn là quần áo của họ. Trang phục của phụ nữ không phải và không nên là thước đo để mọi người đánh giá phẩm chất, đạo đức hay trí tuệ của họ.
Đã đến lúc gạt bỏ những quan niệm khuôn mẫu về người phụ nữ
Việc nam giới nói riêng hay người lạ nói chung áp đặt lên quyền ăn mặc của phụ nữ vẫn là tiêu điểm nóng của công cuộc đấu tranh nữ quyền. Không ai có quyền phán xét, đánh giá hay bêu rếu về cách ăn mặc của phụ nữ.
Với xu hướng phát triển như hiện nay, việc người phụ nữ lựa chọn một bộ đồ đẹp ra đường là điều hết sức bình thường bởi ai cũng muốn mình trở nên xinh đẹp. Họ có quyền được làm điều mình muốn, mặc những bộ đồ mình thích và hơn hết là những sở thích cá nhân của họ cần được tôn trọng. Một bộ đồ không nói lên con người của họ.
Theo Anh Đức (20 tuổi) chia sẻ: “Đối với mình, phụ nữ là phái yếu cần được bảo vệ và tôn trọng. Không nên dành cho họ những lời nói, từ ngữ không hay chỉ vì trang phục, cách họ ăn mặc ra đường. Mặc sao khiến họ cảm thấy tự tin, không mất đi thuần phong mỹ tục là được. Những quan niệm khuôn mẫu, rập khuôn về người phụ nữ cần được gạt bỏ”.
Thực tế, nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đứng lên đấu tranh vì tư tưởng “My dress, my choice”, tôi có quyền lựa chọn trang phục mình muốn. “My dress, my choice” là một nền tảng ủng hộ phụ nữ. Nhiều người trong số những người đóng góp cho chiến dịch nói rằng họ có quyền mặc những gì họ muốn, miễn là điều đó không vi phạm quyền của người khác, phụ nữ đáng được tôn trọng, bất kể cô ấy đang mặc gì hoặc cô ấy có phù hợp với hình mẫu của xã hội về một người phụ nữ hay không.
“My dress, my choice” đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đó là động lực để tạo ra các cuộc biểu tình lớn, ảnh hưởng đến pháp luật và nâng cao nhận thức chung về các vấn đề phân biệt đối xử và bạo lực giới, báo hiệu một sự thúc đẩy mạnh mẽ trong xã hội đối với bình đẳng giới.
Suy cho cùng, phụ nữ sinh ra là để yêu thương và trân trọng. Họ có quyền mặc những gì họ muốn vì đó là cơ thể và sở thích cá nhân của họ, điều này cần được tôn trọng, và miễn sao họ không gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh thì không ai có quyền xâm phạm vào quyền tự lựa chọn phong cách của họ. “Mảnh áo không làm nên nhà tu”, vẻ bên ngoài không bao giờ phản ánh nhân cách của người đó. Vì vậy, thay vì chỉ trích, đánh giá, phán xét họ thì nên nhìn vào hành động, con người của họ hay dành cho họ những lời góp ý tích cực mới là điều mà mỗi cá nhân nên làm.