Âm thanh của chữ: Hành trình "mang thơ về nhà" của người trẻ Việt
(Sóng Trẻ) - Đi tìm sự cách tân, rút ngắn khoảng cách giữa thi và ca, giữa công chúng và nghệ thuật, vào 14h00 ngày 18/2, ba nghệ sỹ trẻ Nam Thi, Mạc Mai Sương và Hoang Vu đã mang đến tọa đàm trực tuyến "Âm thanh của chữ: Khi thơ dẫn nhịp Indie" một không gian thể nghiệm nghệ thuật đầy thi thú.
Tọa đàm trực tuyến "Âm thanh của chữ: Khi thơ dẫn nhịp Indie" với sự góp mặt của người thực-hành-thơ Nam Thi, ca sỹ Indie Mạc Mai Sương, nghệ sỹ Guitar Hoang Vu. Ảnh: BBT Sóng Trẻ
Tọa đàm trực tuyến chính thức bắt đầu.
14h00 ngày 18/2, tọa đàm trực tuyến "Âm thanh của chữ: Khi thơ bắt nhịp Indie" vinh dự có sự góp mặt của người thực-hành-thơ trẻ Nam Thi, ca sỹ Indie Mạc Mai Sương và nghệ sỹ guitar Hoang Vu.
Các nghệ sỹ trẻ đã mang đến tọa đàm những phần biểu diễn độc đáo, khác lạ thuộc hình thức diễn thơ trên nền nhạc tự do thể nghiệm và những chia sẻ cá nhân, câu chuyện hậu trường đằng sau hành trình đi tìm kiếm cái mới, cái đẹp của thi và ca.
Tọa đàm được cập nhật trực tiếp trên Trang tin điện tử Sóng Trẻ, và phát trực tuyến trên Fanpage Sóng Trẻ. Trong thời gian diễn ra tọa đàm, khán giả vẫn có thể gửi câu hỏi về cho các khách mời.
Phần 1: Không là "ngâm thơ", cũng không là "phổ nhạc cho thơ"
Tác phẩm "Nhầm Tưởng" được làm mới với hình thức diễn thơ thể nghiệm. Video: BBT Sóng Trẻ
Vừa rồi, Nam Thi, Mạc Mai Sương và Hoang Vu đã mang đến tọa đàm một tiết mục biểu diễn thơ trên nền nhạc tự do thể nghiệm. Các bạn có thể chia sẻ thêm về hình thức thơ biểu diễn mới lạ này được không? Đây có phải là "ngâm thơ" hay "phổ nhạc cho thơ" như nhiều người nghĩ?
Nam Thi: Hình thức này đã xuất hiện trên thế giới từ lâu, nên với bối cảnh ở Việt Nam, ta nên nói đây là một hình thức "không mới mà lạ". Đối với mình, hình thức biểu diễn này là "mang thơ trở về nhà" bởi chữ viết là một hình thức miêu tả âm thanh. Mang thơ về nhà, không để làm theo lối cũ mà xuất phát từ nơi mình yêu, mình hiểu nhất để làm mới, khiến thơ trở nên gần gũi, đương đại với những xúc cảm của ngày hôm nay.
Không thể nói hình thức này là "ngâm thơ", bởi ngâm thơ dành cho thơ vần. Thơ của Nam Thi là một dạng thơ tự do, không vần với tính chủ đạo là tính nhịp điệu. Đây cũng không phải là "phổ nhạc cho thơ" bởi khi ấy, bài thơ bắt buộc phải đi theo cấu trúc âm nhạc. Bài thơ sẽ bị cắt xén hoặc thay đổi để phù hợp với cấu trúc âm nhạc còn với hình thức này, âm nhạc thay đổi để đi theo cấu trúc của thơ. Vì vậy, khi biểu diễn, có những chỗ người ca sỹ có thể ngân, nhưng có những chỗ không thể ngân được mà phải đọc nốt nhạc, như một hình thức hát nói.
Với hình thức diễn thơ mới này, Nam Thi đang "mang thơ trở về nhà". Ảnh: BBT Sóng Trẻ
Được biết, đầu tháng 2 các nghệ sỹ trẻ đã có Đêm Diễn Thơ thành công với một lượng công chúng nhất định. Các bạn có thể chia sẻ về phản hồi của khán giả, đặc biệt là những người yêu thơ với hình thức diễn thơ "không mới mà lạ" này?
Nam Thi: Khán giả của mình thấy rất thú vị, vì tuy không mới nhưng đây là một hình thức "lạ", chưa được biểu diễn một cách bài bản.
Mai Sương: Như Nam Thi, công chúng của mình cũng phản hồi khá tốt bởi các bạn trẻ hay nghe những bài hát có cấu trúc rõ ràng với lời, điệp khúc,...Với hình thức này, âm nhạc thực sự đi theo dòng chảy của thơ. Đây là lần đầu các bạn được thể nghiệm một cảm giác mới lạ và thấy khá thú vị.
Hoang Vu: Khán giả của mình có người thích thơ, có người thích nhạc, nhưng cả hai phía đều rất ủng hộ một hình thức diễn thơ mới mẻ như vậy.
Các bạn đều là những người trẻ làm nghệ thuật. Với hình thức diễn thơ này, các bạn có nhắm đến đối tượng công chúng trẻ?
Nam Thi: Chắc chắn. Mình là một người trẻ đang làm việc với một bộ môn nghệ thuật thường bị gắn mác "hàn lâm", "khó tiếp cận". Vì vậy, mình muốn tìm một cách biểu hiện khác, thoát ly truyền thống "thơ là những con chữ trên trang giấy" để gần hơn với đương đại.
Khi mình gặp ca sỹ, nhạc sỹ Vũ Thanh Vân và trao đổi về ý tưởng này, Vân rất ủng hộ. Từ Vân, mình kết nối với Mai Sương và Hoang Vu. Các bạn đều là những người trẻ cùng thế hệ với tâm hồn nghệ sỹ, có sự va chạm, đồng điệu. Cách hát của Thanh Vân, Mai Sương hay cách chơi nhạc của Hoang Vu đều văn minh, thân thiện với công chúng trẻ, từ đó, phần nào giúp "hạ bớt" hình ảnh tưởng như quá cao xa của thơ.
Các bạn nghĩ thế nào về nhận định "giới trẻ ngày nay hờ hững với thơ ca"?
Hoang Vu: Điều này có một phần đúng. Giới trẻ hiện nay, theo nhận xét của nhiều người, không chỉ rời xa thơ ca mà còn rời xa những hình thức văn học cổ truyền. Với mình, các bạn chỉ đơn giản tìm thấy những hình thức khác của ngôn từ, như âm nhạc, nhạc rap,...hay một số hình thức mới cũng sử dụng chất liệu ngôn từ. Nó chỉ là một sự chuyển động.
Mai Sương: Chúng ta đang ở trong thời đại mà công nghệ chiếm quá nhiều phần của cuộc sống. Với guồng quay nhanh chóng của đời sống đô thị, cảm nhận thơ ca hay những hình thức "tốn thời gian" như văn học, văn xuôi cần nhiều khoảng lặng. Giới trẻ có vẻ thích nhanh hơn là chậm, có lẽ đó là nguyên nhân của sự xa lạ với thơ ca
Nam Thi: Tiếp lời Mai Sương, mình thấy đó là sự chuyển động phù hợp với thời nay khi công nghệ, Internet, Facebook phát triển. Tất cả đều nhắm đến thị giác. Bởi vậy, nghệ thuật thị giác với hình ảnh, video sẽ phát triển hơn. Không chỉ riêng thơ ca, một số loại hình như hội họa, âm nhạc đòi hỏi sự thẩm thấu theo thời gian mà đời sống ngày nay đòi hỏi mọi thứ nhanh, gọn hơn. Địa hạt của thơ đành lùi lại một chút để nhường chỗ cho sự hợp lý của thời đại.
Đến với hình thức diễn thơ này, Mai Sương mong góp phần lan tỏa một trải nghiệm nghệ thuật "chậm" giữa guồng quay cuộc sống đô thị. Ảnh: BBT Sóng Trẻ
Giới trẻ, với tất cả những yếu tố chủ quan và khách quan để "hờ hững với thơ ca", bị thu hút bởi những yếu tố nào để đến với Đêm Diễn Thơ vừa qua, và có thể là những Đêm Diễn Thơ sắp tới?
Nam Thi: Mặc dù nói giới trẻ ít quan tâm, vẫn có bộ phận những bạn trẻ nhất định dành tình yêu cho bộ môn nghệ thuật về thơ. Như mọi người hay nói với Thi: "Đã lâu lắm mới thấy một đêm thơ ở Hà Nội". Hơn nữa, lần này thơ còn được biểu hiện bởi nhạc, đầu năm mới, trong một đêm xuân Hà Nội.
Mình cũng thường xuyên chia sẻ những tác phẩm, những hoạt động trên các nền tảng xã hội. Tất nhiên, khi mình làm Đêm Diễn Thơ, mình muốn làm thật nhẹ nhàng. Không phải là ngâm thơ, không lẫn sang phổ nhạc. Đêm Diễn Thơ vẫn có giá trị nhất định, và nhẹ nhàng. Một đêm thơ đầu năm không nên quá "mệt", mình không muốn "đánh úp" khán giả với những trải nghiệm nặng nề. Có thể lần sau mình sẽ "nâng đô", cách chơi nhạc của Hoang Vu, cách hát của Mai Sương sẽ "nặng" hơn. Mọi người sẽ tiếp tục tò mò "còn gì thú vị" và mọi thứ cứ chuyển động như vậy.
Phần 2: Cơ duyên và những chuyện hậu trường
Một những câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất xoay quanh hành trình cá nhân của các nghệ sỹ. Cơ duyên nào đã dẫn dắt các bạn đến với nhạc, với thơ, với niềm đam mê nghệ thuật ngày hôm nay?
Mai Sương: Mình đến với âm nhạc khá tự nhiên. Từ bé mình đã hay bi bô, chưa thành chữ nhưng đã thành nhạc. Mình luôn biết mình sẽ có một cuộc sống gắn liền với âm nhạc. Từ những năm cấp 3, mình có duyên tham gia một ban nhạc do Đại sứ quán Pháp tổ chức và có những dự định theo đuổi âm nhạc nghiêm túc hơn. Năm 2014, mình gặp ca sỹ, nhạc sỹ Doãn Hoài Nam qua một người bạn chung và có sự kết hợp đầu tiên qua ca khúc "Mơ". Duyên đưa từ bài này sang bài khác, chúng mình vẫn hợp tác đến tận bây giờ. Bên cạnh đó, mình cũng có những ca khúc riêng và trình diễn cùng với một ban nhạc gồm những người bạn, trong đó có Hoang Vu.
Hoang Vu: Mười năm trước, mình mới vào cấp 3. Trước đó, mình chưa bắt đầu chơi nhạc cụ mà chỉ đơn thuần thích nghe nhạc. Một ngày nọ, mình nghe một bản nhạc có nhiều phần guitar, mình quyết định mua một cây đàn và chơi thử. Năm đầu tiên mình tự mày mò khám phá, sau đó mình học ở bên nài và giao lưu, gặp gỡ, học của mỗi người một chút cho đến khi mình gặp ban nhạc MayBug và phần đông giới trẻ làm âm nhạc tại Hà Nội.
Nam Thi: Mình có chút may mắn khi được thừa hưởng "gen" văn chương từ gia đình. Cụ mình là nhà thơ và dịch giả Dương Tường. Bố mình, dù không đi theo con đường văn chương nhưng làm thơ rất hay. Tuy được tiếp xúc nhiều, nhưng mình không phải là một cậu bé có tố chất bẩm sinh. Nhìn thấy người nhà làm thơ mình rất thích nhưng thật sự mình không làm được. Mình tin rằng nghệ thuật là thứ không thể ép nên mình dừng lại. Đã từng đi qua những hoàn cảnh khó khăn trong chuyện cá nhân và gia đình, mình tin cảm xúc phải nhiều, mà khi cảm xúc nhiều như vậy thì phải làm được thơ. Hóa ra không phải. Một ngày vào hè, mình nghe thấy tiếng sấm và mùi mưa, rất nhẹ nhàng, mình viết bài thơ đầu tay "Lời của mùa hạ" và mình biết, đây chính là thời điểm mình bắt đầu làm được thơ. Rồi mình "tị nạn" vào thơ, mình bày tỏ lòng mình qua thơ từ đó.
Thời gian đầu, khi các nghệ sỹ làm quen với nhau và với một hình thức diễn thơ khá "lạ" như vậy, các bạn có gặp khó khăn nào không? Nếu có, các bạn có thể chia sẻ sâu hơn?
Nam Thi: Mình đã muốn thực hiện buổi diễn thơ như này từ lâu. Mình luôn băn khoăn tự hỏi ai sẽ là người có thể truyền tải ý thơ của mình. Người nghệ sỹ "hát thơ" cần không ngại việc hát trước khán giả, không buộc phải hát tròn, hát sạch, bởi đây là hình thức chuyển hóa từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình nghệ thuật khác để tạo nên sự giao thoa.
Ban đầu, mình không tìm được ai dù mình đã quen, đã để ý nhạc sỹ Vũ Thanh Vân từ lâu. Đến một ngày nọ, mình chợt nghĩ: đã đến lúc, nếu bây giờ không làm thì không biết bao giờ làm được. Mình nhắn cho Vân và Vân rất hào hứng. Một ngày mùa xuân, mới ra Tết, rất nhàn nhã, mọi người sẽ dễ cảm, dễ rung động với văn chương. Tất cả mọi yếu tố về không gian, thời gian, con người dều phù hợp. Với sự "lôi kéo" của Vân, Mạc Mai Sương và Hoang Vu cũng tham gia cùng mình.
Mai Sương: Thoạt nghe về hình thức "hát thơ", mình nhận lời luôn và không nghĩ gì nhiều. Đến lúc thực hiện, mình có hơi "há mồm" vì cảm thấy giọng mình hơi "sượng", không đủ hay để đọc thơ. Những người tiền bối đọc thơ có cái gì đấy mà mình không có. Sau đấy, mình nhận ra mình đang bị "gượng" vì cố trở thành một cái gì không phải mình. Đọc những cái này, mình cảm nhận thế nào thì mình cứ đọc thật tự nhiên và sau vài buổi tập, mọi thứ đều ổn.
Hoang Vu: Đây là lần đầu mình nghe nói và tiếp xúc với hình thức biểu diễn thơ này. Vì tất cả đều lạ lẫm, mình tham gia với tâm thế "đi tiền trạm", cùng dò dẫm, cùng khám phá. Trước khi diễn, mình hơi lo bởi hình thức này còn lạ. Khác với những bài hát có ý đồ âm nhạc, những tác phẩm này đều là thơ và tác giả khi viết có thể cũng chưa từng nghĩ sẽ có người "hát" chúng. Trong rất nhiều bài thơ, mình cần chọn ra những bài phù hợp nhất với hình thức diễn thơ trên nền nhạc này.
"Giới trẻ hiện nay, theo nhận xét của nhiều người, không chỉ rời xa thơ ca mà còn rời xa những hình thức văn học cổ truyền" - nghệ sỹ Guitar Hoang Vu chia sẻ. Ảnh: BBT Sóng Trẻ
Trong quá trình phối hợp, đặc biệt là trong Đêm Diễn Thơ vừa qua, các nghệ sỹ có thể "bật mí" về một kỷ niệm đáng nhớ nhất, một câu chuyện đằng sau hậu trường?
Nam Thi: Đây là Đêm Diễn "đưa thơ về với âm thanh". Ban đầu, chúng mình cũng hơi chủ quan vì đối với Nam Thi, đây là lần đầu thực hiện một dự án nghệ thuật riêng. Vì vậy, âm thanh hôm ấy lúc to lúc nhỏ. Thôi thì "tình chỉ đẹp khi còn dang dở", nên hơi "dang dở" một chút sẽ khiến mọi người muốn đến xem khi nó đã hoàn thiện hơn.
Một buổi diễn chưa hoàn thiện cũng có cái hay riêng, vậy những khán giả tham gia đêm diễn đã phản hồi ra sao? Phản hồi nào khiến các bạn ấn tượng nhất?
Nam Thi: Mọi người đều nhận xét đây là lần đầu tiên được nghe thơ theo một cách khác, nhẹ nhàng. Thơ của Nam Thi thường nặng bởi lối thơ không truyền cảm mà gợi cảm. Khi mình đưa thơ cho các nghệ sỹ, các bạn không cần hiểu 100% điều mình nói. Quan trọng là ngôn từ, từ ngữ mình dùng gợi lên trong các bạn cảm giác gì. Khi những tác phẩm như "Nhầm tưởng" hay "Hoảng loạn" được hát lên, mọi người đều bất ngờ vì những tác phẩm trở nên trữ tình và dễ đi vào lòng người đến thế.
Mai Sương: Mình cảm thấy vui nhất vì tác giả của bài thơ hài lòng với phần trình diễn, mình xin trích nguyên văn: "Các em làm long lanh thơ anh!".
Hoang Vu: Phần lớn mọi người đều thích, một vài người thấy hơi lạ, nghe chưa quen. Cá nhân mình nghĩ, sau một khoảng thời gian, mọi người sẽ dễ tiếp nhận hơn.
Phần 3: Giao lưu trực tuyến với khán giả
Nguồn cảm hứng lớn nhất giúp Nam Thi sáng tác thường đến từ đâu hay chất liệu nào làm nên thơ của anh? (Ran Thùy, 21 tuổi, Nghệ An)
Nam Thi: Mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, 12 năm đi học như bao người nên thơ của mình chịu ảnh hưởng bởi tất cả những gì quen thuộc. Về sau, mình chuyển vào Sài Gòn. Thời gian đầu tương đối khó khăn, hầu như không có bạn bè, một mình ở mảnh đất xa lạ. Thành phố Sài Gòn hiện đại, rất khác vẻ nhuốm màu cổ kính của Hà Nội. Mình vẫn giữ nguyên phong thái người Hà Nội nhưng sống giữa một đô thị hiện đại. Mình cảm thấy mình là, chính xác đến từng từ, "một người trẻ đô thị hiện đại hôm nay".
Ngày hôm nay đã là 2020, mình không xúc động trước những điều làm người xưa xúc động nữa. Mình có thể rất yêu thơ ca của các thời đại nhưng qua một lăng kính khác. Mình là người của ngày hôm nay, thế nên, cách dùng ngôn ngữ, cảm xúc, sự gợi cảm,...chính là nguồn cảm hứng chính trong phong cách sáng tạo của mình. Mình mong muốn kết hợp các cấu trúc với nhau để làm Tiếng Việt luôn chuyển động, chuyển động trong sự đương đại.
Không cùng chia sẻ nền tảng về thơ văn, Hoang Vu và Mai Sương có gặp rào cản nào trong việc cảm nhận thơ của anh Nam Thi không? (Nhật Hiền, 18 tuổi, Bắc Ninh)
Hoang Vu: Mình thích thơ, nhưng không đi sâu tìm hiểu về những tác giả, tác phẩm ít phổ biến với đám đông. Mình lần đầu tiếp xúc với thơ là khi còn đi học và qua những quyển thơ ở nhà, của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư. Tuy nhiên, phải mãi đến gần đây, mình mới tìm hiểu nhiều hơn và cho đến khi gặp anh Nam Thi, mình trở nên thực sự hứng thú dù ban đầu còn lạ lẫm. Khác với những bài thơ có vần điệu chặt chẽ được đùng để phổ nhạc, những tác phẩm được chọn để diễn thơ đòi hỏi mình tập trung nhiều vào cảm xúc cá nhân.
Vì sao anh Nam Thi lại sử dụng cách gọi khá "trúc trắc" là "người-thực-hành thơ" mà không phải "nhà thơ" như thường thấy, thưa anh? (Trần Lan, 24 tuổi, Hà Nội)
Nam Thi: Tự mình cảm thấy danh xưng "nhà thơ"...to quá. Nhiều khi, mình nghĩ mình là tuýp người thực hành nghệ thuật của thời đại này. Thông thường, mình phải ra sách, có tác phẩm, khi đó mình mới được mọi người công nhận. Sự thật là đến giờ này, mình vẫn chưa có sách. Thơ bây giờ không còn được tiếp nhận nhiều như ngày xưa, thậm chí, các nhà xuất bản cũng rất e ngại việc in thơ. Đó là điều thông cảm được bởi tính thương mại của thơ yếu hơn các thể loại văn học nghệ thuật khác. Lúc đầu mình khá lấn cấn, luôn nghĩ rằng chưa có sách, mình không dám làm gì "ghê gớm" cả. Sau đó, mình quyết định lan tỏa và truyền tải những sáng tác của mình trên những nền tảng hiện đại khác nhau. Với cụm từ "người thực-hành-thơ", mình nghĩ nó phù hợp và cũng phần nào ấn tượng hơn.
Đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm cách biểu diễn thơ này, nếu em muốn được nghe nhiều hơn thì em có thể tìm đến nguồn nào ạ? (Minh Trịnh, 20 tuổi, Hà Nội)
Nam Thi: Nếu các bạn muốn nghe hình thức biểu diễn thơ này nói chung, các bạn có thể tìm kiếm với từ khóa "poetry performance". Nếu các bạn muốn nghe diễn thơ của Nam Thi, Mai Sương hay Hoang Vu thì chắc phải đợi đến đêm diễn tiếp theo, điều còn là một ẩn số.
Các nghệ sỹ hào hứng với những câu hỏi từ khán giả. Ảnh: BBT Sóng Trẻ
Say sưa "phiêu" trong một tiết mục. Ảnh: BBT Sóng Trẻ
Các nghệ sỹ cùng BBT Sóng Trẻ chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: BBT Sóng Trẻ
Nam Thi,
tên thật là Lê Viết Thi, sinh năm 1994 tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành
Triết học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Anh hiện đang là Editor tại tạp
chí Thời trang Nghệ thuật Pháp phiên bản Việt - L’Officiel Vietnam Magazine cũng như cộng tác với nhiều tạp chí nghệ thuật
khác. Anh là một người thực-hành-thơ sở hữu nhiều sáng tác được công nhận trong
nước và quốc tế, tiêu biểu với 2 tác phẩm
Le Bal du Suicidé (Cuộc khiêu vũ của kẻ tự sát) và Réflexion (Phản chiếu)
được tạp chí Subtitle (Mỹ) chọn đăng. Mạc Mai
Sương là một ca sỹ Indie với chất giọng
mộc mạc, tự nhiên, được Billboard Việt Nam 2019 đánh giá là một trong 5 giọng ca
lạ của dòng nhạc Indie. Khởi đầu với Soundcloud, cô được công
chúng yêu mến qua các ca khúc như “Hoa”, “Mộng mơ và lãng quên”, “Vòng xoáy”,
“Mưa”... Hoàng Vũ, nghệ danh Hoang Vu, là một nghệ sỹ Guitar tự do. Anh hiện là thành viên của ban nhạc MayBug. Hoàng Vũ cũng là người tạo nên thành công của MV ca nhạc được yêu thích “Cô gái trong chuyến đi”. |
Xin trân trọng cảm ơn!
BBT Sóng Trẻ