ENV đề xuất ban hành Danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại tại Việt Nam

(Sóng trẻ) – Ngày 13/9, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam”.

Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam” có sự tham gia của ENV, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật và một số cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia và các tổ chức bảo tồn.

ong-thomas-lyons-dai-dien-dsq-hoa-ky.jpg
Ông Thomas Lyons -  Đại diện Đại sứ Quán Hoa Kỳ phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Hà Trang).

Việt Nam đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) đã được cấp phép và ước tính vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Khoảng 90 loài ĐVHD đang được nuôi, trong đó ít nhất 45 loài được nuôi là loài ĐVHD nguy cấp trên toàn cầu.

Hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân. Theo dữ liệu thương mại của CITES, trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam xếp thứ 2 trên thế giới về lượng xuất khẩu các loài thú có nguồn gốc do gây nuôi nhiều, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Tuy nhiên trên thực tế, việc gây nuôi các loài ĐVHD còn nhiều bất cập. Theo ENV ghi nhận năm 2018, một lô hàng gồm những ĐVHD được các nhà nghiên cứu đánh giá là “không có khả năng gây nuôi sinh sản thành công” vì mục đích thương mại như rùa đầu to cũng được đưa đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất ra nước ngoài.

Các khảo sát nhanh được ENV thực hiện vào tháng 8/2022 cho thấy nhiều cơ sở tạm thời đóng cửa, chờ biên giới mở cửa, đặc biệt là biên giới 2 nước Campuchia và Trung Quốc, nơi được xem là đầu mối nhập hàng và xuất hàng với số lượng lớn.

Nhiều bằng chứng cho thấy cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính. Các quy định pháp luật về gây nuôi thương mại ĐVHD chưa thực sự rõ ràng, quy trình cấp phép phức tạp đã khiến nhiều chủ cơ sở lúng túng không biết được phép nuôi những loài nào, đồng thời tạo nhiều lỗ hỏng trong thủ tục cấp phép giấy tờ.

Tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV mong muốn: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD hiện tại vừa chưa rõ ràng vừa không đủ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Việc ban hành Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại ĐVHD chỉ trong những loài này là một giải pháp đơn giản, hữu hiệu, góp phần định hướng cho người nuôi và tạo điều kiện cho công tác quản lý, từ đó bảo vệ tốt hơn các quần thể loài ĐVHD trong tự nhiên”.

ba-bui-thi-ha-pho-giam-doc-env.jpg
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ đề xuất ban hành Danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại tại Việt Nam của ENV. (Ảnh: Hà Trang).

Theo ENV, ban hành Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại ĐVHD chính là một trong những giải pháp mang tính khả thi cao để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam.

Danh mục sẽ giúp giải quyết các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam. Cụ thể:

- Bảo đảm tất cả các loài ĐVHD không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại.

- Quy trình cấp phép đơn giản, nhanh chóng: Cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu loài được đăng ký với Danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại và cấp phép nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mà không cần thực hiện thêm các thủ tục xác nhận với cơ quan khoa học.

- Chủ cơ sở nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại và đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi, danh mục được ban hành có thể đi kèm với quy trình đăng ký được đơn giản hóa tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi.

- Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại được cập nhật hàng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học, đảm bảo tạo điều kiện cho người nuôi.

Ông Nguyễn Quảng Trường - chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chia sẻ: “Để phát triển bền vững nghề gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại cần đảm bảo các yếu tố sau: 1) có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi; 2) có đánh giá và dự báo thị trường; 3) có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro; 4) quản lý và giám sát hiệu quả. Những loài nên đưa vào nuôi thương mại bao gồm các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.”

toan-canh-phien-toa-dam.jpg

Phiên tọa đàm nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ phía các khách mời, các nhà báo. (Ảnh: Hà Trang).

Cũng trong buổi tọa đàm, nhiều ý kiến thỏa luận cũng được đặt ra như vấn đề về dịch bệnh do ĐVHD gây ra cũng được ENV và các chuyên gia chú ý.

Việc ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại là giải pháp bước đầu được kì vọng có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD. Đồng thời, loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài ĐVHD đang bị đe dọa và đơn giản hóa đáng kể các thủ tục cho cả người nuôi và cơ quan quản lý trên toàn quốc.

Về lâu dài, giải pháp này cũng cần kết hợp cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường thực thi pháp luật để quản lý toàn diện, hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài ĐVHD, đồng thời cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật22 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN