“8m2”- Không gian sống của lao động di cư Việt Nam
(Sóng trẻ) - Buổi triển lãm ảnh sắp đặt "8m2" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn hiện đang diễn ra tại viện ethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm ghi lại hình ảnh chân thực, ấn tượng về cuộc sống của những người lao động di cư ở Việt Nam.
Một không gian "8m2" trong triển lãm
Là một người luôn trăn trở với những giá trị cốt lõi của cuộc sống, Nguyễn Thế Sơn không ngừng tìm kiếm, khám phá bức tranh hiện thực muôn màu.Với triển lãm sắp đặt ảnh “8m2″, nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn đề cập tới những hậu quả cá nhân của nền công nghiệp hóa thời bao cấp ở Việt Nam, khi ngày càng nhiều người đang rời bỏ ruộng đồng lên thành phố để tìm kiếm việc làm và sống hàng năm trời trong không gian chật hẹp.
Lí giải cái tên đặc biệt của triển lãm, nhiếp ảnh gia chia sẻ: “Tôi còn nhớ 8m² là một tiêu chuẩn, một chỉ tiêu tối thiểu về không gian ở của một đầu người được chính quyền quy định những ngày còn bao cấp, giờ đây vẫn còn rất nhiều mảnh đời phải quay quắt trong 8m², nhưng không phải 8m² một đầu người mà có khi 8m² cho cả 8 đầu người…”
Đồ đạc được chất đầy những góc phòng, góc tường tạo cảm giác chật chội
Triển lãm đưa chúng ta đến gần hơn cuộc sống chật hẹp của người lao động nghèo cư trú tại khu vực Bình Chánh, những con người lam lũ, chất phác cùng nhau chia sẻ sinh hoat trong không gian vẻn vẹn 8m2. Tất cả những đồ đạc đơn sơ, cũ kĩ, giản dị từ những cái áo, quần đến nồi niêu, bát đũa… đều hiện lên thật chân thực, sống động đến bất ngờ dưới đôi mắt, góc máy của tác giả.
Không chỉ thỏa mãn với cái nhìn, Nguyễn Thế Sơn còn tái hiện lại những âm thanh gắn liền với cuộc sống mưu sinh: tiếng ngáy ngủ của dân lao động sau những giờ làm việc vất vả; tiếng nước chảy róc rách trong nhà vệ sinh tối om, chật hẹp; cả những tiếng hát dân ca vang vọng trong những đài catxet cũ rích… để cho người xem có thể hình dung rõ nhất về một không gian sống của những người xa quê “quay quắt” trong kiếp mưu sinh.
Toàn bộ triển lãm không có chân dung của bất cứ người lao động nào mà chỉ có hình ảnh vật dụng sinh hoạt của họ. Điểm đặc biệt này tạo cảm giác cho người xem rằng dường như nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn muốn mượn chính hình ảnh vật dụng sinh hoạt của những lao động nơi đây. Chúng tự mình cất lên tiếng nói về những nhọc nhằn mà người lao động phải trải qua, qua đó xoáy sâu thêm vào trí óc của chúng ta về hiện thực cuộc sống khắc nghiệt của một bộ phận người dân lao động hiện nay.
Những khung cảnh thường thấy ở các xóm trọ tại buổi triển lãm
Sau khi tham quan, mỗi người còn có thể ghi lại những cảm nhận, suy nghĩ cũng như cách nhìn nhận riêng của bản thân về buổi triển lãm trong cuốn sổ tay nhỏ được đặt trang trọng trên chiếc bàn gỗ.
Giữa thời buổi kinh tế thị trường nhộn nhịp như hiện nay thì không gian triển lãm như một “nốt trầm” mang làn gió mới giúp công chúng hiểu thêm về cuộc sống khó khăn và con đường mưu sinh vất vả của những người lao động nông thôn mong muốn có việc làm ổn định để có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình, cho con cái được đến trường, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Đây cũng là dịp để những thế hệ trẻ hôm nay nhìn nhận lại bản thân, biết trân trọng giá trị cuộc sống, những thứ mà mình đang có đồng thời cảm thông cho những mảnh đời, số phận kém may mắn.
Triển lãm dự kiến kéo dài từ ngày 13/8 đến hết ngày 30/8.
Dương Nhung
Báo Mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận