Bỏ túi bí quyết “vượt vũ môn” vào 10 trong giai đoạn nước rút
(Sóng trẻ) - Chỉ còn chưa đầy 1 tuần, kì thi tuyển sinh vào 10 ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước chính thức bắt đầu. Các thầy, cô giáo của 3 môn học Toán, Văn, Anh trường THCS Châu Minh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) “bật mí” những bí quyết giúp học sinh gói gọn kiến thức, sẵn sàng “chiến đấu” trong kì thi sắp tới.
Là những giáo viên dày dặn kinh nghiệm ôn thi vào 10, các thầy cô trong 3 tổ bộ môn Toán, Văn, Ngoại ngữ của trường THCS Châu Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn không khỏi lo lắng cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 sắp tới. Các thầy cô luôn cố gắng trang bị cho học sinh của mình những kiến thức, kinh nghiệm ôn thi trong giai đoạn nước rút.
Làm toán “chậm mà chắc” để “ăn điểm” từng câu
Toán là một trong những môn các em học sinh dễ lấy điểm nhất nhưng cũng dễ mất điểm nhất. Chính vì vậy, cô Nguyễn Thị Hải - giáo viên dạy toán luôn nhắc nhở học sinh của mình cần làm bài bình tĩnh, không được thấy đề dễ mà chủ quan làm nhanh, ẩu. Bởi mỗi câu đúng là các em lại cộng thêm 1 hy vọng đỗ vào ngôi trường mà các em mong ước. Bên cạnh đó, cô Hải nhấn mạnh: “Khi làm xong bài thi các em cần kiểm tra lại kỹ bài làm thật nhiều lần, gần như là tự làm lại đề thêm 1 lần nữa để kiểm tra lại các đáp án nếu còn thời gian để tránh mất điểm ở những câu dễ”.
Đồng hành cùng nhiều lớp học trò “vượt vũ môn” vào 10, cô Hải lưu ý: “Tâm lý làm bài thi rất quan trọng, vì vậy khi nhận được đề các em làm theo hướng dẫn của giám thị sau đó tập trung vào bài làm của mình. Các em không được “sợ” các bạn ngồi bên cạnh mà run, không làm bài như đúng thực lực để phải tiếc nuối sau khi ra khỏi phòng thi”.
Hiểu tâm lý cũng như biết được nỗi lo của học sinh nên cô luôn động viên các em phải thật thoải mái và điều chỉnh thời gian học tập hợp lý trong những ngày cuối cùng. “Những ngày cận thi, các em không nên thức quá khuya để học bài. Các em cần xem qua bài để củng cố kiến thức và rút kinh nghiệm ở những lỗi sai mình gặp phải” - cô Hải chia sẻ thêm.
Thuộc lòng phương pháp làm bài, từng bước lấy trọn điểm môn Văn
Là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm và kinh nghiệm ôn thi vào 10 dày dặn, cô Nguyễn Thị Hoa luôn có những bí quyết để học sinh của mình tự tin “có chữ là có điểm” khi làm bài môn văn.
Theo cô Hoa chia sẻ, phần đọc hiểu của đề văn cần đọc kỹ, gạch chân vào từ khóa của câu hỏi để tránh nhầm lẫn. Cần lưu ý, đây là phần dễ lấy điểm nhưng phải biết trả lời đúng trọng tâm, không cần dài dòng để tránh mất thời gian. Bên cạnh đó, học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý: 15 phút đầu cho phần đọc hiểu; 20 phút cho câu nghị luận xã hội và phần tập làm văn cần dành nhiều thời gian hơn vì điểm phần đó nhiều nhất.
Cô Hoa nhấn mạnh: “Trong giai đoạn nước rút, các em cần nắm chắc cho mình kỹ năng làm bài, cấu trúc bài để tránh mất điểm. Bên cạnh đó, các em không nên học thuộc lòng nhiều bài văn mẫu dài, thay vào đó hãy chuẩn bị trước cho mình bộ mở bài, giới thiệu chung, đánh giá, kết bài cho các tác phẩm và học thuộc các luận điểm để có thể tự tin làm bài”.
Cô Hoa khẳng định đối với môn Ngữ văn, giọng văn riêng, cảm xúc văn chương khác nhau nhưng đều qua chuẩn kiến thức trong đề bài, đáp án. Không quan trọng bài làm viết dài hay ngắn, chỉ cần đúng, đủ, chính xác: đúng nội dung, đủ dung lượng, chính xác yêu cầu. Vì thế các bạn chỉ cần ôn luyện chắc chắn kiến thức, kĩ năng và tự tin làm bài.
Nắm vững kỹ năng làm bài Tiếng anh tránh mất điểm oan
Ngoại ngữ đối với một số học sinh là một môn học khá “khó nhằn”, tuy nhiên cô Hải Yến - giáo viên dạy ôn thi vào 10 môn Tiếng anh (trường THCS Châu Minh) chia sẻ rằng nếu học sinh có phương pháp học hợp lý, đây sẽ là bộ môn dễ lấy điểm nhất trong 3 môn thi.
Để bớt nỗi sợ với môn thi Tiếng anh, các em cần kiểm tra lại kiến thức, củng cố ngữ pháp và từ vựng. Cần đặc biệt lưu ý ôn kỹ: Các thì (hiện tại thường, quá khứ thường, hiện tại tiếp diễn, quá khứ tiếp diễn, hiện tại hoàn thành và tương lai), câu hỏi đuôi, danh từ, động từ, giới từ, mạo từ…
Cô Hải Yến chia sẻ: “Theo kinh nghiệm dạy ôn thi nhiều năm của tôi, học sinh sau khi luyện nhiều đề cần rút kinh nghiệm những câu mình hay sai và phát hiện lỗ hổng kiến thức để kịp thời bổ sung trước khi thi. Khi làm mỗi đề, các thí sinh nhớ phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Các em nên ưu tiên làm những câu dễ, chắc chắn được điểm trước”.
Trong giai đoạn “nước rút” các em tránh “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức thay vào đó hãy làm 1-2 đề/ ngày để luyện kỹ năng cũng như phản xạ làm bài.