Chạnh lòng Những em bé không có Tết Trung Thu
(Sóng Trẻ) - Giữa Phố Trung Thu rực rỡ, rộn ràng, giữa những bộ cánh bắt mắt và những nụ cười tươi rói. Em ngồi đó, đen đúa, lọt thỏm và nhập nhoạng giữa những đoàn “yến anh” vui đón Đêm hội Trăng Rằm.
Hình ảnh cậu bé gầy gò, chân trần, ngồi xõng xoài xin tiền giữa dòng người đang nô nức trẩy hội Trung Thu trên phố Hàng Mã khiến người qua lại không khỏi chạnh lòng. Có không ít người đã dừng lại cho em tiền, hỏi han vì thương cho hoàn cảnh của em nhưng cũng không ít người đã lơ em đi để hòa vào dòng người đông đúc.
Hà Nội đêm Trung Thu tràn ngập đèn lồng, đồ chơi cùng những chiếc bánh đủ màu sắc được bày bán khắp nơi. Những đứa trẻ được ba mẹ kiệu trên vai mua những món đồ chơi, những chiếc đèn lồng, đèn ông sao sặc sỡ, nhưng không phải ai cũng có một tuổi thơ thật đẹp. Có nhiều mảnh đời bất hạnh chưa một lần được nếm hương vị của chiếc bánh Trung Thu, chưa một lần được đi rước đèn cùng những bạn đồng trang lứa vẫn lầm lũi mưu sinh trong đêm náo nhiệt ấy.
Hình ảnh bé Toàn ngồi xin tiền trên phố Hàng Mã
Khi được mọi người quan tâm hỏi han hoàn cảnh của mình, Toàn lặng người đi, ánh nhìn vô định của em khiến ai nhìn thấy cũng cảm thấy xót xa vô cùng. Em có đôi mắt buồn “ Cha mẹ mất sớm, em trở thành trẻ mồ côi phải tự bươn trải kiếm sống qua ngày” - Toàn chia sẻ với chúng tôi bằng giọng nhỏ và trầm. Em sinh ra ở một mảnh đất miền Trung nghèo khó, gia đình giờ đã chẳng còn ai.
Mấy năm trước em lên Hà Nội, vì vẫn đang còn quá nhỏ nên em cũng không biết phải làm gì nên “ăn xin” với em có lẽ là một nghề kiếm sống
Nhiều bạn trẻ đã cho em tiền, hỏi han em
Nhưng có nhiều bạn trẻ váy áo sành điệu lại lơ em đi tiếp
Không bất hạnh như Toàn, nhưng cô bé Hạnh còn nhỏ quá để bươn trải với cuộc sống mưu sinh. Dòng người cứ hối hả, nhộn nhịp đón Trung Thu còn em vẫn cứ lầm lũi kiếm cơm bằng công việc rất thường ngày. Bê trên tay chiếc giá đựng kẹo cao su, em mời chào hết người này đến người khác. Có người đã mua cho em nhưng không ít người nhìn em với cái nhìn ghẻ lạnh.
Nhìn những bạn cùng trang lứa được bố mẹ đưa đi chơi Trung Thu, Hạnh có một chút ghen tỵ, tủi hổ cho chính bản thân mình. Em nói nghẹn : “Em thích rước đèn Trung Thu lắm nhưng từ bé đến giờ em chưa được đi lần nào. Có cơm ăn qua ngày là tốt rồi ạ”.
Trung Thu là ngày tết dành cho thiếu nhi, là dịp để các em nhỏ được đốt đèn, được vui chơi thỏa thích, được dịp nhõng nhẽo bố mẹ những món đồ chơi ưa thích, được nếm hương vị nn ngọt của những miếng bánh nướng, bánh dẻo.
Thế nhưng, không phải tất cả trẻ em đều được vô tư vui chơi và tận hưởng niềm vui đó. Đối với những đứa trẻ đang lang thang nài phố, mưu sinh bằng đủ thứ nghề, xin tiền để kiếm ăn từng bữa thì vui Tết Trung thu như bao bạn bè cùng trang lứa vẫn mãi chỉ là giấc mơ. Với các em, năm học mới hay Trung thu đang về là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ…
Đã hơn một lần các em ước mình có một Trung Thu như bao đứa trẻ khác nhưng ước mơ mãi vấn chỉ là mơ ước. Toàn chia sẻ: “ Mọi ngày em cũng chỉ biết đi xin tiền, đơn giản hơn, hôm nay em xin được nhiều hơn ngày thường một chút. Tết Trung thu em sẽ được ăn cơm thay vì gặm những ổ bánh mì như mọi bữa, hôm nay em sẽ không bị đói nữa…”
Tôi ra về sau khi hỏi thăm Toàn và cho em mấy chục lẻ có sẵn trong túi khi phố cổ vẫn tấp nập người đi chơi hội, bóng dáng em như bị nuốt chửng trong dòng người khổng lồ. Mong sao, những em bé như Toàn, như Hạnh sẽ được cưu mang, hướng dẫn học và làm nghề, để tuổi thơ ấy không còn phải nắng gió mưu sinh cùng cực, để một lần các em được hồn nhiên vui vẻ bên mâm cỗ Trăng rằm.
Ngô Thùy Nhung
Báo mạng điện tử K.31
Cùng chuyên mục
Bình luận