Giới trẻ lan toả nét đẹp văn hoá truyền thống trong âm nhạc Việt

(Sóng trẻ) - Sự kết hợp giữa âm hưởng dân tộc và phong cách hiện đại đang làm nên cơn sốt trong làng nhạc Việt. Sự kết hợp này không chỉ chinh phục khán giả trẻ mà còn khẳng định tài năng của nhiều nghệ sĩ. 

Những năm gần đây, V-pop chứng kiến sự bùng nổ của các thể loại âm nhạc hiện đại như EDM, hip-hop, indie... khiến thị trường âm nhạc trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nền âm nhạc quốc tế cũng khiến nhiều sản phẩm V-pop mang dáng dấp giống nhau, khiến nhiều nghệ sĩ trẻ phải đối mặt với áp lực tạo nên những dấu ấn riêng biệt để không bị hòa tan trong dòng chảy chung của âm nhạc thế giới.

Nghệ sĩ trẻ “cách tân” âm nhạc truyền thống

Để tách khỏi dòng chảy đó, một làn gió mới đã xuất hiện khi các nghệ sĩ trẻ táo bạo trong việc kết hợp tinh tế giữa âm hưởng truyền thống và nhịp điệu hiện đại. Bằng việc "tái sinh" những câu chuyện cổ tích, những bài ca dao, tục ngữ thành những bản nhạc đầy cảm xúc, họ đã không chỉ tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nổi bật và thành công trong số đó không thể không nhắc đến Hoàng Thùy Linh. Cô từng tạo dấu ấn với MV “Bánh trôi nước” khi khai thác chất liệu văn học. Hàng loạt tác phẩm sau đó của cô cũng đều chứa đựng yếu tố dân gian, mang đậm màu sắc văn hóa Việt và đã tách khỏi dòng âm nhạc thị trường, nổi bật là sự thành công của album “Hoàng” (năm 2019).

htl.png
Album Hoàng - Bản hành trình đầy đủ cảm xúc của Hoàng Thuỳ Linh. (Ảnh: Sưu tầm)

Đặc biệt, bản hit “Để Mị nói cho mà nghe” đã khiến cộng đồng mạng “điên đảo”, ngoài truyền tải những hình ảnh văn hóa vùng Tây Bắc, Hoàng Thùy Linh đã khéo léo lồng ghép vào MV các tác phẩm văn học quen thuộc như: “Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Vợ nhặt, Lão Hạc.” Âm nhạc sử dụng nhạc dân gian, kết hợp với rap và nhạc điện tử bắt tai khiến người hâm mộ ấn tượng. MV này đã giúp Hoàng Thùy Linh thắng 4 hạng mục của giải âm nhạc “Cống hiến” 2019, 7 giải âm nhạc “Làn sóng xanh”, cho thấy sức ảnh hưởng từ những tác phẩm dung hợp giữa yếu tố truyền thống và đương đại là rất lớn nếu được đầu tư một cách nghiêm túc, sáng tạo và phù hợp thị hiếu.

htlinh.png
“MV Để Mị nói cho mà nghe”. (Nguồn: Sưu tầm)

Bên cạnh Hoàng Thùy Linh, ca sĩ Phương Mỹ Chi cũng nhận được sự yêu mến của công chúng khi mang điệu múa chén cổ truyền vào tác phẩm nghệ thuật của mình. MV “Gối Gấm” không đơn thuần tái hiện nội dung thơ văn mà tập trung vào biểu cảm, ngôn ngữ hình thể và màn trình diễn múa chén của Phương Mỹ Chi. Để thể hiện rõ nét giá trị văn hóa, nữ ca sĩ 10x cùng ekip đã khéo léo lồng ghép các hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt MV.

pmc.png
“MV Gối Gấm”. (Nguồn: Sưu tầm)

"Gối Gấm" mang âm hưởng miền Trung với sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc dân gian và hiện đại. Ca khúc sử dụng điệu múa chén, một nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, làm điểm nhấn chính. Để tạo nên sự mới mẻ, nhóm producer DTAP đã kết hợp âm hưởng múa chén với thể loại Trap của phương Tây. Sự kết hợp này tạo nên một bản nhạc bắt tai, sôi động nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

pmchi.png
Phương Mỹ Chi lan toả giá trị truyền thống bằng điệu múa chén trông MV. (Nguồn: Sưu tầm)

Ca sĩ Hòa Minzy cũng không hề kém cạnh khi mang yếu tố lịch sử vào âm nhạc hiện đại với MV Không thể cùng nhau suốt kiếp. MV khai thác câu chuyện về mối tình giữa Nam Phương Hoàng hậu với vua Bảo Đại của Triều Nguyễn và nhận được sự yêu mến của công chúng.

hmz.png
“MV Không thể cùng nhau suốt kiếp”. (Nguồn: Sưu tầm)

Đầu MV là hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu đứng trên một chiếc thuyền trôi giữa dòng sông Hương gợi cảm giác xưa cũ. Đồng thời, MV cũng khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đương thời, dẫu có cuộc sống vương giả cũng không tránh khỏi kiếp hồng nhan bạc phận.

hmzy.png
“Hoà Minzy trong tạo hình Nam Phương Hoàng Hậu”. (Nguồn: Sưu tầm)

Hàng loạt tác phẩm khác cũng nhận được sự yêu mến của công chúng như “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam khai thác âm hưởng dân gian miền núi; Bích Phương với MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” mang dấu ấn văn hóa Tây Bắc; Chipu với MV “Cung đàn vỡ đôi” lồng ghép chất liệu cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ; “Chân ái” của Orange...

Gìn giữ, phát huy âm nhạc dân tộc với nghệ sĩ trẻ

Khai thác các yếu tố văn hóa dân gian trong ca khúc đang là hướng đi được nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn. Thành công của nghệ sĩ, nhà sản xuất cho thấy, âm nhạc Việt đã có những bước chuyển rõ rệt, dần thu hẹp lại khoảng cách giữa nhạc trẻ hiện đại và nhạc truyền thống. Các sản phẩm âm nhạc mang tính thời thượng, song vẫn có sự kết nối với nét đẹp văn hóa truyền thống.

Theo Đại tá, NSND Tự Long - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội từng chia sẻ: “Đã là nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều là những người rất tâm huyết, luôn mong muốn giữ gìn lại những nét đẹp trong sáng của văn hóa, góp phần xây dựng con người, mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho dân tộc Việt Nam. Với sự phát triển vượt bậc của văn hóa hiện nay, yêu cầu đặt ra là cần phải làm thế nào để văn hóa theo kịp được với thời đại, với công nghiệp văn hóa của thế giới nhưng vẫn giữ được hơi thở của cuộc sống, hơi thở của dân tộc Việt, giữ vững được bản sắc văn hóa Việt Nam.

tl.png
Đại tá, NSND Tự Long - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội. (Nguồn: Sưu tầm)

Mặt trận văn hóa là một trong những mặt trận cực kỳ quan trọng. Người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa cũng không kém phần vất vả với những người chiến sĩ trên thao trường bởi vì họ không chỉ tập luyện trên trên sàn diễn, trên thao trường mà họ còn phải luôn luôn trau dồi, học hỏi trở thành những người đi đầu trên cả hai mặt trận.

Cũng giống như những người hoạt động văn hóa nghệ thuật khác, là một người lính, một người nghệ sĩ, chúng tôi cũng tiếp cận với công nghệ, với hơi thở của thời đại nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm là không được làm xói mòn bản sắc của dân tộc.”Việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong sáng tác âm nhạc là một thử thách lớn đối với các nghệ sĩ. Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, các nghệ sĩ không chỉ cần sự sáng tạo mà còn phải có kiến thức sâu sắc về âm nhạc truyền thống. Đồng thời có khả năng cân bằng giữa việc giữ gìn bản sắc văn hóa và đáp ứng nhu cầu của khán giả hiện đại. Sự phá cách quá đà có thể dẫn đến việc làm mất đi giá trị cốt lõi của tác phẩm và gây phản cảm cho người nghe.

Âm nhạc dân tộc như một kho tàng quý báu chứa đựng hồn cốt của dân tộc. Việc làm mới âm nhạc dân tộc giống như việc tạo ra những chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, kéo gần thế hệ trẻ lại với những nét đẹp văn hoá của dân tộc.

Để sử dụng và khai thác âm nhạc dân tộc hiệu quả trong thị trường âm nhạc thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cần phải chắt lọc những thứ tinh túy nhất của âm nhạc Việt, tiếp thu cởi mở nền văn hóa âm nhạc trên thế giới. Muốn làm được việc này, nghệ sĩ cần phải thực sự tìm hiểu và tôn trọng giá trị nguyên bản của âm nhạc dân tộc một cách đúng nghĩa.

Tiếp cận, làm mới âm nhạc dân tộc đúng cách, nghệ sĩ trẻ sẽ tạo được phong cách mới cho tác phẩm âm nhạc mà không làm mất đi những nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Để bảo tồn và phát huy những giá trị của âm nhạc dân tộc trong thời đại, Nhà nước cần có thêm sự quan tâm và đầu tư hơn nữa cho những người làm nghề thông qua nhiều chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật truyền thống. Có như vậy, âm nhạc truyền thống mới tiếp tục bùng nổ và phát triển không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, góp phần xây dựng, quảng bá nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN