Bến Nhà Rồng: Điểm đến lịch sử gắn liền tên tuổi vị lãnh tụ vĩ đại
(Sóng trẻ) - Bến nhà Rồng là nơi ghi đậm dấu ấn về vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, người anh hùng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam.
Cổng vào Bảo tàng
Đặt tại Phường 12, Quận 4, Tp.Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng đã đi vào lòng người dân nơi đây và những vị khách thập phương bằng hình ảnh ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên ái quốc Nguyễn Tất Thành năm 1911.
Khi đặt chân đến Bến nhà Rồng, không gian nơi đây tạo trong lòng người như được sống lại một thời kì lịch sử của dân tộc gắn liền tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính tại nơi đây đã trở thành một dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người và cũng là của cả dân tộc Việt Nam.
Toàn cảnh Bến nhà Rồng
Với những điều kiện thuận lợi khi chọn Tp. Hồ Chí Minh (trước là Sài Gòn) để xuất nại như, đây là nơi thuận đường cho việc sang Pháp, hai nữa việc kiểm soát đi lại tại đây cũng được nới lỏng hơn so với những vùng khác.
Trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, bằng rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, đi đến những chân trời mà Người chưa một lần đặt chân đến để chỉ với một mong muốn duy nhất là làm sao để tìm cho dân tộc mình một lối đi mới, một con đường cách mạng đúng đắn trong hoàn cảnh xã hội bế tắc, các phòng trào yêu nước liên tiếp thất bại.
Để rồi, từ cái ngày mồng 5 tháng 6 năm 1911 ấy đến tận 30 năm sau đó, Người mới trở về nước và trực tiếp dẫn dắt phong trào cách mạng Việt Nam, làm nên những thắng lợi vang dội, chấn động địa cầu và khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Nhìn lại những tháng năm ấy, nhận thấy rằng, mảnh đất Sài Thành là một trong những điểm Người dừng chân trong thời gian rất ít, nhưng lại có vai trò quyết định đối với việc tìm đến với con đường cứu nước cho dân tộc.
Tượng đài người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành được xây dựng năm 2001
Sở dĩ có tên gọi Bến Nhà Rồng là bởi trên nóc tòa nhà có đôi rồng được gắn vào theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt” nên nơi đây vẫn được gọi là “Nhà Rồng”.
Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, có 09 phòng với 1482,62 m2 diện tích trưng bày, 02 phòng kho chứa 10.927 tài liệu, hiện vật và 450 hiện vật trưng bày nài trời.
Trong số 9 phòng trưng bày, có 6 phòng trưng bày những chuyên đề cố định về tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn 3 phòng trưng bày nữa để trưng bày những chuyên đề mang tính thời sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong từng thời gian nhất định.
Trang phục của các dân tộc anh em được trưng bày tại lối vào phòng trừng bày
Đặt chân vào những căn phòng trưng bày, những hiện vật gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Người được tái hiện một cách khá toàn diện và đầy đủ. Từ những bức tranh về những dân tộc anh em trên dải hình chữ S biểu thị cho tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người đến những bức thư do chính tay Người viết, những giấy khen, lời khen ngợi đồng bào có sự phấn đấu, nỗ lực cho sự phát triển của cách mạng.
Những hiện vật về Người còn được lưu giữ lại
Bên cạnh những hiện vật, là những bức tượng được điêu khắc đặt trang trọng trong phòng trưng bày như, tượng Bác Hồ bắt tay với Bác Tôn Đức Thắng, bức tượng đài bộ đội đang kháng chiến chống Pháp... Tất cả đó đã tạo nên một không gian rất riêng, rất độc đáo mà không phải ở đâu cũng có được.
Từ lúc thành lập đến nay, Bến Nhà Rồng đã đón hàng chục triệu lượt khách tới tham quan, du lịch. Đặc biệt, có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia tới viếng thăm, các nhà nghiên cứu khoa học nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng mở rộng hoạt động và nâng cao chất lượng, rất nhiều hiện vật được thu thập, bảo quản và đem ra trưng bày, làm toát lên một cuộc đời, sự nghiệp lỗi lạc của Người.
Bến nhà Rồng thực sự là một điểm đến mang dấu ấn lịch sử đậm nét gắn liền với tên tuổi của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Khi chưa đến thì háo hức mong chờ và khi chia tay thì đọng lại trong lòng người nỗi nhớ, lưu luyến.
Bài và ảnh: Đoàn Bổng
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận