Đọc – Đi –Nghĩ –Viết


(Sóng trẻ) - Có quan niệm cho rằng, bất cứ những ai cầm bút viết văn, làm báo đều mang trong mình một sứ mệnh nào đó. Sứ mệnh ấy đôi khi là những trăn trở đối với làng xóm, quê hương… Với tôi, mỗi lẫn đọc, đi, rồi nghĩ rồi viết đều lưu lại trong mình những khoảnh khắc,  những bài học đáng nhớ.

Đọc… làm giàu thêm ý tưởng và ngôn ngữ


Có nhiều người cho rằng đã là nhà báo, nhà văn mà nói cụ thể là những người làm ra các sản phẩm tinh thần cho xã hội thì đâu cần phải đọc nhiều đến thế, chỉ cần nghĩ rồi viết ra, thế là đủ. Xét ở bình diện nào đó, tôi chỉ đồng ý với ý kiến này một nửa, nhưng một nửa ở đây không có nghĩa là tôi không có những ý kiến riêng của mình.

Tôi cho rằng, đã là nhà báo, nhà văn hay những người làm nên các giá trị Chân - Thiện – Mỹ trong xã hội lại càng cần phải coi trọng cái sự “Đọc”. Bởi, đọc là cách cảm nhận thế giới một cách khách quan nhất thông qua ý niệm mà người viết muốn thâu tóm để rồi gửi hồn vào câu chữ. Bạn nên biết rằng, để có được một sản phẩm tư duy, để cảm nhận thế giới bên nài, tìm ra những giá trị tốt nhất, sau đó phải mất một thời gian lâu nữa, tức là thông qua khả năng chiêm nghiệm, thì người viết mới bắt đầu cho ra những sản phẩm tư duy, suối nguồn của cảm xúc.

Họ, không chỉ nhìn, quan sát thế giới hiện thực khách quan một cách tỉ mỉ, mà còn nhìn thế giới với nhiều chiều. Để có được sản phẩm chân chính, mang lại những gì xã hội cần, bản thân họ phải mất một thời gian dài tích lũy tri thức, trau dồi vốn sống. Hầu hết những tác phẩm hay, có giá trị nhân bản đều được viết ra từ một trong những người có trí nhớ tuyệt vời. Họ đọc, họ nhớ, sau đó cứ theo cái ngôn ngữ đã đọc được ở đâu đó mà viết.

Một trong những cách trau dồi tư duy tốt nhất chỉ có thể thông qua sự đọc mà thôi. Tôi từng đọc một số những câu chuyện cắt nghĩa về sự nổi tiếng của các nhà hiền triết, nhà bác học hay các nhà chính khách nổi tiếng cho đến những nhà văn, nhà báo giỏi, tất cả đều đi đến nhận định: Họ đều là những “thiên tài về ngôn ngữ”.

Một trong những người tiêu biểu cho lớp người này chính là cụ Nguyễn Tuân. Để làm nên những tác phẩm “Vang bóng một thời”, được người đời ca tụng là “Thầy phù thủy của ngôn từ hình ảnh” thì trước đó nhà văn lão luyện của chúng ta đã đọc một khối lượng kiến thức rất lớn, đã thu được một lượng câu ngôn tuyệt vời. Khi đọc các tác phẩm của ông, cảm nhận ban đầu là cách dùng từ rất khéo, uyên thâm, cảm đến mức có thể luyến láy, biến tấu ngôn từ, làm cho ngôn ngữ trở nên có hình ảnh lạ kỳ.

Hay như, Vũ Trọng Phụng, người được mệnh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc” cũng vậy. Nói như vậy để thấy rằng cái sự đọc, nó không chỉ quan trọng với sự hiểu biết mà còn liên quan trực tiếp đến cả sự viết, sự nói của chúng ta trong giao tiếp hằng ngày.

Đọc còn là phương thức hấp thụ tư duy của người viết. Có người nói, đọc là nạp, còn viết là trút.Tôi cho đây là quan niêm rất đúng và rất phù hợp. Theo nhận định này, khi đọc một tác phẩm văn học, một câu chuyện cổ tích hay một bài thơ, thấy hay, rung động trước tác phẩm ấy, biết được cái mà nhà văn muốn nói trong tác phẩm tức là đã hấp thụ được sự hiểu biết nhất định, cách tư duy của người viết.

Trên thế giới có không ít những nhà bác học đọc sách cả đời mà cuối cùng chỉ có thể viết ra được dăm ba công trình nghiên cứu. Nhưng dăm ba công trình có thể coi như một hoạt động  nghề nghiệp nghiêm túc đối với cả một đời người. Đó chính là sứ mệnh của người làm khoa học chân chính.

Xét ở bình diện khác, càng đọc nhiều thì vốn văn hóa, vốn hiểu biết càng được nâng cao, khi đó sẽ không sợ không có đề tài để viết. Bác Hồ chính là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự học, tự trau dồi, tự hoàn thiện bản thân. Một con người có thể nói là vĩ đại ngay từ những giá trị đời thường. Bác chính là hiện thân của những giá trị tinh túy nhất của tri thức dân tộc và thời đại. Hễ có thời gian là Người học, Người đọc. Đặc biệt, Người đọc rất nhiều công văn, thư tịch, đơn thư kiện cáo của nhân dân và đều cho những nhận xét chí tình chí lý.

Nói như vậy để thấy rằng dù là vĩ nhân hay cá nhân nhỏ bé thì cũng đều phải mất nhiều thời gian để tự làm giàu tri thức cho bản thân, từ đó mà đóng góp những gì là tinh túy nhất cho nhân loại.

Đi … để học một sàng khôn, hấp hồn cuộc sống vào trang viết

Cổ nhân có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đó là quan niệm luôn đúng, luôn có giá trị thực tiễn với mọi thời đại. Để có được cái nhìn tổng quan về cuộc sống hiện thực thì phải “ Đi”.

Đối với những ai đã “say”, ăn sâu, nhuốm mình vào địa hạt viết lách như viết văn, làm báo đều định hình cho mình khái niệm “Đi”. Tôi cho rằng gần đây xuất hiện cụm từ “phóng viên phòng lạnh” là để nói đến những người có tư duy ngại đi, hoặc không muốn đi.

Nếu viết mà không đi sẽ không tìm thấy sự tương đồng giữa cái muốn nói với cái đang diễn ra, mà cái đang diễn ra bao giờ cũng đi trước, thường xuyên biến đổi liên tục. Một ngày không đi, cuộc sống thực tiễn bên nài đã thay đổi rất nhiều.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, phóng viên báo Lao Động. Anh đi như chưa bao giờ được đi. Mỗi địa danh, mỗi tên đất, tên làng, mỗi con người xuất hiện trong bài viết của anh đều là những minh chứng rõ nét cho mệnh danh “Người con của đồng bào dân tộc ít người”. Để có những tác phẩm, những tập phóng sự dài kỳ là cả một hành trình trên xuyên núi, xuyên rừng, băng đèo vượt suối, không ít lần đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Người thứ hai mà tôi vô cùng khâm phục. Không chỉ bởi ông là nhà quản lý báo chí, đang làm việc tại một cơ quan uy tín mà bởi sức đi của ông cũng khiến ngay cả những người trẻ như tôi cũng phải thốt lên rằng “Thật phi thường lắm thay”. Ông chính là nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong - Phó tổng biên tập báo Công an Nhân dân, Chuyên đề An ninh thế giới. Nay có lẽ ông đã bước qua cái tuổi “ngã bóng về chiều”, vậy mà có đôi lúc ông vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi, vẫn muốn đi như thời trai trẻ. Rất nhiều phóng sự nói về vùng ngã ba biên giới Việt Nam – Lào- Campuchia đã cho thấy một sức đi dẻo dai trong con người này.

Nghĩ… gạch nối các sự kiện với nhau

Khi chúng ta bắt đầu nghĩ về cái đúng, cái sai của vấn đề tức là đã cho thấy sự biện chứng với sự “đọc” và “ đi”. “Nnghĩ” là vấn đề then chốt, để hoàn thiện tư duy khi định hình làm một cái gì đó.

Với nhà báo, “nghĩ” là cách xâu chuỗi  ý nghĩa, các tầng văn hóa với nhau để tạo nên sự logic về mặt ngôn ngữ. Khi đã đạt đến độ chín về mặt tư duy, hay cách nghĩ đã thay đổi thì lúc ấy tạm coi là người có đầu óc. Nhà báo trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống phải “nghĩ”. Nghề báo là nghề vui, buồn cùng cuộc sống.

Chẳng hạn khi ra đường, anh gặp một tình huống đáng “nghĩ” thì ngay lập tức phải định hình trong đầu xem mình nên triển khai vấn đề này như thế nào, tức là cái công việc anh làm sẽ luôn thôi thúc anh phải nghĩ, không nghĩ tức là không phải tác phong của người làm nghề.

Có lần tôi được diện kiến cụ Vũ Khiêu tại nhà riêng. Đến đây tôi hoàn toàn bị bất ngờ bởi khả năng làm việc của một “ông già”, mà có lẽ tôi tin rằng những ai được chứng kiến hay nghe kể cũng phải thốt lên với tôi rằng “quả là siêu phàm”. Năm nay, cụ bước sang tuổi “thập cổ lai hy, xưa nay hiếm”, nhưng tâm hồn và trí tuệ thì không hề mờ nhạt mà trái lại càng ánh lên vẻ thông tuệ. Sáng ngủ dậy, cụ pha một cốc trà, rồi bắt đầu viết, mà không viết bằng chữ hay đánh máy mà viết bằng tư duy, bằng cách nghĩ trong đầu. Tôi đứng mà ngây người như tạc vì không biết mình nên nói sao về con người thông tuệ với khả năng làm việc vô hạn như thế.

Mong bạn đọc thể tất khi tôi nói về điều đó, khi đem so sánh trí tuệ của một người đã có nhiều năm nghiên cứu uyên thâm trong các vần đề với công việc thực tế của nhà báo. Nhưng có một điểm là dù làm nghề gì, dù là ai, GS, TS hay nhà báo thì không thể thiếu sự thống nhất trong cách nói, cách “nghĩ” của mình.

Viết … thì mới khai sáng được bút hồn


Trong sáng tạo tác phẩm báo chí thì viết được coi như một yếu tố đóng vai trò tiên quyết. Sản phẩm anh làm ra có được công chúng đón nhận hay không, nhận được những yêu, ghét hay không là phụ thuộc ở khâu cuối cùng này.

Đã bao giờ bạn viết báo mà không một lần thống nhất được giữa cách nghĩ với cách mà bạn định triển khai một tác phẩm. Tôi cho điều này không phải không có mà rất nhiều, đã có rất nhiều nhà báo khi đi thực tế đã định hình được phong cách viết nhưng khi ngồi vào máy tính thì lại thấy tắc mạch tư duy, hoặc không nói hết, truyền đạt hết nội dung tưởng mà mình muốn nói trong bài. Tôi cho đây là điểm đáng buồn đối với những người làm nghề viết lách như chúng ta.

Có lẽ, với một ai đó thì có thể cho rằng, những kiểu công thức như vậy đã trở nên qua lỗi thời với một xã hội của thông tin và những vấn đề nhạy cảm như hiện nay. Nhưng xin nói rằng, thời nào cũng vậy, làm báo là phải Đọc, Đi, Nghĩ, Viết. Thiếu một câu, một dòng, một dấu chấm, dấu phẩy vẫn có thể coi là một tác phẩm nhưng thiếu đi một bước trong những bước trên, nhà báo chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc đem lại những sản phẩm hay cho công chúng.

Hồ Phương Phúc
Báo in K.29A1

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN