Đam mê “nở hoa” từ “mảnh đất” định kiế
(Sóng Trẻ) - Sau bốn năm theo đuổi, Trần Ngọc Quý từ một chàng sinh viên khoa Kiến trúc, trường đại học Bách khoa Đà Nẵng tìm đến xăm nghệ thuật chỉ để được thỏa sức sáng tạo, thỏa mãn bản thân đến nay định hướng theo xăm như một nghề “tay phải”.
Cái nghề là cái nghiệp
Bốn năm trước, khi đang tìm lớp học vẽ với chủ đích là ôn luyện để thi vào ngành kiến trúc của một trường đại học, Ngọc Quý vô tình bắt gặp những tấm hình xăm nghệ thuật đẹp mắt. “Vì rất tò mò, mình về nhà tìm hiểu thêm trên Internet, cũng như các nhóm trên mạng xã hội rồi dần bị lôi cuốn lúc nào không hay”- Quý tâm sự.
Thời gian đầu vô cùng khó khăn, Quý lén lút tập luyện mà chưa dám nói với gia đình. Mọi kinh phí để sắm sửa dụng cụ làm việc, chàng trai dành dụm một phần từ những công việc làm thêm khác, một phần từ tiền tiêu vặt gia đình cung cấp hàng tháng.
Chàng sinh viên trẻ có “nghiệp” với nghề xăm
Vẫn là một sinh viên nên quỹ thời gian mới là vấn đề lớn hơn cả, tưởng chừng như khi ấy không thể nào trung hòa được việc học xăm và đến trường. Quý kể lại: “Ban đầu mọi thứ rối tung lên, lịch học và lịch làm việc chồng chéo lên nhau. Mình xoay như chong chóng nhưng kết quả lại không được như mong muốn”.
Khi ấy, suy nghĩ phải chọn một trong hai hướng đi đã từng xuất hiện nhiều lần. Thế nhưng thay vì chùn bước trước khó khăn, bạn trẻ người Đà Nẵng đã cố gắng chủ động sắp xếp thời gian, cố định học xăm những ngày không có tiết đến trường.
Dần dần, Quý nhận thấy xăm không chỉ dừng lại ở sở thích ban đầu: “Nghiệp cầm mũi kim đi trên da tạo nên những đường nét hoàn hảo, cho ra một tác phẩm ưng ý vừa giúp cho bản thân được thỏa sức sáng tạo vừa góp phần tư duy tốt hơn những mảng khối”. Tìm thấy điểm chung của xăm với chuyên ngành Kiến trúc ở trường đại học hiện tại thì tư tưởng Quý hoàn toàn thoải mái và cố gắng với những kế hoạch đã vạch ra.
“Đi lên từ định kiến”
Sau vài ngày làm quen với máy xăm, vị khách hàng đầu tiên đến với Quý là một người bạn. Vì là hình xăm đầu tiên, mặc dù đã rất tỉ mỉ nhưng vẫn còn xảy ra lỗi, cậu phải sửa nhiều lần. “Và đương nhiên, lần đó mình không thu được một xu nào”- Ngọc Quý cười.
Qua một thời gian học việc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, khách hàng đến với anh chàng xăm 9x nhiều hơn. Mỗi sản phẩm hoàn thành khi ấy, Quý thu được vài trăm nghìn đồng: “Mình chỉ dám lấy chi phí của dụng cụ chứ chưa dám tính thêm công làm”. Những đồng đầu tiên kiếm được đó đã trở thành minh chứng cho sự cố gắng và giúp Quý có thêm động lực phấn đấu nhiều hơn.
Tuy nhiên, hình xăm trong quá khứ đã bị khắc lên với những điều tiêu cực, tệ nan…Mọi người nhìn nghề xăm với những ánh nhìn ác cảm. Đây cũng là lí do ban đầu khi gia đình phát hiện Quý đang học nghề đã ra sức can ngăn, cấm cản.
Chàng sinh viên Bách khoa Đà Nẵng đam mê kim xăm và những tấm hình ý nghĩa quyết không chùn bước, nỗ lực thuyết phục gia đình. Sau một thời gian dài kiên trì, Quý thay đổi được ánh nhìn của mọi người, khi mọi người thấy cậu cũng phải lao động, nhận được những lời khen từ khách hàng, kiếm được những thu nhập chính đáng từ công việc theo đuổi, gia đình và bạn bè dần ủng hộ. “Có điều bố mẹ vẫn không hài lòng vì việc mình tự xăm lên mình”- Ngọc Quý hài hước.
Không ngừng nỗ lực, cải thiện bản thân
Sau bốn năm kiên trì theo đuổi, tính đến giờ chàng thợ xăm trẻ đã thu được những thành công đầu tiên. Thu nhập bình quân một tháng của cậu từ nghề xăm là năm đến mười triệu đồng đủ để đỡ đần bố mẹ về chi phí học tập và mua dụng cụ làm nghề.
Sống trong một môi trường năng động, đã có được sự ủng hộ từ mọi người, ấy vậy mà khi được hỏi về tương lai sẽ đi theo xăm nghệ thuật chuyên nghiệp hay không, chàng trai 21 tuổi vẫn từ tốn, dè dặt: “Công việc mà lại chính là sở thích thì ai chẳng muốn làm, sau này còn nhiều điều chưa dám nói trước. Chỉ có một điều chắc chắn là mình đam mê xăm, đang làm xăm, và vẫn sẽ cố gắng hơn vì nó”.
Ngày càng được nhiều người ủng hộ
Kỳ Duyên
ĐPT K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận