(Sóng trẻ) - Thuộc thế hệ 9x, Nguyễn Văn Bắc với nghệ danh Nam Chi là một trong những họa sĩ trẻ hiện nay đang theo đuổi dòng tranh dân gian. Để chào đón năm Giáp Thìn 2024, hoạ sĩ Nam Chi đã có những sáng tạo mới về hình tượng rồng thông qua 2 dòng tranh Hàng Trống và Kim Hoàng.
Ngay từ nhỏ, khi được tiếp xúc với bức tranh Quan Âm trong sách giáo khoa, Nam Chi đã có cảm tình với dòng tranh dân gian. Sau khi thực hiện được ước mơ thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, được tiếp xúc nhiều hơn với tranh dân gian, Nam Chi đã đi sâu hơn vào con đường tìm hiểu và vẽ lại các dòng tranh này, khởi đầu là tranh Hàng Trống và sau đó là dòng tranh Kim Hoàng. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Để viết tiếp câu chuyện của tranh truyền thống theo cách của riêng mình, mỗi bức tranh đều được họa sĩ Nam Chi biến tấu mới lạ trên nền tảng truyền thống. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Khi tạo mẫu rồng cho tranh Kim Hoàng, họa sĩ Nam Chi đã khai thác và lấy cảm hứng hình tượng rồng trong những kiến trúc đình làng và hoa văn trên các sắc phong cổ truyền. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
“Là con vật duy nhất không có thật trong 12 con giáp, không tồn tại trong thế giới tự nhiên, rồng là sản phẩm của sự sáng tạo, nảy sinh trong trí tưởng tượng của con người. Rồng được coi như chúa tể của nước, vị thần của sông biển, của mây mưa sấm chớp. Linh vật siêu thực ấy là kết tụ của những niềm tin bất diệt, xuất phát từ tâm thức các thế hệ cư dân của nền văn minh lúa nước. Khi tạo mẫu rồng cho tranh, tôi khai thác kiến trúc đình làng, sắc phong sau đó tạo nét, phối trộn mảng màu hơi ngây ngô và hơi trẻ con”, họa sĩ Nam Chi chia sẻ. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Với nét bút vừa phóng khoáng khỏe khoắn vừa đơn giản khúc chiết, hình ảnh rồng trong tranh Kim Hoàng được vẽ mạnh mẽ, có hình thể dài, thể hiện bằng những đường cong uy nghi và vảy lấp lánh. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Để tăng thêm sự uy quyền và tinh thần cao cả, hình ảnh rồng còn được bổ sung thêm cánh. Rồng xuất hiện trong tranh Kim Hoàng được kết hợp cùng các hoa văn mang đặc trưng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Sự kết hợp này khiến bức tranh trở nên sinh động, gợi lên vẻ đẹp tráng lệ của văn hóa người Việt. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Song song với việc sáng tác tranh thì việc số hóa tranh cũng là một điều Nam Chi quan tâm. “Việc số hóa tranh là điều rất quan trọng, khi số hóa được tranh không chỉ giữ được những bản tranh theo phong cách Hàng Trống, Kim Hoàng với tông màu nguyên bản mà còn có thể đưa những mẫu tranh dân gian ứng lên các sản phẩm như hộp quà tết, bao lì xì hay một số sản thủ công mỹ nghệ như đèn trang trí, chiếc quạt....”, họa sỹ Nam Chi chia sẻ. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Với những gam màu tươi sáng như đỏ điều, đỏ sen, vàng yến, xanh lá đậm…những bức tranh rồng được sáng tạo đầy ấn tượng. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Trong bức “Tiên Rồng” không chỉ tập trung vào hình ảnh rồng mà còn đa dạng với các linh vật truyền thống như phượng, nghê, tạo nên một bức tranh nghệ thuật phong phú. Đặc biệt, hình ảnh tiên nữ cưỡi rồng mang đến hình ảnh của phụ nữ Việt Nam với những giá trị hạnh phúc giản dị và ước mơ về một cuộc sống hòa mình với thiên nhiên và cộng đồng. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Không đơn thuần là hòa những màu sắc tương đồng như tranh truyền thống, họa sĩ Nam Chi đã làm mới bằng cách thêm vào tranh những mảng màu sáng tối tương phản. Đặc biệt, để tranh không bị bạc màu theo thời gian mà ngày càng trầm sắc, càng để lâu càng có chiều sâu, họa sĩ Nam Chi đã sử dụng màu khoáng thay cho màu phẩm truyền thống. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
“Tranh Kim Hoàng thay vì dùng kỹ thuật vờn màu như tranh Hàng Trống, người họa sĩ có thể thoải mái thả hồn vào từng bức tranh với những mảng màu tùy vào cảm hứng để sáng tác. Tuy nhiên việc đưa những mảng màu ngẫu nhiên vào tranh cũng có quy luật riêng”, họa sĩ Nam Chi chia sẻ. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
“Tranh Kim Hoàng thay vì dùng kỹ thuật vờn màu như tranh Hàng Trống, người họa sĩ có thể thoải mái thả hồn vào từng bức tranh với những mảng màu tùy vào cảm hứng để sáng tác. Tuy nhiên việc đưa những mảng màu ngẫu nhiên vào tranh cũng có quy luật riêng”, họa sĩ Nam Chi chia sẻ. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)