Dịch vụ đổi tiền lẻ cận Tết Nguyên đán 2022: “Cũ tròn mới méo"
(Sóng trẻ) - Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nhâm Dần 2022, người dân bắt đầu đổi tiền lẻ, tiền mới để phục vụ cho việc lì xì, đi lễ chùa đầu năm. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều điểm kinh doanh đổi tiền mới trực tiếp và online đã kiếm lời một cách tinh vi, bất chấp pháp luật.
Nhanh chóng, kín kẽ
Men theo con phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi từng là tụ điểm đổi tiền lẻ những năm trước, nhưng với năm nay không dễ để tìm thấy một người đổi tiền mới trực tiếp. Phải đến khi hỏi những người trông giữ xe tại đây mới được giới thiệu tới người chuyên đổi tiền lẻ.
Chị Y - chủ của những bọc tiền mới cứng, được cất giấu kỹ lưỡng trong cốp xe. Sau khi biết rõ nhu cầu của khách hàng, chị mới mở cốp cho khách kiểm tra tiền và bắt đầu thực hiện quá trình trao đổi. Chị cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiền mới khan hiếm nhưng nhu cầu thị trường cao nên khách hàng của chị phải đặt trước.
Giá đổi tiền chui ở mỗi nơi khác nhau, phụ thuộc vào mệnh giá tờ tiền, độ mới, mã sơ ri… Tuy tự nhận mình là nơi đổi tiền “ưu đãi “ nhất, nhưng mức phí chị đưa ra vẫn “cắt cổ” với 10% trên tổng giá trị tiền đổi. Dù đắt đỏ nhưng đây vẫn là mặt hàng “đắt như tôm tươi" trên thị trường chợ đen.
Muôn vàn cách lách luật
Ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 35/CT-TTG về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Để lách luật, tránh bị phát hiện khi giao dịch, nhiều người đã chuyển qua kinh doanh dịch đổi tiền online trên các trang mạng xã hội.
Liên hệ với một shop đổi tiền lẻ có tiếng trong Hà Nội, chị N. cho rằng, mọi loại tiền đều có sẵn, phí giao dịch tuỳ vào loại tiền đổi, trong đó tiền lẻ 1.000 - 2.000 đồng là 20%, 5.000 đồng phí 12%, 10.000 - 50.000 là 5%, những mặt hàng tiền lớn hơn như 100.000 đồng, 200.000 đồng hay 500.000 đồng sẽ có giá dịch vụ nhỏ hơn, giao động từ 2- 4%. Người này cũng nhận giao hàng khắp thành phố
Hà Nội.
Nhận thấy, giá giao dịch trên mạng rẻ hơn so với đổi trực tiếp song lại đi kèm nhiều rủi ro. Chia sẻ với P.V chị T.L (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Năm ngoái, tôi từng đổi tiền online qua mạng, sau khi chuyển khoản 100.000 đồng tương đương với 2% giá trị tiền đổi để đặt cọc, tôi đã được giao hàng đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi soi đèn laze kiểm tra đơn hàng nhận được thì phát hiện ra 4 tờ 50.000 đồng là giả. Tôi có liên lạc lại với bên phía bán hàng nhưng họ không thừa nhận cũng không đồng ý đổi trả”.
Theo điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định: a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. …”
Như vậy, việc đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để có phí,... là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng đối với cá nhân; đến 80 triệu đồng đối với tổ chức.
|
Bớt cầu, giảm cung
Để tránh tình trạng mất phí khi đổi tiền, nhiều người đã lựa chọn phương án gửi tiền mừng online qua ngân hàng hoặc các ví điện tử với những lợi ích đặc biệt: quá trình nhanh chóng, thao tác đơn giản, chỉ cần có thiết bị thông minh và mất vài giây là có thể gửi đến tài khoản người nhận. Ngoài ra, còn giảm thiểu lượng rác thải từ vỏ bao lì xì ra môi trường.