“Thủ phủ hàng mã” lớn nhất miền Bắc đìu hiu lạ thường trong ngày ông Công ông Táo
(Sóng trẻ) - Sản xuất cầm chừng, hàng hóa không nhiều, cũng hiếm có các đơn hàng đặc biệt là tình trạng chung của các tiểu thương buôn bán vàng mã ở xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn thường được biết đến là “thủ phủ vàng mã” lớn nhất miền Bắc. Những ngày gần 23 tháng Chạp và Tết Nguyên Đán, làng vàng mã xã Song Hồ lại hối hả làm các sản phẩm phục vụ nhu cầu cúng lễ cho người dân khắp đất nước. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều đền, chùa khuyến cáo người dân hạn chế đốt vàng mã, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều người không “chi mạnh tay” mua sắm vàng mã như trước. Chị Nguyễn Thị Hà (thôn Đạo Tú, xã Song Hồ) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay tất cả các mặt hàng mã đều bán rất chậm. So với năm ngoái lượng hàng hóa tiêu thụ chỉ bằng 1/3”.
Theo ghi nhận của PV, thị trường hàng mã năm nay không nhiều mặt hàng mới nhưng sản phẩm vẫn rất phong phú, đa dạng từ màu sắc, chất liệu đến giá thành, phù hợp với mọi nhu cầu của khách hàng. Ngoài những mặt hàng như bộ ông Công, ông Táo, mũ, hài giấy, tiền vàng,.. những mặt hàng hiện đại, như nhà lầu, xe hơi, điện thoại Iphone 5s, Ipad mini cũng không thiếu. Những mặt hàng này được thiết kế khá đẹp mắt, giá thành cũng tùy từng loại, dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng.
Cụ thể, một bộ ông Công, ông Táo gồm 3 mũ, 3 bộ quần áo được làm với bộ cao cấp và bộ trung. Bộ cao cấp được bán ra thị trường với giá 95.000 - 120.000 đồng/bộ còn bộ trung giá 60.000 – 70.000 đồng/bộ. Đắt nhất là loại mã làm bằng giấy màu bong, ánh nhũ, in hoa văn chìm có giá từ 250.000- 350.000 đồng/bộ. Bên cạnh đó, ngựa giấy cũng có giá từ 80.000 - 120.000 đồng/con.
Cơ sở sản xuất hàng mã nhà tiểu thương Vũ Thanh Ngà cũng trong tình trạng tương tự, các mặt hàng thông dụng như quần áo, giày dép, mũ… bán ra chậm hơn so với mọi năm. “Năm nay nhà tôi chủ yếu làm theo đơn đặt hàng chứ không dám sản xuất nhiều như mọi năm. Tôi nghĩ do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân cắt giảm chi tiêu” – chị Ngà cho hay.
Chia sẻ thêm với phóng viên: “Vì nghề gia truyền nên nhà tôi hàng ngày vẫn sản xuất bình thường. Những năm trước, vào mùa này, nhà tôi phải thuê người làm thêm thì mới đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường. Năm nay tôi không dám thuê, vì nếu sản xuất nhiều sẽ không ai mua".
Một số hình ảnh được ghi lại tại làng Đạo Tú, xã Song Hồ: