Bẩn "kinh hoàng" mương rác thải giữa khu dân cư
(Sóng trẻ) – Đã nhiều năm nay, nhân dân tổ 8 phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã phải sống chung với mương rác thải đen kịt, bốc mùi hôi thối chảy qua khu dân cư. Mặc dù người dân trong tổ đã nhiều lần tiến hành thu dọn và gửi đơn đề nghị đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được xem xét và giải quyết triệt để.
Tình trạng “cha chung không ai khóc”
Hàng ngày, dòng nước đen ngòm cùng với rác thải trôi nổi trên mặt nước chảy qua khu dân cư tổ dân phố số 8, phường Yên Hòa. Mương rác thải không hề được che chắn gì. Những người dân ở tổ dân phố cho biết, mương rác thải này tồn tại từ khi xây dựng xong khu đô thị mới Dịch Vọng. Người ta làm rãnh thoát nước và nó tồn tại cho đến bây giờ. Con mương là nơi giáp ranh trực tiếp giữa tổ 8, phường Yên Hòa với khu đô thị mới Dịch Vọng. Nơi đây tập trung dòng chảy từ phường Dịch Vọng qua nghĩa trang Mỏ Quang để thông ra cống đường Dương Đình Nghệ nhưng do rác ứ đọng lại nên dòng nước thải chỉ chảy ngầm phía dưới, không thoát đi được.
Mương rác thải năm giáp ranh giữa tổ 8 phường, Yên Hòa với khu đô thị mới phường Dịch Vọng
Đứng cạnh những mương rác thải này chúng tôi mới hiểu được nỗi khổ của người dân đã phải chịu đựng trong suốt nhiều năm qua. Bác Linh - Tổ trưởng tổ dân phố số 8, phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mùa mưa, nước tràn ngược lên phía trên, ngập đường đi, ngập sân và ngập thềm nhà. Mùa hè cũng như mùa đông mương nước này đều bốc mùi khó chịu, nhiều người đi qua đây cứ phải bịt mũi.
Bà Nguyễn Thị Lợi bức xúc nói: “Chúng tôi sống ở đây từ lâu lắm rồi, cuộc sống suốt ngày bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ cái mương này”.
Nước đục nổi nhiều bọt, rác trôi nổi khắp nơi
Được biết, từ năm 2007, khu đô thị mới Dịch Vọng bắt đầu khởi công và hoàn thành năm 2010 nằm trong địa giới hành chính của 2 phường Dịch Vọng và Yên Hòa. Trong quá trình thi công thì đơn vị thi công là Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm có làm một rãnh thoát nước thải nằm ở bộ phận giáp ranh giữa 2 phường. Nơi giáp ranh đó nằm trong dự án làm con đường từ Thành Thái - Cầu Yên Hòa - đường Láng. Nhưng do kinh phí còn hạn hẹp và giải quyết chỗ trọng điểm trước nên con đường vẫn chưa được xây dựng và cũng chính vì thế mà con mương rác thải vẫn tiếp tục tồn tại.
Vì là nơi giáp ranh chung nên quản lý về vệ sinh môi trường và xử lý rác thải của các cơ quan có thẩm quyền có sự lỏng lẻo và dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Theo người dân phản ánh, con mương phần lớn thuộc đất của phường Dịch Vọng nhưng không mấy ai quan tâm đến việc xử lý phần rác thải nằm trên phần đất của phường mình. Điều này cũng rất dễ lý giải, vì mương rác thải nằm phía sau những tòa nhà thuộc khu đô thị mới Dịch Vọng (Dịch Vọng) nên họ không chịu ảnh hưởng gì còn với những hộ dân cư tổ 8, phường Yên Hòa thì con mương nằm ngay trước mặt, ngay trước cửa nhà. Một bên thờ ơ còn một bên cố gắng làm đủ mọi cách khắc phục vẫn không có kết quả nên việc xử lý con mương rác thải ô nhiễm này là một bài toán khó đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chung quy hai từ “ý thức”
Trước đây, con đường nối từ tổ dân cư số 8, phường Yên Hòa sang khu đô thị mới Dịch Vọng vẫn chưa có. Do nhu cầu đi lại nên người dân đã dùng gỗ để bắc cầu sang và sau đó có dùng cốt pha của dự án làm một con đường cho nhân dân và các phương tiện di chuyển đi lại. Tuy nhiên, để cho việc đi lại được an toàn hơn thì bác Linh - Tổ trưởng tổ tổ dân phố số 8 đã đề nghị với ông Dương Cao Thanh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy về việc đổ một con đường bằng bê tông cho nhân dân và đã được phê duyệt. Từ khi có con đường mới thì việc đi lại của nhân dân 2 phường trong quận và mọi người trở nên thuận tiện hơn. Lượng người lưu thông hàng ngày trên đường là trên 1000 người. Và đây cũng chính là một nguyên nhân làm rác thải ngày càng gia tăng. Vì sao lại như vậy? Câu trả lời cho việc này: Hầu hết những người đi đường qua đây là công nhân, sinh viên, người thuê trọ…vì không về kịp giờ đổ rác nên họ cho lên xe và đến mương là vứt xuống.
Không chỉ do ý thức của những người đi đường mà còn do ý thức của một bộ phận dân cư sinh sống, buôn bán hàng ăn, sắt vụn, kinh doanh vật liệu xây dựng trên phần đất mà ban quản lý dự án xây dựng và cho thuê. Các rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng, phế liệu đổ trực tiếp xuống mương hoặc vứt ngổn ngang trên thành mương gây ô nhiễm môi trường.
Rác thải vứt ngổn ngang trên bờ mương gần ngay nơi dân cư sinh sống
Bác Linh - tổ trưởng tổ dân phố số 8 cho biết: “Trên đường đi hàng ngày, mọi người cứ vứt xuống. Các cháu thấy đấy không thiếu một thứ gì, kể cả đồ chơi trẻ em, những cây chuối, đồ ăn thừa, túi ni lông, rau cỏ, những vật dụng không dùng đến…chắn hết dòng chảy. Không những thế nó còn gây ra bao nhiêu mầm mống bệnh tật. Nhiều người đi lại rồi ăn uống ở những hàng quán gần mặt đường, cống rãnh, khu vực mất vệ sinh thì dứt khoát sẽ chịu ảnh hưởng của những mầm bệnh đó”.
Tất tật mọi thứ “thượng vàng hạ cám” được vứt xuống mương nước thải
Dường như những việc làm đó quá “quen tay” với họ. Mặc dù đã có biển cấm đổ rác nhưng họ vẫn vứt, vẫn xả kể cả nhà mình có ở ngay gần bãi rác. Họ vẫn “tranh thủ” lúc vắng người mà “hành động”. Khi được hỏi thì mọi người chỉ cười và bảo: “Thấy mọi người đổ mình cũng đổ”. Đó có phải là câu chuyện ý thức. Mọi người vẫn chưa ý thức được rằng việc mình làm có thể làm cho nhà của mình sạch nhưng lại vô tình làm ảnh hưởng đến những nhà sống gần con mương rác thải đó. Dù có tiến hành thu m, nạo vét,…rác thải đến đâu đi chăng nữa mà mọi người vẫn cố tình vứt ra thì sẽ chẳng bao giờ xử lý được rác thải. Và sẽ có nhiều chuyện ngược đời xảy ra khi chỗ cấm đổ rác là chỗ nhiều rác nhất và người đổ rác bừa bãi lại là người kêu than vì môi trường ô nhiễm, mất vệ sinh.
Mặc dù đã có biển cấm đổ rác nhưng người dân vẫn thản nhiên vứt rác ra mương
Biện pháp giải quyết chưa triệt để
Biện pháp hiện tại để tự cứu mình thoát khỏi mùi hôi thối của người dân chỉ là thuê xe múc vớt chất thải chở đi nơi xa khu dân cư. Theo bác Linh - Tổ trưởng tổ dân phố số 8 “Nhân dân tổ dân phố số 8, phường Yên Hòa đã 3 lần trực tiếp làm và thuê người vớt rác thải để thông rãnh. Nhưng bây giờ rác thải nhiều, nhân dân tổ dân phố không có dụng cụ chuyên dùng, ô tô không có, xe đẩy, cào, bừa cũng không chỉ có mỗi sào đẩy nên rác không thể xử lý được. Bác cũng đã có đơn gửi Chủ tịch UBND quận để xem xét giải quyết”.
Bà Nguyễn Thị Thùy cũng cho biết: “Nhân dân ở tổ kiến nghị rất nhiều nhưng cũng chả thấu đáo gì cả mà phải bỏ tiền ra dọn đấy chứ. Bác tổ trưởng tổ dân phố kiến nghị rất nhiều nhưng đó là điểm giáp ranh chung nên cũng đành chịu”.
Tuy nhiên, biện pháp trên mới chỉ là biện pháp trước mắt. Còn biện pháp lâu dài thì phải nằm ngay ở chính ý thức của người dân sống trong khu dân cư và mọi người ở xung quanh đó.
Bài và ảnh:
Lê Thị Kim Hoa
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận