Các trường mầm non “gồng mình” trụ vững trước dịch bệnh
(Sóng trẻ) - Trong suốt hai năm kể từ khi Covid xuất hiện, để phòng chống dịch bệnh, các trường mầm non tư thục buộc phải đóng cửa khiến không ít giáo viên rơi vào cảnh lao đao.
Cơ sở vật chất bán sắt vụn để bù lỗ
Chị Nguyễn Quỳnh Hoa, giáo viên trường mầm non Ban Mai tại quận Tây Hồ, Hà Nội đã buộc phải nghỉ việc gần 1 năm nay. Chị cho biết không có học sinh đến lớp khiến nhà trường không có nguồn thu nên không thể hỗ trợ cho giáo viên, nếu có cũng chỉ là những tháng đầu. Thu nhập từ việc đi dạy chỉ đủ để duy trì cuộc sống nhưng dịch bệnh khiến cuộc sống trở nên bấp bênh hơn.
“Hiện giờ không chỉ tôi mà các giáo viên khác đều rất hoang mang. Dịch bệnh để kiếm một công việc mới cũng rất khó khăn. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải trở về quê vì không thể lo nổi chi phí khi ở thành phố trong thời kì dịch bệnh”. - chị Hoa nói.
Không có tiền để lo chi phí về quê, để duy trì cuộc sống và lo tiền học cho con, chị Hoa đã bắt đầu kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập song cũng chỉ đáp ứng được những chi phí nhỏ nhặt hàng ngày. Ngoài ra chị cũng nhận dọn dẹp nhà theo giờ vì “thêm được tí nào hay tí ấy”. Cuộc sống không ổn định khiến chị Hoa lo lắng đến mất ngủ vì không biết thời gian sắp tới sẽ phải xoay xở như thế nào.
Không chỉ giáo viên khó khăn mà các trường như ngồi trên “đống lửa” khi cơ sở đóng cửa nhiều tháng liền, lại phải gánh các khoản chi phí lớn khiến nhiều trường mầm non rơi vào cảnh kiệt quệ. Thậm chí có nhiều trường đã buộc phải đóng cửa.
Cô Kim Thanh, hiệu trưởng của 4 trường mầm non tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương trắng tay sau gần 30 năm làm nghề: “Tâm huyết cả đời của mình phải giải thể hết vì không có tài chính, 10 năm đi học 20 năm mở trường và đi dạy, dồn hết khả năng để làm xong phải chấp nhận đóng cửa”. Cô Thanh không khỏi đau lòng khi nhìn thấy cơ sở vật chất trường học mình tận tay đầu tư nay phải bán để bù lỗ: “Mình đầu tư có khi đến hàng trăm triệu nhưng sau bán sắt vụn cũng chỉ thu về khoảng 30 triệu. Căn nhà tôi ở tôi cũng bán để đầu tư, chấp nhận đi ở trọ xong bây giờ cũng mất trắng”.
Dịch bệnh đã khiến cô phải bán căn nhà cuối cùng và đi ở trọ bị đẩy vào đường cùng: “Chủ các mặt bằng cũng giảm tiền thuê một nửa nhưng tôi vẫn không có khả năng để tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở và trả tiền cho các giáo viên, tổn thất khoảng 4 tỷ 8 trăm triệu chưa bao giờ tôi thấy mình vào đường cùng như thế này”.
Theo thống kê của sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non gồm 27 trường 124 nhóm trẻ đã giải thể và ngừng hoạt động, dự kiến con số đó sẽ tiếp tục tăng vì dịch bệnh mới chỉ kiểm soát được một phần và chưa có giải pháp đối với bậc học này.
Tại Hà Nội, nhiều trường mầm non tư thục cũng ngóng ngày mở cửa trở lại, dù nhiều trường chưa đến mức phá sản nhưng cũng phải sống trong những tháng thấp thỏm không yên. Nhiều chủ trường vẫn cố tìm cách gồng gánh mọi chi phí để chờ ngày mở cửa. Nhưng câu hỏi khi nào thì được hoạt động trở lại và dịch bệnh có bùng phát nữa hay không, vẫn chưa thể có câu trả lời. Nếu tình hình này kéo dài, nguy cơ nhiều chủ trường phá sản chỉ là sớm hay muộn.
Mong ngóng ngày mở cửa
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội đã có dự thảo về việc đi học trở lại cho các cấp học, tuy nhiên riêng với bậc học mầm non vẫn còn phải xem diễn biến tình hình dịch bệnh bởi các em học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, vì hiện chưa có vaccine tiêm chủng cho độ tuổi này.
Cô Ngô kim Loan, hiệu trưởng trường mầm non tư thục Tú Chi (quận Thanh Trì, thành phố Hà Nội) cho biết, vừa qua trường vẫn tổ chức tuyển sinh năm học mới để đảm bảo việc dạy và duy trì hoạt động của trường: “Nhà trường sẽ cho các em quay trở lại ngay khi có công văn của thành phố”.
Là phụ huynh có con học mẫu giáo, chị Nguyễn Nhật Bảo Thoa (30 tuổi, trú tại Hà Nội) cũng mong đợi đến ngày con được quay trở lại trường: “Tôi rất mong các cơ sở mầm non được mở cửa để cháu có thể đến trường học tập và tôi cũng có thể yên tâm đi làm chứ bình thường toàn phải gửi cháu cho người quen, việc này khiến tôi không yên tâm”.
Trường mầm non quốc tế Nhật Bản Sakura Montessori đã chuẩn bị kế hoạch đón các em học sinh quay trở lại. Để tăng độ tin cậy cho phụ huynh và sự an toàn cho học sinh một cách tối đa, trường tổ chức phun khử khuẩn định kì, lau dọn sát khuẩn cơ sở vật chất và lên kế hoạch tổ chức lớp học có khoảng cách nhất định giữa các em học sinh. “Tôi luôn mong ngóng đến ngày các bạn học sinh đi học, đó cũng sẽ là một ngày hạnh phúc của một người giáo viên có lẽ là khi được đến trường, được nắm tay các bạn nhỏ, được nhìn thấy nụ cười, những bước đi chập chững hay từng bước đi của các con.Thời gian này, tôi cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình cùng với tinh thần nhiệt huyết để chuẩn bị không gian lớp học mới được chỉn chu, ngăn nắp, sạch sẽ chào đón các con ngay khi có thể”. - Cô Lã Thị Phương Thảo, một trong những giáo viên của trường cho biết.
Trong lúc đợi công văn từ phía thành phố, các trường mầm non cũng tổ chức những hoạt động, chiến dịch online để động viên giáo viên cũng như để các em học sinh mầm non cùng bố mẹ có thể tự học ở nhà như chiến dịch “Học ở trường thích hơn ở nhà”, cuộc thi ảnh “Bé khoẻ bé đẹp”,... Những hoạt động này đã được sự ủng hộ và các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội hưởng ứng.
Hiện tại, dù chưa có quyết định nào về việc được đón các em học sinh quay trở lại nhưng các giáo viên và chủ các cơ sở đều hy vọng họ sẽ chỉ còn phải đếm ngày thay vì đếm tháng như hơn nửa năm qua.
Hương Giang