"Đâu phải mùa Vu Lan mới cần báo hiếu…"
(Sóng Trẻ) - Ngày lễ vu lan không phải chỉ để ta báo hiếu cha mẹ vào hôm đó, dịp đó mà là sự nhắc nhở chúng ta còn “món nợ” ân tình cần phải trả, nhắc ta 365 ngày tiếp theo sau phải làm gì để báo hiếu mẹ cha. Bông hồng bạn cài áo ngày hôm nay dù có màu gì thì cũng hãy biết sống cho tròn đạo làm con và đúng như người bạn tôi có nói: “ Đâu phải mùa vu lan mới cần báo hiếu…”
Những ngày rằm tháng 7, lên mạng tôi bắt gặp hàng loạt những tít bài về bông hồng cài áo mùa vu lan, về những câu chuyện và bài học báo hiếu mẹ cha. Dường như cả một năm dài, chỉ đến những ngày này câu chuyện báo hiếu người sinh thành dưỡng dục mình mới lại được nói đến, còn 364 ngày còn lại là những câu chuyện hoàn toàn khác mà hiếm thấy có dòng nào về mẹ cha…
Sớm nay, tôi bất chợt đọc được một dòng status của người bạn trên facebook, những dòng rất dài nhưng kết thúc bằng một câu: “Đâu phải mùa vu lan mới cần báo hiếu…”. Thì ra con người đang chạy theo guồng quay chung, giống như rô-bôt được lập trình sẵn, đến ngày giờ này thì nhớ đến sự kiện này và hành động theo một trào lưu. Bạn tôi đã nói đúng, dẫu biết rằng rằm tháng 7 là ngày lễ vu lan, là mùa báo hiếu, là nét đẹp văn hóa tâm linh.
Những ngày qua, khắp các trang mạng là hình ảnh người cha sống ống cống nuôi con thành tài Nguyễn Hữu Định cùng với rất nhiều những người cha, người mẹ khác đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh vất vả để ước mơ đến giảng đường của con không dang dở. Ai chẳng trào nước mắt trước những hình ảnh và câu chuyện như thế và với những người con, họ không phải đợi đến ngày lễ vu lan mới báo hiếu cho cha mẹ. Mỗi ngày đến trường đi học là mỗi ngày họ tâm niệm phải cố gắng để đền đáp công ơn của mẹ cha. Tôi tin những đứa con ấy đều học với cùng chung một lí do: cố gắng để sau này gia đình thoát nghèo, bố mẹ không còn vất vả.
Rồi cậu học trò trường chuyên Hà Tĩnh với tấm huy chương vàng Olympic Toán quốc tế Võ Anh Đức cũng khiến tôi phải nhớ đến mãi. Tôi không chỉ khâm phục em bởi tinh thần học tập, bởi khả năng và trí tuệ của em. Cuộc nói chuyện của tôi và chàng trai vàng toán học ấy có thể sẽ bị lãng quên rất nhanh sau khi bài viết xong và được đăng, nhưng chắc chắc tôi sẽ không bao giờ quên câu em nói: “Nếu tấm huy chương này chỉ được dành tặng một người, em sẽ tặng cho mẹ”. Có cái gì đó ngại ngùng trong câu nói của một chàng trai 18 tuổi nhưng tôi tin đó là lời nói thật lòng của một đứa con gửi đến mẹ của mình. Võ Anh Đức cũng đâu có đợi đến mùa lễ vu lan mới báo hiếu mẹ cha và với mẹ của em, hẳn chẳng có món quà nào tuyệt vời hơn thế.
Câu chuyện về những bông hồng cài áo mùa lễ vu lan luôn khiến mỗi người phải suy nghĩ về bổn phận làm con của mình. Những người may mắn được cài trên áo bông hồng đỏ thì biết được mình vẫn còn mẹ cha, biết được trách nhiệm làm con của mình. Còn những ai phải cài lên ngực áo bông hồng trắng thì tiếc thương khi giờ đây không còn được chở che trong vòng tay mẹ, không còn được dựa vào bờ vai vững chắc của cha. Rất nhiều giọt nước mắt của người trẻ đã rơi trong những buổi học, buổi nghe giảng hay khi đến chùa vào ngày rằm tháng 7. Nhưng đó là cảm xúc lâu ngày bị dồn nén nay trỗi dậy hay là chỉ đến ngày này người ta mới có dịp lắng mình lại để ngẫm và nhớ đến những người đã mang nặng đẻ đau, sinh mình ra và nuôi mình khôn lớn?
Mỗi ngày nài xã hội vẫn có những thanh niên lợi dụng lòng tin của cha mẹ để ném mình vào những cuộc chơi vô bổ thâu đêm suốt sáng. Những lúc ấy liệu họ có nghĩ đến báo hiếu cha mẹ, có nghĩ đến nỗi đau và cả sự xấu hổ của người đã sinh ra mình lúc nhìn con bị công an giải đi. Những cái chết thương tâm vì bán mình cho ma túy và những cuộc đua xe…đó là nỗi đau không bao giờ có thể lành lại mà những đứa con gây ra cho mẹ cha của mình.
Những hành vi nhẹ hơn mà ngày nào và ở đâu cũng có đó là cãi lời cha mẹ, là sự chống đối và muốn vượt qua giới hạn để được chứng tỏ mình là “người lớn”. Khi như thế bạn chỉ thỏa mãn được sự ích kỉ của bản thân mà không biết được vô tình bạn để lại sự rạn rứt trong tình cảm cha con, để lại nỗi buồn và cả sự lo lắng thấp thỏm trong mẹ.
Mỗi ngày quanh ta có rất nhiều câu chuyện được kể lại nhưng mấy ai kể chuyện về mẹ cha mình. Câu chuyện thường trực mà tôi đọc được trên facebook là về bạn bè, người yêu, vợ chồng, con cái, công việc, xã hội…Có vẻ như những ngày không phải là lễ vu lan, cha mẹ đã vô tình bị con cái “cất” vào góc quá sâu để đến mức không còn nhận ra sự hiện diện của họ trong cuộc sống thường nhật. Những guồng quay hối hả của cuộc sống cuốn con người ta đi nhanh quá, mà một năm 365 ngày lại chỉ có duy nhất một ngày rắm tháng 7 để con người được tĩnh tâm suy nghĩ và báo hiếu mẹ cha.
Ngày lễ vu lan không phải chỉ để ta báo hiếu cha mẹ vào hôm đó, dịp đó mà là sự nhắc nhở chúng ta còn “món nợ” ân tình cần phải trả, nhắc ta 365 ngày tiếp theo sau phải làm gì để báo hiếu mẹ cha. Bông hồng bạn cài áo ngày hôm nay dù có màu gì thì cũng hãy biết sống cho tròn đạo làm con và đúng như người bạn tôi có nói: “ Đâu phải mùa vu lan mới cần báo hiếu…”
Nguyễn Thị Minh Phương
Lớp Truyền hình K31A2
Cùng chuyên mục
Bình luận