Chặng đường 15 năm đấu tranh bảo vệ loài gấu
(Sóng trẻ) - Câu chuyện về quá trình bảo vệ loài gấu suốt 15 năm đã thể hiện được tâm huyết, trách nhiệm và sự nỗ lực ngày đêm của một tổ chức khiến cho ai cũng phải ngỡ ngàng.
“Gấu thuộc về tự nhiên! Gấu cần các bạn” là thông điệp vững chãi mà suốt 20 năm qua, Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV đã không ngừng bảo vệ và tuyên truyền. Chiến dịch bảo vệ gấu của ENV là một trong những hoạt động nổi bật và đem đến nhiều cảm xúc nhất.
Bằng sự nỗ lực và quyết tâm của mình, tổ chức đã giúp số gấu bị nuôi nhốt lấy mật trên cả nước đã giảm 91% (từ 4300 cá thể gấu trong năm 2005 xuống chỉ còn 372 cá thể gấu tính đến hết tháng 2/2021). Ngoài ra, số gấu bị nuôi nhốt lấy mật trên 39 tỉnh thành trong cả nước đều giảm xuống bằng 0, 32 cá thể gấu đã có cuộc sống mới tại các trung tâm cứu hộ trong năm 2020.
“Trong năm 2020, ENV ghi nhận và xử lý 395 vụ vi phạm liên quan đến gấu, trong đó có 376 vụ quảng cáo, 15 vụ nuôi nhốt, tàng trữ và 5 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép gấu và các sản phẩm từ gấu”, Bà Nguyễn Phương Dung (Phó Giám đốc ENV) cho biết. Hành vi sử dụng mật gấu để làm thuốc hoặc buôn bán trái phép đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sự tồn vong của loài gấu Việt Nam.
Trước tình trạng này, ENV đã có những biện pháp tăng cường cũng như vận động bằng nhiều chiến dịch lớn như: Cuộc thi vẽ tranh “Trả lại sự bình yên cho loài gấu”, “Chạy vì Gấu – Chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu”, Cuộc thi làm phim “Nói KHÔNG với mật gấu", viết thư cho chủ gấu “Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn”...
Chia sẻ về kết quả này, bà Dung cũng rất bất ngờ và vui mừng trước sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với công tác bảo vệ gấu. Những “tâm thư” được các em viết gửi đến chủ gấu với mong muốn cho gấu một cuộc sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ rất đáng trân trọng.”
Cô Lan (nhân viên tổ chăm sóc động vật tại vườn Bách thú Hà Nội) cho biết: “Khi được giao cho công việc chăm sóc thú, điều đầu tiên quan trọng nhất vẫn là tình yêu của mình dành cho chúng. Đơn giản nhất là với loài gấu, mùa rét phải dùng máy sưởi, hè đến chúng tôi làm những cái kem đá bằng hoa quả cho thú ăn và làm trò chơi, chăm sóc chúng từ những điều nhỏ nhất.”
Được biết, tuổi thọ của thú chỉ từ 18 đến 20 tuổi, một khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ để gắn kết tình cảm giữa loài gấu và con người. Nhân viên chăm sóc thú cũng xuất phát từ tình yêu động vật mới có thể tới gần để chăm sóc và chơi đùa, thậm chí là dạy cho chúng những bài học để gắn kết với con người.
Bảo vệ gấu không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn nuôi gấu lấy mật mà là cả một chặng đường dài, khó khăn và nhiều vất vả. Tuy nhiên, không vì thế mà ENV bỏ cuộc, mỗi ngày mỗi đêm đều tăng cường hoạt động bảo vệ cũng như tuyên truyền. Cụ thể, bà Dung cho biết: “Tính đến ngày hôm 2/4/2021 đã có 25342 người ký cam kết không sử dụng, tiêu thụ mật gấu và các sản phẩm khác từ gấu”.
Là một người yêu thích động vật và mong muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên, ông Tuấn Bendixsen (Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam) cũng có chia sẻ chân thành về công tác bảo vệ gấu: “Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất đó là khi cứu hộ được một con gấu và đưa về trung tâm, sau một thời gian phục hồi sức khỏe nó được trả về với khu hoang dã thì tôi cảm thấy đó là một ngày vui nhất.”
Chiến dịch bảo vệ gấu của ENV đã trải qua 15 năm với nhiều khó khăn, thăng trầm nhưng hành trình đó vẫn chưa hề dừng lại. Trong tương lai, tổ chức mong muốn được phát triển hơn nữa để đưa đến cho cộng đồng những thông điệp tích cực về bảo vệ gấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung. Để làm được điều đó cần bỏ ra nhiều tâm huyết, sức lực, tình đoàn kết và hơn hết là sự giúp đỡ của người dân trên cả nước.