Hệ lụy khó lường của dịch vụ “test người yêu”
(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội rầm rộ dịch vụ “test người yêu” để thử lòng chung thuỷ của một người. Nhưng nhiều trường hợp đã lợi dụng dịch vụ này để lừa đảo, tạo bằng chứng giả để ly hôn.
Xuất phát từ nỗi lo sợ và nghi ngờ trong mối quan hệ tình cảm, dịch vụ "test người yêu" (kiểm tra người yêu) thu hút lượng người sử dụng tăng đột biến trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram.
Khi tình yêu không còn sự tin tưởng…
Chỉ cần lên TikTok gõ từ khóa "test người yêu", hàng loạt tài khoản hướng dẫn cách thực hiện việc kiểm tra lòng chung thủy, kèm theo đó là thông tin liên hệ người làm dịch vụ này sẽ xuất hiện. Những video liên quan đến dịch vụ kiểm tra sự chung thủy của người yêu đều có số lượng người xem lên đến vài chục nghìn.
Trong vai người sử dụng dịch vụ để kiểm tra lòng chung thủy của người yêu, chúng tôi tìm đến tài khoản chuyên thực hiện dịch vụ này trên TikTok. Khi bắt đầu liên hệ, chủ tài khoản đã “báo giá" cho chúng tôi rằng sẽ chủ động liên lạc, giá cho mỗi lần dao động từ 200.000 đồng - 1.000.000 đồng, tùy theo kết quả.
Theo chủ tài khoản, ban đầu người này sẽ có cuộc trò chuyện bình thường với người bị thử lòng, sau đó nội dung trò chuyện sẽ được đẩy xa hơn, chuyển thành tán tỉnh.
Nói về bí quyết thực hiện công việc này, chủ tài khoản cho biết sẽ sử dụng một tài khoản ảo để nghiên cứu từ nghề nghiệp cho đến tính cách của đối tượng thật kỹ. Sau đó sẽ tạo một hồ sơ cá nhân nhìn uy tín, đúng gu và liên hệ sao cho “tự nhiên" nhất.
Trong cuộc thử nghiệm đầu tiên, chủ tài khoản bắt đầu tiến trình tán tỉnh bằng câu hỏi: “Anh đã có người yêu chưa?” và khi nhận được câu trả lời là đã có người yêu, chủ tài khoản ngay lập tức kết thúc cuộc trò chuyện. Tài khoản này đã chụp màn hình và gửi cho chúng tôi. Tất nhiên, kể cả trong trường hợp người bị thử lòng không "mắc bẫy", người thuê vẫn phải trả tiền.
Nguyễn Phương Linh (20 tuổi, Hải Phòng) đã lên TikTok tìm kiếm và liên hệ tài khoản thực hiện dịch vụ kiểm tra người yêu, Linh đã phải trả 200.000 đồng cho dịch vụ này. Linh nói: "Sau khi người thực hiện dịch vụ gửi toàn bộ tin nhắn về cuộc trò chuyện với người yêu cho mình, mình cảm thấy bạn trai là người chung thủy và biết từ chối sự tán tỉnh của người lạ, nên mình cảm thấy bạn trai thật sự tuyệt vời".
Trong trường hợp khác, nếu nhận được câu trả lời là "Anh chưa", tài khoản này sẽ tiếp tục nhắn tin gạ gẫm đến khi nào người bị thử lòng đồng ý đi gặp nhau, đi cà phê, thậm chí là đi khách sạn. Tất cả cuộc trò chuyện đều được chụp màn hình đầy đủ và gửi cho khách hàng và khi đối tượng “thành công mắc bẫy", số tiền mà khách hàng phải trả cũng không hề rẻ.
Phạm Thu Hằng, sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất (21 tuổi, Hà Nội), cho biết Hằng và bạn trai yêu xa. Sau khi tìm kiếm và trải nghiệm dịch vụ, Hằng chia sẻ: "Người thực hiện dịch vụ đã gửi toàn bộ nội dung tin nhắn khi nói chuyện với bạn trai của mình. Đọc được những dòng tin nhắn đó, mình đã bị bất ngờ trước những lời gạ gẫm của người yêu. Và tất nhiên mình đã chia tay ngay".
Đừng “lấy giấy thử lửa”
Trong thời gian dài quan sát hội nhóm của dịch vụ “test người yêu”, phóng viên nhận thấy nhu cầu chủ yếu là từ những bạn trẻ với nhiều lý do như người yêu lâu không trả lời tin nhắn hay cứ cầm điện thoại rồi cười tủm tỉm khi nhắn tin… Và có cả những trường hợp đã chia tay nhưng thuê dịch vụ để “trả đũa” người yêu cũ.
Để tìm hiểu sâu hơn, phóng viên đã thử làm khách hàng tiếp cận với 2 nhóm đối tượng để tìm nguyên nhân tại sao họ lại muốn sử dụng dịch vụ này. Chúng tôi đã thử đăng trong group “test người yêu” là “nhận test miễn phí với số lượng người nhất định” và chỉ chưa đầy 30 phút sau đã có hàng chục bình luận.
Nhóm đối tượng thứ nhất là những bạn trẻ muốn thử lòng người yêu. Khi tâm sự với cô gái tên Nhi (25 tuổi, Bắc Giang), chúng tôi khá bất ngờ khi biết được nguyên nhân Nhi tìm đến dịch vụ này: “Bọn em yêu nhau 8 năm rồi nên em cũng tin tưởng dữ lắm, mong test thử vui thôi”. Nhi kể rằng bạn trai mới cầu hôn mình và cô cũng đã đồng ý nhưng vì muốn thử xem người yêu có thật lòng với mình không trước khi tiến tới tương lai xa hơn nên Nhi đã sử dụng dịch vụ này.
Không chỉ có trường hợp của Nhi, bạn trẻ khác tên Linh (20 tuổi, TP.HCM) cũng chủ động nhắn tin hỏi về dịch vụ và bày tỏ mong muốn cần thử lòng người yêu của mình. Lý do bạn đưa ra là vì dạo gần đây bạn với người yêu cãi nhau khá nhiều nên muốn “thử” để xem người yêu có chán mình hay chưa và vì sợ người yêu tìm đến những mối quan hệ không lành mạnh.
Nhóm đối tượng thứ hai là những người đã lập gia đình muốn thử lòng chung thủy của người bạn đời của mình. Bạn Linh Chi (32 tuổi, Hà Nội) tìm tới dịch vụ này vì đã cãi nhau với chồng, khi được hỏi nguyên nhân cãi nhau, bạn kể rằng: “Mình đang mang thai nên hơi nhạy cảm. Hôm trước lại thấy chồng thả tim một ảnh của chị đồng nghiệp cùng công ty nên mình ghen, lời qua tiếng lại rồi hai vợ chồng cãi nhau”.
Ngoại trừ lý do “muốn thử cho biết”, “thử cho vui” thì các bạn trẻ tìm đến dịch vụ này thường mang trạng thái bất an, lo sợ người yêu đã phản bội mình vì những lý do như khoảng cách địa lý hay người yêu thay đổi thái độ. Nhưng cũng có những bạn trẻ tìm tới dịch vụ này với những lý do như người yêu thả tim ảnh nữ, trả lời tin nhắn lâu… Còn nhóm đối tượng đã kết hôn thì có khá ít trường hợp, chủ yếu lí do là vì đa nghi với những mối quan hệ xung quanh bạn đời của mình hoặc nghe lời bàn tán của người ngoài nên tìm tới dịch vụ để xác thực thông tin. |
Ẩn sau dịch vụ “test người yêu”...
Dù dịch vụ “test người yêu” xuất hiện với mục đích đơn thuần nhưng không thể tránh khỏi những biến tướng khó lường liên quan đến tệ nạn xã hội. Dịch vụ này ban đầu được quảng cáo như một công cụ hữu ích để kiểm tra lòng trung thực trong một mối quan hệ, tuy nhiên nó đã trở thành một cơ hội cho vấn nạn lừa đảo công khai.
Có những tổ chức không trung thực chủ động tạo ra các "kiểm tra" giả mạo, không chính xác, làm mất lòng tin và thậm chí gây đổ vỡ mối quan hệ của khách hàng để “vòi thêm tiền” với lý do “đã thử lòng thành công”. Không chỉ vậy, họ còn đòi thêm các khoản phí phát sinh trong thời gian thực hiện dịch vụ.
Phóng viên đã ghi nhận những trường hợp người sử dụng bị yêu cầu thanh toán chi phí kiểm tra với lời hứa về sự trung thực của đối phương. Tuy nhiên, sau đó, họ bị bỏ rơi mà không nhận được thông tin hữu ích nào. Không chỉ vậy, những người làm dịch vụ thậm chí còn lợi dụng quá trình này để “đòi quà” đối tượng.
Biến tướng của dịch vụ "test người yêu" trở nên rõ ràng hơn khi nó không chỉ đơn giản là một công cụ kiểm tra mối quan hệ mà còn được sử dụng để tạo ra bằng chứng ngoại tình giả để ly hôn. Thay vì giúp giải quyết sự nghi ngờ trong mối quan hệ, dịch vụ này trở thành một phương tiện “đổi trắng thay đen” mang lại mưu lợi cho khách hàng.
Loại biến tướng này mở ra một “góc tối” trong xã hội, khi dịch vụ được lạm dụng để thu thập thông tin cá nhân mà không có sự đồng thuận của đối tượng, tạo nên một không khí lo sợ và căng thẳng trong mối quan hệ. Những biến tướng này không chỉ gây tác động tiêu cực đến tâm lý và tinh thần của cả hai bên mà còn làm ảnh hưởng đến kinh tế, tài chính khi sử dụng và duy trì các gói dịch vụ khác nhau.
Thực tế, đã xảy ra rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, những video lên xu hướng xoay quanh việc sử dụng dịch vụ “test người yêu" đã vô tình cắm sâu vào tâm trí sự cảnh giác và nghi ngờ thường trực đối với người yêu hoặc vợ/chồng của mình. Nhưng đây cũng là một “đòn bẩy” giúp loại hình dịch vụ này ngày càng nở rộ.
Những người sử dụng dịch vụ này, dù thành công hay thất bại thì với người bị thử, cũng sẽ gây tổn thương nặng nề khi nghĩ đối phương không còn tin tưởng mình và mối quan hệ cũng sẽ đổ vỡ.
Tiến sĩ Phạm Thị Thuý, chuyên gia Xã hội học cho rằng: “Việc dịch vụ “test” này nở rộ tràn lan trên mạng xã hội và có nhiều người tìm đến là do sự thiếu tin tưởng nhau trong tình yêu, có cung thì ắt có cầu. Có người muốn thử vì chưa thực sự tin tưởng vào “nửa kia” của mình nhưng cũng có người muốn thử vì tò mò, vì muốn được khẳng định thêm một lần nữa về độ chung thủy của đối phương. Xét ở một góc độ nào đó cho thấy niềm tin của nhiều người dành cho bạn đời đang bị suy giảm, một phần có lẽ do bị ảnh hưởng của đời sống hiện đại, xu hướng thị trường len lỏi trong các mối quan hệ “cặp đôi”. Trào lưu này thực sự nguy hiểm, giống như dùng giấy để thử lửa. Trong một xã hội thị trường thực dụng, những kiểu dịch vụ thế này sẽ sinh ra một cách bất chấp hậu quả. Họ làm để kiếm tiền trên nỗi thiếu tự tin, sợ hãi của con người, lợi dụng tính đu trend của các bạn trẻ, cố tình tạo ra trào lưu để mọi người bị dẫn dụ vào. Đây chính là tính phi văn hóa, không có nhân văn. Trong quá trình thử, mối quan hệ của họ đã bị đầu độc, một mối quan hệ độc hại. Đây là yếu tố khiến người ta đánh mất niềm tin vào tình yêu, kể cả người bị thử lẫn người đi thử, lẫn người làm dịch vụ thử. Chúng ta không nên tốn tiền cho dịch vụ mà hãy dành tâm sức để yêu thương thật lòng, chân thành vun đắp cho mối quan hệ. Hãy quan sát người bạn đời/người yêu của mình nhiều hơn để nhận diện cảm xúc, để có thể hài hòa, hòa hợp trong tình yêu”. |