Chọn học báo chí: Những “trăn trở”
(Sóng trẻ) – Qua nhiều diễn đàn giao lưu trực tuyến trên trang tin Sóng trẻ, nhiều thắc mắc thú vị về chuyện nghề báo đã được giải đáp như: Liệu báo chí có phải là nghề nghiệp bất lợi với nữ giới? Tại sao nhiều người học trái ngành lại thành công? … Hãy cùng chúng tôi lắng nghe lại những chia sẻ quý báu này!
(Ảnh minh họa)
- Con gái làm báo rất vất vả, đúng không?
- Giảng viên, TS. Đinh Thị Thu Hằng – Khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đúng là làm báo rất vất vả nhưng càng là con gái càng rất nên làm báo bởi vì nghề báo làm cho con gái rất tự tin, năng động. Hình ảnh người phụ nữ thời xưa rất truyền thống, còn hiện nay, nghề báo sẽ giúp phát huy được các tố chất của người phụ nữ hiện đại. Hơn nữa, với đặc thù của nghề là sự khéo léo, nhẫn nại, tinh tế sẽ tạo nên sự đồng cảm trong giao tiếp một phần giúp các em thành công hơn.
Tôi thấy có rất nhiều nhà báo nữ đã gặt hái được nhiều thành quả và được mọi người yêu mến. Vì thế, các em hãy xem đó như cái đích trong quá trình chọn và rèn nghề.
- Nguyễn Thị Ngọc Thúy - cựu sinh viên lớp Truyền hình K.29 A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, công tác tại Đài truyền hình Việt Nam: Đừng bao giờ nghĩ rằng sự khác biệt về giới tính sẽ làm cản trở bạn sống đúng là mình và làm những việc mình thích. Mỗi người đều có một cá tính, một sự lựa chọn. Tính cách của bạn như thế nào, phù hợp với công việc gì thì hãy chọn công việc đó.
Mình thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền với một lí do rất đơn giản là được đi, được khám phá cuộc sống dưới một con mắt không giống người khác, trải nghiệm những điều không phải ai cũng có, và được ́p phần làm tốt hơn xã hội này trong khả năng của mình.
Nghề báo có thể bất lợi nếu là phái nữ nhưng phái nữ cũng có khả năng biến những bất lợi ấy thành thế mạnh trong nghề. Đó là sự tinh tế, nhạy cảm và một sự trung thành tuyệt đối.
- “Con gái làm báo là khó lấy chồng”, quan niệm này có đúng không?
- Nguyễn Thị Thu - cựu sinh viên lớp Phát thanh K28, hiện là Giảng viên tại khoa Phát thanh - Truyền hình: “Thật may mắn cho người đàn ông nào lấy được một nữ nhà báo hoặc công tác trong ngành báo chí.” Theo như tôi thấy, các nữ nhà báo thường là những người năng động, giỏi giang, hiểu biết rộng… đúng kiểu mẫu phụ nữ của thế kỷ XXI. Trên thực tế, rất nhiều nữ nhà báo và gần gũi nhất là các giáo viên trong khoa Phát thanh-Truyền hình nói riêng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung chính là những tấm gương “giỏi việc nước đảm việc nhà” đấy thôi!
- Rất nhiều người từ nghề khác rẽ sang làm báo rất thành công trong khi nhiều người tốt nghiệp báo chí nhưng lại không trụ lại được với nghề, tại sao lại như vậy?
- Giảng viên, TS. Đinh Thị Thu Hằng – Khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Để trở thành một nhà báo thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: Bản lĩnh chính trị, nền tảng tri thức và vốn sống, kiến thức nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Tôi muốn nói đến kiến thức nền tổng hợp và chuyên sâu của các bạn. Có nhiều người ban đầu không làm báo nhưng lại có nền tảng kiến thức tốt.
Ví dụ như một người học kinh tế có kiến thức rất tốt về thị trường, đầu tư... có thể viết báo kinh tế. Các bạn sinh viên báo chí được đào tạo bài bản trên giảng đường, nhưng nếu các bạn tự thỏa mãn với vốn tri thức của mình mà không tích cực rèn luyện thì sẽ khó cạnh tranh. Lời khuyên của tôi là các bạn hãy cố gắng nâng cao vốn tri thức nền tảng của mình mọi lúc, mọi nơi.
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền mang lại gì cho bạn?
- Nguyễn Thị Ngọc Thúy - cựu sinh viên lớp Truyền hình K.29 A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, công tác tại Đài truyền hình Việt Nam: Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một môi trường đào tạo nghiệp vụ rất tốt, không chỉ sâu về chuyên ngành mà còn tạo điều kiện để sinh viên được bổi dưỡng về lí thuyết chung và thực hành với công việc của mình. Là một môi trường để cho các bạn trẻ sáng tạo, hoạt động phong trào, hoàn thiện khả năng tổ chức, các kĩ năng rất cần có của một người làm báo, đó là sự năng động, khả năng chịu áp lực, thích nghi với môi trường khác nhau, và đặc biệt là ý thức trách nhiệm cao.
Bởi vậy, khi được đào tạo ở Học viện, mỗi sinh viên được hoàn thiện cả phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cũng như tác phong và các kĩ năng khác. Không chỉ mình mà có rất nhiều các bạn sinh viên khác đã thực sự trưởng thành sau khi tốt nghiệp tại Học viện.
Nguyễn Dung
Báo mạng điện tử K.31
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Cùng chuyên mục
Bình luận