Bảo tồn động vật hoang dã - Kỳ 4: “Hậu duệ” rùa Hoàn Kiếm nên đi hay ở?
(Sóng trẻ) - Kết quả được công bố bởi các nhà khoa học đã khẳng định cá thể rùa được bẫy bắt vào tháng 10/2020 tại hồ Đồng Mô có cùng ADN với Rùa Hoàn Kiếm, loài rùa mai mềm đang gần bên bờ tuyệt chủng. Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng nên đưa rùa Đồng Mô về hồ Hoàn Kiếm để thay thế “Cụ Rùa” đã qua đời.
Rùa Đồng Mô là một trong hai cá thể quý hiếm nhất trên thế giới (một ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây) và một cá thể khác đang được nuôi nhốt tại một vườn thú của Trung Quốc). Nhiều người cho rằng, từ lâu hồ Hoàn Kiếm luôn gắn với hình ảnh “Cụ Rùa”. Do đó đề xuất đưa rùa Đồng Mô họ hàng cùng loài để thay thế.
Các suy nghĩ về việc di chuyển rùa Đồng Mô về hồ Hoàn Kiếm là dễ hiểu, vì rùa Hoàn Kiếm vốn có vị trí quan trọng trong tiềm thức người dân Việt Nam. Sự ra đi của cá thể rùa mai mềm khổng lồ cuối cùng ở hồ Gươm năm 2016 đã để lại nhiều thương xót, nên khi cá thể rùa Đồng Mô được xác định loài bằng công nghệ ADN, ý kiến này được khá nhiều người đồng tình.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Long, điều phối Chương trình Bảo tồn loài, Tổ chức WCS cho biết: “Việc di dời rùa Đồng Mô không được khuyến khích vì hiện nay rất khó để tìm ra một hồ có đủ an toàn và đáp ứng được yêu cầu về môi trường, diện tích và con người”. Hiện nay ở Hà Nội chất lượng nước ở các hồ đều ở mức thấp đặc biệt là hồ Gươm. Ngược lại, hồ Đồng Mô có chất lượng nước tốt hơn các hồ khác, thêm nữa với việc nước luôn được luân chuyển khiến hồ Đồng Mô cơ bản vẫn đáp ứng được, anh Long chia sẻ thêm.
Trong một số năm gần đây, công tác bảo tồn rùa Đồng Mô được đẩy mạnh. Việc giám sát môi trường nước tại các hồ Đồng Mô, Xuân Khanh cũng sẽ được thực hiện, để cải thiện chất lượng nước hồ, tạo điều kiện sống tốt nhất cho hoạt động sinh sản của Rùa Đồng Mô.
Nửa hồ Đồng Mô, nơi cá thể rùa đang sống, được thầu bởi một người duy nhất nên hầu như không có việc chia mảnh để đánh bắt cá đảm bảo được diện tích sinh sống của rùa. Trong khi đó hồ Hoàn Kiếm chỉ rộng 12ha, khá nông và chỗ sâu nhất chưa đến 2m (bao gồm nền đất bùn dày 50cm). Chỉ xét riêng phương diện này hồ Hoàn Kiếm khó mà đáp ứng được yêu cầu bảo tồn rùa mai mềm.
Trong bảo tồn động vật hoang dã nói chung và bảo tồn rùa Hoàn Kiếm nói riêng, sự ủng hộ của người dân địa phương là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Họ vừa là người “phá” và vừa là người “bảo vệ”, cái khó ở đây là làm sao thay đổi được tư tưởng và nhận thức của người dân.
Với nỗ lực hơn 10 năm qua, việc di chuyển Rùa Đồng Mô đến một nơi ở mới sẽ khiến mọi cố gắng quay về con số không. Đa phần người dân đều nhận thức được Rùa Đồng Mô là loại rùa quý hiếm, cần được bảo vệ. Việc di chuyển Rùa Đồng Mô đến nơi ở mới sẽ khó mà thực hiện được.
Một yếu tố nữa cần xét tới chính là quá trình bẫy bắt Rùa Đồng Mô không hề đơn giản. Hồ Đồng Mô có diện tích lên đến 1.300 ha, lòng hồ còn nhiều gốc cây lớn nên việc bẫy, bắt gặp nhiều khó khăn. Các phương pháp cần được tính đến mức độ rủi ro, và đề ra các phương pháp phòng tránh. Các tình huống trong quá trình bẫy bắt cũng cần được xây dựng và luyện tập ứng phó với các trường hợp xấu có thể xảy ra, anh Long cho biết thêm.
Rùa Đồng Mô nên đi hay ở? Câu trả lời tuy chưa rõ ràng nhưng cũng có cơ sở để khẳng định rằng đó khó có thể là hồ Hoàn Kiếm. Giải pháp đang được nhiều chuyên gia đánh giá cao hiện nay là quy hoạch lại khu vực sinh sống cho Rùa Đồng Mô. Trong khu vực đó, mọi hoạt động đánh bắt hay kinh doanh dịch vụ sẽ được tạm dừng, cải tạo đất để làm bãi cát cho rùa lên phơi mình. Tới đây, nếu xác định được cá thể rùa thứ hai trong hồ là giống rùa mai mềm khổng lồ, việc bảo đảm môi trường sống cho Rùa Đồng Mô càng phải được đẩy mạnh hơn nữa.