Cuộc sống lay lắt của người dân xóm ngụ cư dưới chân cầu
(Sóng trẻ) - Trái ngược với nhịp sống tấp nập, phồn hoa của Hà Nội, xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên hiện ra với nhiều mảnh đời lay lắt, vô định.
Gần 30 hộ dân tại xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên (Phúc Xá, Ba Đình) từ lâu luôn phải sống trong điều kiện khó khăn. Tại đây, những ngôi nhà lụp xụp, rộng chưa đầy 15 mét vuông được dựng lên tạm bợ bằng tôn, xung quanh là “núi” rác thải chồng chất đặt kế bên con kênh bốc mùi nồng nặc. Người dân ở đây thường tự gọi là xóm “ổ chuột”.
Bám víu nơi chân cầu, cư dân nơi đây là người từ các tỉnh thành khác lên Hà Nội mưu sinh như Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An… Họ chủ yếu là lao động nghèo, người già neo đơn và người mất khả năng lao động… Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng người dân nơi đây đều có điểm chung là quá nghèo. Họ trôi dạt đến đây, sống cuộc đời tạm bợ mà lâu dần thành “xóm”.


Theo chia sẻ của người dân, trước đây, khi nhánh sông chưa ô nhiễm, khô cạn, họ sinh sống trên những chiếc nhà nổi đơn sơ. Vào những ngày mưa, nước sông lên cao, bà Phạm Thị Lĩnh (60 tuổi, cư dân tại xóm trọ) thường xuyên phải ngâm mình dưới nước kéo bè nổi để tránh dòng nước xiết.
“Năm 2017, chính quyền địa phương huy động chúng tôi di chuyển lên bờ để thuê trọ, họ cho mỗi hộ 2.000.000 đồng. Từ đó, tôi giải quyết được tiền nhà của 1 tháng. Tôi cố gắng làm việc, ai thuê gì tôi cũng nhận làm”, bà Lĩnh chia sẻ.
“Người thuê tôi bốc dứa 200 quả/1 gánh chỉ được 2.000 đồng. Tôi bốc xuống được mấy xe phải chi tiêu hà tiện mới đủ ăn”, bà tâm sự.

Cùng cảnh ngộ, vợ chồng bà Phạm Thanh (60 tuổi) - ông Vũ Học (61 tuổi) từng phải ngủ ở gầm cầu trước khi gặp và được bà Lĩnh dẫn về xóm. Tuổi cao, sức yếu nhưng không sống cùng con cái, 2 vợ chồng phải dựa dẫm vào nhau để mưu sinh. Tuy nhiên, ông Học mắc chứng teo cơ bẩm sinh nên hoàn toàn mất khả năng lao động: “Tôi chỉ có thể ngồi một chỗ, không thể đi, đứng, thậm chí không thể tự vệ sinh cá nhân. Mọi sinh hoạt của tôi trong ngày đều phụ thuộc vào vợ”.
Chính vì vậy, mọi hoạt động kinh tế trong gia đình đều do bà Phạm Thanh gồng gánh. Hàng ngày, bà Thanh dậy từ 4 giờ sáng đi hái rau tầm bóp ngoài bãi, đem ra chân cầu bán; đêm về tiếp tục đi nhặt ve chai, phế liệu. Theo bà Thanh, công việc trên không đủ cho 2 vợ chồng trang trải cuộc sống: “Có tháng tôi chỉ thu được vài trăm nghìn, không đủ tiền trọ. Không đóng nhiều tháng liên tiếp thì chúng tôi không được phép ở đây nữa, lúc đấy có lẽ phải quay lại cuộc sống gầm cầu”.

Bữa ăn hàng ngày của đôi vợ chồng già gồm một bát cơm trắng và một mớ rau tầm bóp hái ngoài bãi. “Hôm nào vợ tôi bán được ‘đắt’ hàng sẽ có thêm bìa đậu hoặc vài lạng thịt, đủ cho vợ chồng tôi ăn hai bữa. Hôm nào ít gạo quá, vợ tôi sẽ nấu bát cháo loãng ăn cho qua bữa”, ông Học ngậm ngùi chia sẻ.
Đời sống lay lắt ở xóm ngụ cư không chỉ có câu chuyện của bà Lĩnh, ông Học, bà Thanh, bà Nguyễn Thị Lành (75 tuổi) phải sống một mình nơi xóm trọ vì con gái và cháu mắc bệnh hiểm nghèo, đang chạy chữa tại bệnh viện. “Tôi đi nhặt rác kiếm sống cả ngày lẫn đêm. Dù thời tiết khắc nghiệt, tôi cũng phải đi vì miếng cơm manh áo”, bà tâm sự.

Dưới chân cầu Long Biên, cuộc sống của người dân xóm ngụ cư vẫn còn nhiều bấp bênh, thiếu thốn. Tuy nhiên, họ vẫn kiên trì bám trụ để mưu sinh, đối mặt với những khó khăn hàng ngày. Trước thực trạng này, chính quyền phường Phúc Xá cùng các tổ chức thiện nguyện cần có những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường sống, tạo cơ hội việc làm, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.