Chương trình giao lưu trực tuyến cùng với "sứ giả" của biển - nhiếp ảnh gia Lekima Hùng

(Sóng trẻ) - Vào lúc 09h ngày 14/11, giao lưu trực tuyến “Sứ giả của biển - Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng” diễn ra tại hội trường B3.302, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Buổi giao lưu trực tuyến là cơ hội để kết nối và chia sẻ về hành trình săn ảnh rác, qua đó lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm biển đang ngày càng nghiêm trọng. Theo ước tính, lượng rác thải nhựa con người đổ xuống đại dương mỗi phút tương đương với mỗi chiếc xe tải rác. Nếu không hành động, con số này sẽ tăng thành 2 xe tải mỗi phút vào năm 2030 và 4 xe tải mỗi phút vào năm 2050. Khi đó sẽ có hơn 937 triệu tấn nhựa so với 895 triệu tấn cá trong đại dương. Nhận thấy những mối nguy hại khủng khiếp của “ô nhiễm trắng”, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã bắt đầu cuộc hành trình “săn ảnh rác”, trở thành một “sứ giả của biển”, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường. 

z4878744569027_d76411a825f952dccdf8ea643158208c.jpg
Đại diện Ban biên tập Sóng trẻ tặng hoa cho khách mời tham gia buổi giao lưu. (Ảnh: BTC)

Tên Lekima Hùng có phải là nghệ danh mà anh sử dụng kể từ khi bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay không? Ý nghĩa của cái tên này là gì? (Duy Long - độc giả đến từ Hà Nội)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Đó là một câu hỏi rất thú vị. Tên này tôi lấy từ khi tôi quản trị diễn đàn nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam cách đây khoảng 20 năm. Cái tên này cũng đặc biệt khi nó gắn liền với tuổi thơ của tôi, khi tôi còn nhỏ tại phòng học của tôi có cây trứng gà, cái hoa của nó đẹp nên tôi đã dùng làm vòng tay vòng đeo cổ. Khi hoạt động tại diễn đàn nhiếp ảnh Việt Nam, cần đến nickname nên tôi đã tìm một cái tên nào vừa ngắn, dễ đọc vừa liên quan đến những kỷ niệm ngày nhỏ nên tôi đã quyết định dùng tên gọi này. 

Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề nhiếp ảnh và gắn bó với nó đến bây giờ? (Mai Lan - độc giả đến từ Bắc Ninh)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Tôi cũng không dám chắc cơ duyên nào đã đưa tôi đến với nhiếp ảnh, cũng có thể nói rằng nó tổng hợp từ nhiều nguyên nhân. Ngày nhỏ, nhà hàng xóm của tôi làm hiệu ảnh nên mỗi khi muốn đi chơi thì tôi và bạn ấy đều cùng nhau làm nhiều thứ từ tráng rửa phim, tô màu để trả khách. Sau này khi quản trị diễn đàn nhiếp ảnh Việt Nam, tôi cũng tham gia chia sẻ giảng dạy nhiều kiến thức về nhiếp ảnh, nhận thấy nó hợp với mình nên tôi đã quyết định đi theo nghề nhiếp ảnh này.

Khi lựa chọn nhiếp ảnh là đam mê và quyết tâm theo đuổi nó, những người thân xung quanh anh phản ứng như thế nào về lựa chọn này? (Ngọc Hoa - độc giả đến từ Phú Thọ)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Thực ra rất nhiều người quen đều nghĩ nghề nhiếp ảnh không ổn định lông bông khắp nơi. Nhưng rất may những người thân quen của tôi đều hiểu tính tôi và tôn trọng mình thích làm gì thì làm bởi vì đấy là cuộc sống của mình. Mọi niềm vui hay nỗi buồn đều do mình quyết định, được gia đình ủng hộ nên tôi cũng yên tâm theo đuổi đam mê của mình.

Hành trình học và làm nghề nhiếp ảnh gia cho đến nay anh đã trải qua những khó khăn gì? Đặc biệt là trong khoảng thời gian anh vừa bước chân vào nghề nhiếp ảnh. (Hoàng Anh - độc giả đến từ Phú Thọ)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Mỗi người khi đi theo nghề nhiếp ảnh tại Việt Nam thì tôi nghĩ rằng cũng có nhiều khó khăn. Ở thời điểm bao cấp trước đây, khi mới vào nghề, để có thể tìm mua một chiếc máy ảnh là điều rất khó. Máy ảnh vừa là một thứ đồ đắt tiền, vừa rất hiếm trên thị trường. Nhưng hiện nay, khi nhiếp ảnh số phát triển thì việc sở hữu một chiếc máy ảnh đã trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó ở Việt Nam, việc vi phạm bản quyền hình ảnh diễn ra khá phổ biến. Nhiều người sử dụng tràn lan các bức ảnh do chính tôi chụp nhưng không xin phép hoặc ghi nguồn cụ thể. Để có thể chứng minh bản quyền những bức ảnh của mình thì cũng tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Và nếu bạn thật sự muốn theo đuổi nghề nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì cần phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng thương hiệu cá nhân. 

Công việc nhiếp ảnh đòi hỏi sự chịu khó, vì chụp ngoại cảnh sẽ gặp rất nhiều những bất lợi, chẳng hạn như yếu tố về thời tiết. Trong suốt những năm làm nghề, anh đã bao giờ gặp phải những khó khăn dẫn đến phải hủy cuộc hành trình của mình hay không? (Hoàng Tuấn - độc giả đến từ Cà Mau)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Nhiếp ảnh phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thời tiết, đặc biệt là các rủi ro có thể xảy ra khi thời tiết bất thường như mưa lớn, ngập lụt,... Nhưng để có thể chụp được những bức ảnh đắt giá, bản thân mình phải chấp nhận đối mặt và vượt qua những khó khăn đó. Điều quan trọng là mình phải biết cách bảo vệ an toàn, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh khi tham gia vào quá trình tác nghiệp.

Trong nhiếp ảnh, tôi rất thích những loại tư liệu về báo chí, có thể phản ánh chân thực những sự kiện đang diễn ra trong đời sống, dù có gặp khó khăn thì đối với tôi, đó lại là những cơ hội để tôi có thể chụp được những bức ảnh đẹp nhất. Ví dụ như vào năm 2018, khi Hà Nội phải đối mặt với trận đại hồng thủy "trăm năm có một", trong khi mọi người ở nhà thì tôi chấp nhận đi vào những vùng nước ngập, bẩn thỉu để cho ra đời bộ ảnh "Thuyền hoa ngày ngập nước", ghi lại cảnh một đám cưới diễn ra giữa tâm điểm của trận lụt.

Để có thể chụp được một bức ảnh đẹp, mang đầy đủ ý nghĩa thì cần phải quan tâm đến những yếu tố nào? (Anh Vũ - độc giả có số điện thoại 097264****)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Thực ra khi chụp một bức ảnh, tôi nghĩ rằng khoảnh khắc, ánh sáng, bố cục, màu sắc là những điều cơ bản chúng ta phải biết, cái quan trọng bậc nhất là hiểu kỹ những gì mà chúng ta đang chụp, khi đó chúng ta kể chuyện mọi người mới thấy hấp dẫn.

anh-mc-voi-khach-moi-da-sua.JPG
Khách mời trả lời các câu hỏi độc giả gửi về trong chương trình giao lưu trực tuyến.

Tại sao, vào những năm gần đây anh chọn những bức ảnh về môi trường làm chủ đề cho những bộ sưu tập và những chuyến đi của mình? (Mạnh Hùng - độc giả đến từ Nghệ An)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Sau rất nhiều thời gian cầm máy chụp ảnh và nghiên cứu về rác thải nhựa thì tôi thấy rằng đây là một chủ đề chưa ai làm, ít nhất ở Việt Nam, sau khi tìm hiểu, tôi thấy chủ đề này rất hay. Ngay từ nhỏ tôi đã rất ấn tượng với những bức ảnh làm thay đổi nhận thức của con người, mang lại cho con người những cuộc sống tốt đẹp hơn. Chẳng hạn như bức ảnh “kền kền chờ đợi” phản ánh thực trạng nghèo đói của nhiều em nhỏ ở châu Phi, nhờ vào sức lan tỏa của bức ảnh này mà rất nhiều trẻ em nơi đây đã được cứu đói. Chính những câu chuyện như vậy đã trở thành động lực để tôi chụp những bức ảnh với mong muốn thay đổi nhận thức con người. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, tôi biết được rằng Việt Nam là nước đứng thứ tư về việc xả rác thải nhựa ra đại dương, và nước ta cũng là một nước có đường bờ biển dài, chịu ảnh hưởng rất lớn từ ô nhiễm biển. Thông qua những chủ đề về môi trường, tôi mong muốn góp phần làm thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Anh hãy chia sẻ về chuyến đi tác nghiệp đáng nhớ nhất của mình? (Độc giả có tên Facebook Phạm Thùy Lương)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Tôi đã đi chụp ảnh ở rất nhiều địa phương, với nhiều chủ đề khác nhau. Với nhiều chủ đề, tôi đã xác định sẽ thực hiện xuyên suốt trong 5 năm, 10 năm hoặc dài hơn thế, không chỉ dừng lại ở một chuyến đi. Chẳng hạn với chủ đề về rác thải nhựa, tôi đã đi đến rất nhiều nơi, mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng, vui có, buồn cũng có. Một trong những kỉ niệm ấn tượng nhất là khi tôi dừng lại hỏi đường, mọi người biết tôi chụp ảnh về môi trường, họ biết đó là hành động ý nghĩa nên đã mời tôi về ở nhà họ hoặc họ giúp tôi trả tiền khi đi thuyền qua sông. Trên những cung đường mà tôi đi, dù không quen biết nhưng nhiều người sẵn sàng giúp đỡ tôi, đó chính là động lực rất lớn để tôi tiếp tục hành trình. 

Động lực lớn nhất thúc đẩy anh thực hiện chuyến hành trình gần 7000km để chụp ảnh rác là gì? (Hoàng Linh - độc giả đến từ Phú Thọ)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Khi chúng ta đã có quyết tâm thì sẽ phải theo đến cùng. Với tôi, khi đã lựa chọn hướng đi chụp ảnh rác thải, sẽ đi đến tận cùng của vấn đề. Trong quá trình thực hiện, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, đã từng bị tai tai nạn, bị dọa đánh, đôi khi cũng rất mệt mỏi vì ốm đau. Có những ngày đi từ 4, 5 giờ sáng đến tối muộn mới về đến nhà, bản thân tôi cũng từng cảm thấy chán nản vì tiếp xúc với môi trường có rất nhiều rác thải. Nhưng vì đã có quyết tâm từ trước nên tôi vẫn cố gắng, kiên trì và đi đến tận cùng. Động lực xuất phát từ chính bản thân mình là yếu tố quan trọng nhất để quyết định chuyến hành trình này có thành công hay không và ngay cả khi thất bại, chúng ta sẽ không còn gì phải nuối tiếc.

Từ khi quyết định thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt chụp ảnh rác đến khi bắt đầu cuộc hành trình này, anh đã mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị. Và anh đã chuẩn bị những hành trang gì cho chuyến đi dài ngày này? (Ngọc Mai - độc giả đến từ Hà Nội)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Chúng ta muốn chụp ảnh tốt thì phải hiểu kỹ nội dung mình muốn chụp, thời gian để chuẩn bị sẽ lâu hơn thời gian thực hiện. Tôi đã mất 1 năm để nghiên cứu về hành trình đó cũng như về rác thải nhựa. Đó là lần đầu tiên tôi biết được rằng chai nước nhựa có ký hiệu ở phía dưới là không thể tái sử dụng vì trong đó có chứa chất gây ung thư, nhưng mọi người thì không quan tâm đến điều đó, vẫn thường xuyên tái sử dụng, không chỉ một mà rất nhiều lần. Tôi cũng biết được rằng sông ngòi ở Việt Nam rất dày đặc, rác thải từ đất liền có thể ra đến biển rất dễ dàng và tất cả chúng ta cũng có thể là tác nhân khiến rác thải nhựa ngày một gia tăng. Có rất nhiều điều mới mẻ mà tôi đã tìm hiểu được qua quá trình nghiên cứu này. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ về chủ đề rác thải nhựa cũng như hành trình mình dự định sẽ đi đã được tôi lên kế hoạch trước 1 năm. Bên cạnh đó, mình cần phải chuẩn bị các yếu tố khác như thời gian, tiền bạc vì trong suốt hành trình đó, mình không thể đi làm như bình thường.

Trong suốt hành trình “săn ảnh rác” của mình, đi qua rất nhiều địa phương khác nhau, chứng kiến tình trạng ô nhiễm rác thải ở nhiều nơi, địa điểm nào khiến anh cảm thấy “ám ảnh” nhất (Thu Thủy - độc giả đến từ Hải Dương)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Thực ra thì có rất nhiều tình huống ám ảnh trong quá trình đi, mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng có nhiều trường hợp khiến tôi bất ngờ. Có một lần tôi cảm giác như nơi này không có trong sự thật, Ở một bãi biển miền Trung , khi vừa bước chân đến, tôi thấy rác thải trải dài hàng km. Rác thải ngập đến hết bàn chân, không nhìn thấy cát bên dưới, đi dọc bờ biển chỉ toàn là rác. Trước đây mình nghiên cứu mình đã xem video một bãi biển thế này chỉ có ở Ấn độ, mà lại có ở Việt nam, thực sự ngoài sức tưởng tượng của tôi. Ở một nơi khác, tôi thấy trẻ con bơi cùng với rác thải, những hình ảnh đó khiến tôi cảm thấy rất sốc. Đó là hai trong số những kỉ niệm "ám ảnh" đối với tôi trong suốt hành trình.

anh-khach-moi-da-sua.JPG
Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng chia sẻ những kỷ niệm và kinh nghiệm về hành trình "săn ảnh" của mình. (Ảnh: BTC)

Điểm đầu tiên và điểm kết thúc chuyến hành trình xuyên Việt săn ảnh rác của anh là ở đâu? (Thanh Tuyền - độc giả đến từ Hưng Yên)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Vì ở Hà Nội nên tôi đã chia hành trình thành 2 chặng, tôi muốn đi dọc bờ biển VN. Khi nghiên cứu các tài liệu, tôi nhận thấy 50km từ bờ biển trở vào trong là nơi chủ yếu xả rác thải nhựa ra đại dương, nhưng Việt Nam là một ngoại lệ vì nước ta có nhiều sông ngòi nên ở phía sâu bên trong còn có nhiều khu vực tồn đọng rác thải nhựa. Tôi quyết định đi từ vùng biển Việt Nam giáp với Campuchia đến vùng biển Việt Nam giáp vs Trung Quốc, nhưng vì ở Hà Nội nên để có thể di chuyển đến các địa điểm như đã dự định, tôi đã chia thành 2 chặng. Và địa điểm xuất phát là từ Ninh Bình, điểm kết thúc có 2 địa điểm: mũi Sa Vĩ (giáp vs Trung Quốc) và điểm giáp vs Campuchia ở Kiên Giang. Khi đi đến địa điểm kết thúc ở mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh), chuyến hành trình dài của tôi đã kết thúc, bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã thực hiện được những mong muốn mà mình đã nêu ra từ trước.

Trong suốt hành trình kéo dài gần 7000 km của mình, anh đã gặp phải những khó khăn gì? (Thu Hường - độc giả đến từ Nha Trang)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Trong suốt hành trình đó, tôi gặp không ít những khó khăn. Chuyến đi này với mục đích chính là chụp ảnh rác thải, đây cũng là một vấn đề nhạy cảm, nên có nhiều lần tôi đã bị dọa đánh, người dân ở nhiều nơi không cho phép mình chụp ảnh. Hay có những lần tôi gặp các vấn đề về sức khỏe vì phải di chuyển nhiều, đi từ sáng sớm đến tối muộn. Ở rất nhiều địa điểm, tôi gặp khó khăn trong việc di chuyển khi phải đi xe máy trên cát, có khi quãng đường đó kéo dài hàng chục km. Bản thân tôi đã có những lần nghĩ nên quay về, kết thúc chuyến hành trình này nhưng tôi đã cố gắng giữ vững tinh thần, quyết tâm để không phải dừng lại.

Là 1 sinh viên báo chí, em muốn được nghe anh chia sẻ cách để chụp được một bức ảnh với đầy đủ nội dung thông tin, để minh họa cho tác phẩm báo chí của mình? (Thu Thảo - Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Ảnh minh họa cần phải chất và thực tế. Điều quan trọng khi chụp ảnh là không bao giờ được sắp xếp đối tượng mà phải ghi nhận thực tế, như vậy mới có thể mang đến những bức ảnh chân thực nhất. Bản thân các bạn sẽ cần bỏ ra nhiều công sức hơn khi đi chụp ảnh ngoài trời, có thể sẽ phải đi đến những địa điểm nguy hiểm hoặc gặp phải những khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Chẳng hạn như khi đi chụp ảnh rác thải ở bờ biển, để chụp được những khoảnh khắc người dân ở gần đó vứt rác xuống biển, tôi phải cầm theo máy ảnh có kích thước nhỏ, đóng vai làm khách du lịch, cố gắng bắt kịp những khoảnh khắc quan trọng nhất.

Để có được những bức ảnh đẹp, chúng ta cần phải chụp đa dạng nhiều góc máy, từ toàn đến cận, từ tổng thể đến những chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ như tôi sẽ chụp cận cái rác thải đó, xem nó có xuất xứ từ đâu. Và trước khi chụp cần tìm hiểu trước thông tin về chủ đề, như vậy thì bức ảnh sẽ có "sức nặng", truyền tải được hết những câu chuyện đằng sau đến với cho độc giả.

Có cơ hội được đi đến nhiều địa phương khác nhau, qua cả những “điểm đen” về ô nhiễm rác thải, anh hãy đề xuất một số giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa ở những nơi mình đã từng đi qua.  (Kim Anh - độc giả đến từ Lai Châu)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Khi tôi đi dọc bờ biển Việt Nam thì tôi đã gặp rất nhiều con người và câu chuyện. Những người lớn có con đang học cấp 2, cấp 3 thì họ nói với tôi rằng: “Bọn trẻ con bây giờ ông bà bố mẹ chúng bây giờ cứ ra quen vứt rác bừa bãi rồi, tôi nói không được,...” Sau cả một hành trình tôi đã rút ra được một bài học, chỉ có giáo dục mới thay đổi nhận thức của con người. Chỉ có hành động mới có thể làm nên thay đổi suy nghĩa của bạn. Bạn phải hạn chế sử dụng túi ni lông, hạn chế sử dụng ống hút,... Mỗi một người chỉ cần những năng động nhỏ thôi nhưng lại có tác dụng vô cùng lớn.

Những kỷ niệm đẹp trong suốt chuyến hành trình của mình mà anh đã đi qua, anh hãy chia sẻ cho quý độc giả ở đây được biết? (Phương Nga - độc giả đến từ Cao Bằng)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Khi đi dọc đường bờ biển Việt Nam, bên cạnh những địa điểm có tình trạng ô nhiễm, thì cũng có rất nhiều địa điểm sạch, người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như ở Sóc Trăng, trong một xóm nhỏ, người dân cùng nhau đóng góp tiền để mua một chiếc xe lam, hàng ngày chở rác từ trong xóm đến khu vực tập kết rác thải. Chính quyền địa phương ở nhiều nơi chú trọng vào công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, điều này vừa giúp môi trường sống trở nên sạch, đẹp hơn, vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân ở chính địa phương đó. Đến những địa điểm như vậy, tôi cảm thấy rất vui vì mình không phải mang máy ảnh ra để chụp rác, thay vào đó là chụp những hành động tích cực, chung tay bảo vệ môi trường sống. 

Trở về từ những chuyến đi dài ngày “săn ảnh rác”, những bức ảnh mà anh chụp được sử dụng như thế nào vào công cuộc tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường? (Tuệ Anh - độc giả đến từ Hải Phòng)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng:Khi trở về từ chuyến đi dài ngày này, tôi có trưng bày một triển lãm ở Hà Nội về rác thải nhựa và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của công chúng. Buổi triển lãm được rất nhiều người quan tâm, tôi đặc biệt ấn tượng với một bạn nhỏ khi đến xem triển lãm này, bạn đã khóc vì thương những em nhỏ phải tắm bên cạnh rác. Nhiều bạn học sinh khi vừa bước ra khỏi triển lãm đã có ý thức nhặt rác bỏ vào đúng nơi quy định khi nhìn thấy một mảnh rác bên đường. Những hành động đó khiến tôi cảm động và ấn định, chính vì vậy tôi rất mong muốn triển lãm có thể đến với các em nhỏ, các bạn học sinh, người dân ở khắp nơi trên cả nước. Chính vì vậy, sau khi triển lãm ở Hà Nội kết thúc, tôi đã tiếp tục mang những bức ảnh đó đến triển lãm ở nhiều thành phố khác như Cần Thơ, Lào Cai,...

Sau triển lãm, tôi  đã cho rất nhiều chương trình, dự án về bảo vệ môi trường mượn bộ ảnh về rác thải của mình. Với mong muốn có thể giáo dục nhận thức ngay từ nhỏ, tôi rất mong muốn đưa triển lãm đến với các em nhỏ, các bạn học sinh, sinh viên trên khắp cả nước.

Anh đã cho trưng bày hàng trăm bức ảnh về rác thải, về ô nhiễm môi trường ở nhiều cuộc triển lãm khác nhau, những phản hồi của công chúng sau các buổi triển lãm đó là gì? (Tuệ Anh - độc giả đến từ Hải Phòng)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Sau khi chia sẻ bộ ảnh của mình, tôi rất vui vì nhận được nhiều tin nhắn tích cực của mọi người gửi về. Họ gửi cho một vài bức ảnh và nói rằng địa điểm nơi tôi đã từng chụp ảnh rác hiện nay đã được dọn dẹp sạch sẽ. Người dân và chính quyền địa phương đã cùng nhau chung tay dọn sạch rác thải, đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Cũng có nhiều người đã nhắn cho tôi rằng mỗi khi họ chuẩn bị đổ rác thì họ lại nhớ đến tôi, mọi người không gọi tôi là Lekima Hùng, thay vào đó họ gọi tôi là “Hùng rác”. Đó là những niềm vui mà tôi nhận được khi thực hiện bộ ảnh về rác thải.

Thông qua các buổi triển lãm ảnh về môi trường, anh muốn nhắn gửi đến với công chúng thông điệp gì? (Huyền Linh - Tuyên Quang)

Nhiếp ảnh gia Lekima: Tôi rất vui khi hành trình của mình được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Sau khi biết đến hành trình đó, mọi người cùng nhau huy động người dân chung tay cùng tôi dọn rác. Tôi hy vọng qua những bức ảnh của mình, các bạn sẽ ý thức được việc bảo vệ môi trường, biết cách phân loại rác thải. Và không chỉ bản thân các bạn mà hãy tuyên truyền đến cả những ng thân xung quanh mình. “Hãy cứu lấy biển” - vì một Việt Nam không rác thải đó chính là điều mà tôi tâm nguyện trong các buổi triển lãm. Hy vọng sẽ tác động đến giáo dục và thay đổi nhận thức mọi người nhiều hơn nữa.

Ngoài trưng bày triển lãm, anh còn tham gia những hoạt động nào khác về bảo vệ môi trường hay không? (Thanh Sơn - độc giả đến từ Đà Lạt)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Bên cạnh những buổi triển lãm tôi ra cuốn sách "Du ký xanh - hành trình cứu biển", cuốn sách về môi trường, kể về hành trình "săn ảnh rác" của tôi. Cuốn sách được tôi viết trong thời gian thực hiện chuyến hành trình đặc biệt này. Mỗi một ngày đi tôi lại viết, tôi muốn lưu lại rõ nét nhất những cảm xúc mà tôi đã trải qua trong ngày, khi phải chứng kiến những điểm ngập trong rác thải. Sau khi trở về, tôi đã dành gần một năm để chỉnh sửa và hoàn thiện sách. Thông qua cuốn sách này, tôi mong muốn mọi người sẽ nhận ra được mối nguy hại của ô nhiễm rác thải, từ đó chung tay bảo vệ môi trường.

Trong tương lai anh có dự định thực hiện những dự án khác có liên quan đến môi trường, cũng như rác thải hay không? (Trung Dũng - độc giả đến từ Gia Lai)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Các dự án về rác thải biển thì tôi vẫn đang có rất nhiều dự định. Dự định ở Việt Nam, dự định ở ngoài lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng những dự định này có lẽ  đến khi nào thực hiện thì tôi sẽ chia sẻ. Tất cả còn cần thời gian để chuẩn bị về kỹ thuật, về những gì kế hoạch còn cần chuẩn bị về thời gian và tiền bạc.

Được biết hiện nay anh đang là giảng viên của Học viện Nhiếp ảnh Ánh sáng, tại đây anh có thường xuyên tổ chức các hoạt động chụp ảnh nhằm mục đích tuyên truyền bảo vệ môi trường như cách anh đã thực hiện trong chuyến đi “săn ảnh” của mình hay không? Các hoạt động đó được tổ chức như thế nào? (Đức Huy - độc giả đến từ Hà Nội)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Đây là lớp học được mở ra để dạy cho mọi người những kỹ năng nhiếp ảnh, sử dụng từ máy ảnh chuyên dụng đến điện thoại di động. Trong quá trình giảng dạy, tôi có thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại, trải nghiệm thực tế để các học viên tham gia thực hành chụp ảnh, bên cạnh đó kết hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường như nhặt rác ở các địa điểm mà chúng tôi đặt chân đến. Những hoạt động bảo vệ môi trường diễn ra bình thường trong mỗi chuyến đi, thỉnh thoảng tôi muốn tổ chức cho trẻ nhỏ vào mùa hè tháng 6, tháng 7, cùng các em đi nhặt rác ở bờ biển Nam Định, có khi nhặt cả ngày cũng không hết rác. Chúng ta không trải nghiệm thì không thể biết được nhiều rác thế nào. 

Theo anh, vai trò của nhiếp ảnh đối với việc truyền thông, bảo vệ môi trường là gì? (Nhật Linh - độc giả đến từ Hà Nội)

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Một bức ảnh thay ngàn lời muốn nói. Chúng ta sẽ phải luôn luôn sẵn sàng để săn những khoảnh khắc bất chợt. Làm được điều đó chúng ta phải tìm hiểu kỹ thì chúng ta mới làm được thế. Tôi nghĩ rằng nếu mà bạn thật sự giỏi về văn phong, còn nếu không thì bạn biết mà bạn không có hình ảnh minh họa, không có những cái thứ để trực quan giúp người ta hình dung được thì cũng rất là khó.  Cho nên là với cá nhân tôi thì tôi đánh giá lúc đấy là đam mê để đạt được cái những bức ảnh như thế nó thôi thúc. 

anh-ca-nhom.JPG
Ban tổ chức chụp ảnh cùng khách mời buổi giao lưu.

Trang tin điện tử Sóng trẻ xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi và tương tác với buổi giao lưu trực tuyến cùng "Sứ giả của biển - Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng”. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin điện tử Sóng trẻ. Mọi phản hồi xin gửi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected].

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN