13 vở diễn trong 1 tuần: 25 huy chương vàng cá nhân, 1 huy chương vàng tập thể
(Sóng Trẻ) - Đó là những con số đáng chú ý được công bố trong “Lễ bế mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ hai” được tổ chức vào tối ngày 24/12 tại Rạp Đại Nam (89 Phố Huế).
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ hai diễn ra từ ngày 17/12 đến ngày 23/12 với sự tham gia của 13 đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội (như nhà hát Chèo Việt Nam, nhà hát Cải lương Hà Nội, Đại học Sân khấu Điện ảnh, nhà hát kịch Hà Nội...) đã đóng góp 13 vở diễn công phu, tâm huyết về nội dung, thể loại, hình thức thể hiện (như chèo, cải lương, kịch nói...). Các vở diễn lần lượt được công diễn miễn phí tại rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền), rạp Đại Nam (89 Phố Huế), nhà hát Kịch Việt Nam (1 Tràng Tiền), nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm).
Đến với liên hoan, khán giả ở mọi lứa tuổi có cơ hội thưởng thức những vở diễn nghệ thuật có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khán giả có “chuyến du hành nghệ thuật” đi từ thời phong kiến với hào khí đất nước lồng lộng, đạo nghĩa vua tôi nhất mực khuôn phép, tình vợ chồng son sắc thủy chung, tình bằng hữu bốn bể là nhà, những phận người tài tình mà bấp bênh. Đến thời hiện đại với cuộc đấu tranh anh hùng chống Pháp, chống Mỹ, chuyện cuộc sống sinh viên khốn khó mà ngập tràn niềm vui và hy vọng... Vượt lên trên mọi hoàn cảnh gian khổ, khốn khó của lịch sử dân tộc, vượt lên mọi cái xấu của xã hội đương thời và tâm địa độc ác tiềm tàng trong bản chất con người, con người nên tin vào một cái kết hạnh phúc, tốt đẹp và công bằng.
Lễ bế mạc liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ hai đã công bố 25 huy chương vàng, 25 huy chương bạc cho các cá nhân và 1 huy chương vàng thuộc về vở diễn "Dâu bể một kiếp tằm" (Nhà hát Cải lương Hà Nội), 2 huy chương bạc cho hai vở diễn "Khát vọng" (Nhà hát Kịch Việt Nam) và "Quẫn" (Đại học Sân khấu Điện ảnh).
Một số hình ảnh của các vở diễn
Vở cải lương “Dâu bể một kiếp tằm” dựa vào chi tiết sử thời chúa Trịnh - Đào Duy Từ sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều làm nghề đàn hát và giai thoại về bà Vũ Lan Chi - người mẹ dám hi sinh cả phẩm giá của mình để liều một phen mở ra con đường học vấn cho con.
Vở kịch nói “Khát vọng” được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Tạ Xuyên viết dựa theo truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông”của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Vở kịch “Người Hà Nội” là câu chuyện về một nữ văn công Hà Nội giữa các chiến sĩ giải phóng và giữa những chiến binh ở phía bên kia trên chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ cứu nước.
13 vở diễn của “Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ hai” 1. Người Hà Nội - Nhà hát Kịch Quân đội 2. Quẫn - Đại học Sân khấu Điện ảnh 3. Giông tố - Đoàn Kịch nói CAND 4. Linh khí trời Nam - Đoàn TNCSHCM Bộ VHTTDL 5. Chuyện tình thời sinh viên -Nhà hát Chèo HN 6. Vua lợn - Hội NT nhân đạo TpHN và Trường Cao đẳng NT Hà Nội 7. Khát vọng - Nhà hát Kịch Việt Nam 8. Ba ngày làm vua - Nhà hát Chèo Quân đội 9. Lời nói dối cuối cùng - Nhà hát Tuổi Trẻ 10. Trinh phụ hai chồng - Nhà hát Chèo Việt Nam 11. Sự sắp đặt của số phận - Nhà hát Kịch Hà Nội 12. Gươm thiêng trao trả Hồ thần - Nhà hát Cải Lương VN 13. Dâu bể một kiếp tằm - Nhà hát Cải Lương Hà Nội |
Đỗ Diễm Hằng Minh
Báo in K35A1
Ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận