Áp lực giao thông tại Hà Nội và bài toán ý thức
(Sóng trẻ) - Hơn một thập kỷ qua, hệ thống giao thông Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đó, đặc biệt trong vấn đề phân luồng giao thông.
Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông tăng gấp 5 - 6 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, mức phạt mới dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Tại Hà Nội, tình trạng lấn làn, chạy sai phần đường, phớt lờ tín hiệu giao thông vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt vào giờ cao điểm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông, gây áp lực lớn lên hạ tầng đường bộ, cùng với đó là ý thức chấp hành luật lệ còn hạn chế.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến tháng 2/2025, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó ô tô vượt 1,1 triệu xe – tăng mạnh so với tháng 4/2024. Dự báo, con số này tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

Áp lực phương tiện khiến nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như Minh Khai, Đê La Thành, Cầu Giấy… Một số tuyến đường xuất hiện 3 - 4 làn ô tô vào giờ cao điểm, khiến phương tiện khác gặp khó khăn khi di chuyển, làm tăng nguy cơ tai nạn.
Bạn Khánh Linh (19 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cảm thấy bất an khi di chuyển trên tuyến đường có nhiều làn ô tô: “Vào khung giờ cao điểm, thường xuyên xuất hiện tình trạng một số ô tô đang trong làn của họ đột nhiên bóp còi, rẽ ngang để len vào làn đường xe máy. Điều này khiến mình và những người điều khiển xe máy khác khó phản ứng kịp thời và rất dễ bị mất lái, dẫn đến xảy ra tai nạn”.

Mặt khác, anh Nguyễn Thượng Trung Kiên (24 tuổi, quận Hoàn Kiếm) là một người điều khiển ô tô, thừa nhận bản thân đã từng lấn làn do sợ muộn giờ làm dù biết bản thân có thể gây tai nạn giao thông: "Làn xe ô tô thường xuyên tắc cứng vào khung giờ tôi đi làm buổi sáng. Đôi lúc, tôi buộc phải lấn làn để không bị trừ lương đi muộn".
Để giảm ùn tắc và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhiều tuyến đường đã được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu cho phép rẽ trái, phải khi có đèn đỏ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc vi phạm vẫn diễn ra. Chị Phạm Lan (50 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Dù đèn đã bật xanh cho phương tiện rẽ phải khi có đèn đỏ cấm đi thẳng, nhưng các phương tiện phía trước không chịu nhường đường, dừng xe lấn sang làn đường chỉ được rẽ phải. Mỗi lần như vậy, Tôi phải đứng chờ rất lâu, dù mình hoàn toàn đi đúng luật".

Hiện nay, thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp để cải thiện tình hình. Ngoài Nghị định 168/2024/NĐ-CP, các quy định như lắp đặt bổ sung biển báo, đèn tín hiệu tại các nút giao thông trọng điểm và tăng cường tuần tra xử phạt đã được áp dụng. Hơn hết, ý thức tự giác của người dân vẫn là chìa khóa để phân luồng giao thông thực sự hiệu quả.