Đặc sắc những hình ảnh lốp xe làm hộ lan xóa điểm đen tử thần
(Sóng trẻ) – Cùng với nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông và thương tích trên các cung đường nguy hiểm chứa điểm đen, nhiều nơi trên đất nước ta đã tiến hành sử dụng lốp xe làm hộ lan đem lại hiệu quả.
Mới đây, gần 200 lốp xe chất liệu cao su được xếp thành các hình trụ gia cố liên kết với nhau thành dải hộ lan mềm bắt mắt, gây ngạc nhiên với nhiều người đi đường ở trên Quốc lộ 1, đoạn qua Bình Thuận. Cứ 4 lốp ôtô cỡ lớn chồng lên nhau thành một trụ đồng nhất, sau đó các trụ lốp được liên kết lại với nhau. Bên trong lốp xe được đổ đầy cát trước khi bịt đầu bằng tấm cao su.
Cụ thể, cấu tạo các trụ lốp ô tô đồng nhất với nhau có đường kính từ 650 – 1100 mm liên kết với nhau bằng vít gắn chặt các lõi kẽm đặt giữa trụ lốp và hai thanh thép giằng ngang trên đỉnh. Tác dụng của bức tường bằng lốp xe ô tô này là làm giảm chấn. Ngoài ra cũng làm giảm thiểu bị trượt trong các trường hợp các phương tiện xe ô tô bị mất lái va chạm vào tường hộ lan lốp xe.
Đoạn đường được lắp hộ lan bằng lốp xe này đã xảy ra hàng chục vụ lật xe do đường cong nguy hiểm, trở thành điểm đen mất an toàn giao thông. Hạng mục này nằm trong công trình xử lý nhiều điểm mất an toàn giao thông trên quốc lộ 1A đoạn đầu huyện Tuy Phong (Bình Thuận) gồm cả việc lắp đặt bổ sung các biển báo, tiêu phản quang, sơn khôi phục vạch đường ở các vị trí bị mờ. Theo đánh giá, so với hộ lan chống lật bằng bánh xoay nhựa thì phương pháp này rẻ hơn nhờ tận dụng lốp xe đã qua sử dụng.
Trước đó biện pháp này đã được áp dụng tại đoạn đèo Lò Xo, nằm trên trục quốc lộ 14, là ranh giới giữa 2 tỉnh Kon Tum - Quảng Nam. Với chiều dài khoảng 27 km, đoạn đèo có rất nhiều khúc cua tay áo như sóng lò xo, từ lâu nay là "ác mộng" đối với cánh tài xế và hành khách. Từ khi lắp hệ thống này tại đèo Lò Xo tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt. Đặc biệt tính đến tháng 4 năm nay có 6 ô tô tông vào hộ lan này và cả 6 xe đều nguyên vẹn, không bị lao xuống vực.
Lốp ô tô cũ này có tác dụng như hộ lan xoay mà các nước ngoài hay được sử dụng để đảm bảo ATGT. Về nguyên lý hoạt động của hộ lan con lăn khi có va chạm, hệ thống rào chắn hấp thụ lực tác động trực tiếp thông qua cơ cấu giảm chấn và truyền lực phân bố đều lên toàn bộ hệ thống kết cấu gồm thanh rào, bánh xoay, trụ. Cơ cấu bánh xoay làm cho lực va chạm trực diện được chuyển đổi thành moment trượt, qua đó chuyển hướng va chạm, đưa phương tiện trở lại quỹ đạo lưu thông, hạn chế các va chạm liên hoàn với các xe khác, ngăn chặn hoàn toàn xe vượt rào chắn khi xảy ra va chạm, tai nạn.
Dù giải pháp rào chắn bánh xoay vẫn mang tính thử nghiệm nhiều, nhưng vẫn là một trong những giải pháp tốt nhất thời điểm hiện tại để giảm tính thảm khốc của một vụ tai nạn giao thông.