Chuyện tình yêu "tiền tuyến - hậu phương" thời hiện đại
(Sóng Trẻ) - "Yêu lính sẽ hạnh phúc hơn lúc gặp mặt, cái hạnh phúc vỡ òa khi kìm nén và cũng không thể thiếu những giọt nước mắt khi xa nhau, chờ đợi những kì nghỉ, chờ những cuộc điện thoại", đó chính là tình yêu người lính thời bình.
Thúy Mơ (sinh năm 1998), cô sinh viên năm nhất trường Học viện Ngân hàng và anh lính Lục quân trẻ tuổi Nguyễn Hoàng Dũng (sinh năm 1998) là đôi bạn thân từ nhỏ, họ quen nhau từ những ngày học cấp 1.
Cả hai cùng lớn lên ở mảnh đất Hải Dương, học chung trường, chung lớp 5. Lên cấp 2, Dũng theo học trường khác nhưng vẫn không quên quay trở lại tìm gặp người bạn gái, nhưng tiếc thay họ không gặp được nhau. Đôi bạn thân tưởng sẽ xa lạ thì đến năm cấp 3 họ có duyên gặp lại, thi cùng một trường, học chung một lớp.
Thúy Mơ và Hoàng Dũng khi còn ngồi trên ghế nhà trường
"Đôi bạn cùng tiến" và đúng như câu nói đó, tốt nghiệp cấp 3, Mơ chọn cho mình một trường đại học ở Hà Nội còn Dũng bước chân vào quân đội. Ngày biết tin người yêu chọn làm anh lính, Mơ buồn và suy nghĩ nhiều.
"Đầu tiên mình buồn lắm, định chia tay, vì mình nghĩ không thể yêu xa. Suốt ngày bên nhau, đi học lúc nào cũng nói chuyện nên sao chịu được khi phải xa nhau", Mơ kể.
Cô sinh viên trẻ coi tình yêu với anh lính không phải yêu xa bình thường mà là yêu xa đặc biệt. Chính thứ tình yêu đủ lớn đã giúp đôi bạn cảm thông, Mơ quyết định chọn những chuyến thăm chốc lát cuối tuần dài hàng chục cây số là cầu nối nuôi dưỡng tình yêu.
Thúy Mơ tự hào kể: "Trước thì nhớ nhưng giờ thì mình quen rồi và rất tự hào vì có người yêu là bộ đội. Cái cảm giác yêu bộ đội chắc chỉ hậu phương mới hiểu, vừa cô đơn lại vừa thú vị, dù thế nào thì mình vẫn ủng hộ và động viên cậu ấy học thật tốt".
Tình yêu thời bình là tình yêu của những chuyến thăm nuôi cuối tuần
Người ta thường nói, yêu một người bình thường đã khó, yêu một anh bộ đội còn khó hơn. Và đúng như vậy, với cô gái này tình yêu với anh bộ đội là một thứ tình yêu khó diễn tả bằng lời.
"Yêu lính sẽ hạnh phúc hơn khi gặp mặt, cái hạnh phúc vỡ òa khi kìm nén, và cũng không thể thiếu những giọt nước mắt khi xa nhau, chờ đợi những kì nghỉ, chờ những cuộc điện thoại.
Mình nhớ nhất là khi mình tặng món quà Noel kỷ niệm 4 năm yêu nhau, cậu ấy đã khóc, tự trách bản thân để mình thiệt thòi mà không tặng mình được gì, không thể cho mình đi chơi. Tuy mình không có quà nhưng về vẫn hạnh phúc vì món quà to nhất là sự cảm động của cậu ấy. Dũng đã hiểu và thương mình, kết quả ở lần gặp sau là một chú gấu bộ đội thật lớn. Có vẻ cậu ấy đã đầu tư quá, tháng đó sẽ nhịn đói thôi", Thúy Mơ cười.
Không phải những lá thư tay như bộ đội thời chiến, tình yêu "tiền tuyến - "hậu phương" thời bình là những lúc "tự giận tự khóc rồi tự nín", "càng nghĩ càng thương", "mất ngủ trước ngày lên thăm". Với cô sinh viên Ngân hàng, yêu một anh bộ đội không giống như tình yêu xa khác, yêu bộ đội là "yêu xa cao cấp".
Trong tình yêu thường quan niệm rằng, người con gái sẽ chịu nhiều thiệt thòi huống chi yêu người bằng tuổi. Với Mơ, "bí quyết" để giữ tình yêu luôn bền chặt là sự "trân trọng từ hai phía, một người nổi nóng thì người kia phải dung hòa".
Tuy bằng tuổi nhưng nhờ được đào tạo trong môi trường quân đội đã giúp cho anh lính trẻ Hoàng Dũng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, biết quan tâm và "người lớn" trong mắt bạn gái. Tình yêu người lính thời bình tuy không gian nan như thời chiến nhưng lại được xem là thứ tình yêu "thử thách bội phần".
Kim Ngân
Ảnh: NVCC
Nội dung box.
|
Nội dung box.
|
Cùng chuyên mục
Bình luận