Dạy con tự lập, tự chủ với phương pháp giáo dục sớm Montessori
(Sóng trẻ) – Montessori là một trong những phương pháp giáo dục sớm được áp dụng phổ biến nhất hiện nay không chỉ nhờ hiệu quả mà phương pháp này đem lại mà còn nhờ sự thân quen, dễ áp dụng.
Phương pháp Montessori ưu tiên sự phát triển tự nhiên của trẻ, để trẻ được tự tìm tòi và học hỏi thế giới xung quanh của mình nên giảm đi phần nào gánh nặng soạn giáo án hay đưa ra những bài tập quá phức tạp cho trẻ.
Nguồn gốc và quan điểm giáo dục
Phương pháp giáo dục sớm Montessori cho trẻ mầm non được đặt tên theo tên của nhà giáo dục học người Ý– Tiến sĩ Maria Montessori (31/8/1870 – 6/5/1952). Bà là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: Triết học, nhân văn học, giáo dục học, đặc biệt còn được biết đến với vai trò là nữ bác sĩ đầu tiên tại Ý. Bà là người trực tiếp xây dựng và phát triển phương pháp Montessori này, là người có ảnh hướng lớn nhất trong ngành giáo dục trẻ mầm non.
Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ mầm non này lấy khả năng tự học của trẻ làm nền tảng cơ sở, khai thác tiềm năng sẵn có của trẻ, không áp đặt trẻ bất kỳ hành động gì, chỉ quan sát và gợi ý cho trẻ tự phát triển.
Bé luôn được tự trải nghiệm trong các bài học
Khác biệt hoàn toàn với phương pháp dạy trẻ truyền thống, các bậc phụ huynh thường áp đặt, định hướng quá nhiều khiến trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có. Do vậy, chúng ta cần tạo một môi trường thực tế phù hợp để trẻ tự trải nghiệm và khám phá những điều thú vị vốn có của bản thân, từ đó phát huy tối đa khả năng tự học của mình.
Con tự hiểu, tự làm, tự rút bài học
Cho con theo học trường mầm non có áp dụng phương pháp Montessori gần 6 tháng nay, chị Nguyễn Thu Hà (Quan Nhân- Hà Nội) vui mừng khi nhận ra được sự thay đổi tích cực của bé. Là con đầu lòng nên bé Quỳnh An 5 tuổi được bảo bọc như công chúa, mọi mong muốn của bé đều được đáp ứng. Chính vì thế bé hình thành tâm lý ỉ lại, dựa dẫm vào bố mẹ, ông bà. “Có những việc rất đơn giản như tự lấy nước uống hay lấy đồ chơi con cũng nhờ bố mẹ làm hộ dù con có thể tự làm những việc ấy. Khi mình yêu cầu bé tự làm thì bé nhõng nhẽo, khóc lóc và nhất định không chịu thực hiện.” – chị Hà chia sẻ. “Tuy nhiên khi chuyển sang môi trường học mới, mình thấy con dần có những biểu hiện tích cực hơn. Con đã dần dần thoát ly khỏi người lớn, tự làm những việc mình có khả năng. Giờ bé đã có thể tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân hay giúp đỡ bố mẹ những việc nhỏ trong nhà”.
Theo chị Hà chia sẻ, sự thay đổi của con còn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của bố mẹ khi ở nhà. Nếu bố mẹ nhận ra được vấn đề con cần tự lập và để con tự làm những việc con có khả năng thì bé sẽ hình thành tư duy đó là việc bé có thể làm và cần tự làm.
Các bài học thực hành cuộc sống giúp con có những kĩ năng cơ bản để tự phục vụ mình
Một điều đặc biệt của phương pháp này là bé sẽ được thực hành thường xuyên với các bộ giáo cụ. Những bộ giáo cụ này được chia thành nhiều lĩnh vực, nhiều bài học cụ thể như toán học, địa lý, giáo dục đời sống, …Đặc biệt các bài học giáo dục đời sống rất thiết thực với bé, hướng dẫn bé cách tự mặc quần áo, gấp chăn sau khi ngủ dậy hay biết cách vệ sinh cá nhân mà không cần nhờ tới bố mẹ.
Chính phương pháp để trẻ tự trải nghiệm ấy giúp trẻ hình thành được năng lực tự chủ và có xu hướng trải nghiệm nhiều hơn.
Để con được là chính mình
Thay vì áp dụng một bài học cho tất cả các bé, phương pháp Montessori tập chung vào những năng lực riêng mà bé có. Cô Lê Hoàng Oanh – giáo viên Montessori tại trường mầm non song ngữ Anh – Việt cho biết: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều khác biệt, chúng có những biệt tài riêng của mình. Bố mẹ nên dựa vào đó để định hướng và phát triển cho con thay vì bắt con phải học tập và phát triển theo ý mình. Một đứa trẻ có tài năng hội họa sẽ không thể trở thành nhà toán học vĩ đại như bố mẹ chúng muốn.
Tại lớp học Montessori, phát triển tự nhiên là điều mà các thầy cô luôn hướng tới. Sẽ không có một khuôn đúc nào dành cho con, ngược lại con sẽ tự quyết định mình sẽ như thế nào, được làm những điều con mong muốn.
Với Montessori con được phát triển tự nhiên, được làm điều mình thích
Từng ép con theo học 3 môn năng khiếu một lúc khi bé chỉ mới 4 tuổi, chị Dương Hạnh (Cầu Giấy- Hà Nội) luôn mong muốn con mình trở thành một cậu bé có nhiều biệt tài, để bố mẹ “nở mày nở mặt” với bạn bè. Thế nhưng sự ép buộc ấy tạo nên một áp lực cho bé khi bé không đàn nổi một đoạn nhạc hay vẽ con gà mà ra con vịt. Thái độ thất vọng và sự quát nạt của bố mẹ khiến bé trở nên thu mình hơn, không nói chuyện nhiều với bố mẹ và mọi người xung quanh nữa. Chị Hạnh kể lại khoảng thời gian con cả ngày không chịu nói chuyện với ai: “Từ một đứa trẻ hoạt bát hay nói hay cười. Con mình bỗng trầm hẳn vì bị bố quát nạt do không chịu đi học đàn. Ban đầu chỉ nghĩ bé dỗi làm núng, nhưng một tuần liên thấy con khác lạ. Hai vợ chồng rất sợ và đưa bé gặp bác sĩ. May là con chỉ bị tổn thương nhẹ về tinh thần. Đến khi ấy mình mới nhận ra, con đang sống theo mong muốn của bố mẹ chứ không phải là chính mình”. Theo học Montessori tại trường, chị Hạnh thấy rằng con đặc biệt có niềm yêu thích với cây cỏ, bé thích trồng cây, vun xới. Những lúc con được làm những điều mình thích, chị Hạnh mới nhận ra niềm vui của con là những gì con tự lựa chọn
Học Montessori đôi khi người thay đổi không chỉ là các con mà còn là quan điểm và cách giáo dục của nhiều bậc phụ huynh. Để dạy con tự lập và phát triển tự nhiên không khó, nhưng quá trình ấy đòi hỏi ở bố mẹ sự kiên trì và thấu hiểu đối với con.
Khánh Huyền - DPT35
Cùng chuyên mục
Bình luận