Học sinh cuối cấp gấp rút ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi Đánh giá năng lực
(Sóng trẻ) - Chỉ còn 15 ngày nữa, đợt thi đánh giá năng lực sẽ diễn ra tại Hà Nội và Thái Nguyên. Các em học sinh lớp 12 như "ngồi trên đống lửa” gấp rút ôn tập để đạt kết quả cao.
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 8 đợt thi Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông từ 10/3/2023 đến 04/6/2023 tại 7 tỉnh, thành phố. Bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT sẽ làm trên máy tính, thời gian từ 195 - 199 phút gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên – xã hội (50 câu hỏi, 60 phút).
Đây cũng là một trong những hình thức xét tuyển đại học được các em học sinh cuối cấp lựa chọn để giành tấm vé vào đại học mình mong ước. Đối tượng dự thi gồm có: Học sinh đang học lớp 12 bậc Trung học phổ thông hoặc tương đương, người đã tốt nghiệp Trung học phổ thông (hoặc tương đương trở lên) trong thời gian ba năm tính đến năm dự thi.
Thí sinh thực hiện bài thi trực tiếp trên máy tính. Bài thi chính thức có thể xuất hiện câu hỏi thử nghiệm không tính điểm thi với số lượng không vượt quá 4% tổng số câu hỏi của bài thi chính thức. Đề cương thi, cấu trúc, dạng thức đề thi, phạm vi và tiêu chí đánh giá được công bố ít nhất 30 ngày trước kỳ thi. Kết quả thí sinh sẽ được chuyển về tận nhà sau 14 ngày.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện gần 40 trường đại học khu vực miền Bắc và miền Trung đăng ký sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào hệ chính quy năm nay. Bài thi được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá các nhóm năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Ông nhấn mạnh: “Với bài thi đánh giá năng lực, luyện thi kiểu ‘học tủ’ sẽ không hiệu quả”.
Em Hoàng Minh Quân - học sinh lớp 12, THPT Khương Đình chia sẻ: “Khi đọc đề thi mẫu, em thấy hoang mang vì kiến thức quá rộng so với những bài tập, kiến thức mà em đang ôn luyện. Thậm chí còn có kiến thức những môn xã hội như sử, địa của em không đủ mạnh, điều này làm em rất căng thẳng, áp lực khi chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới”.
Đối với Việt Anh (THPT Đống Đa), em cho rằng: “Lượng kiến thức trải đều từ dễ đến nâng cao chủ yếu đều nằm trong khối lượng bài tập lớp 12. Tuy nhiên, cấu trúc đề văn sẽ khác so với những bài tập thường làm trên lớp. Ngoài ra, chúng em cần luyện thêm kĩ năng làm bài và tốc độ làm bài nhanh hơn so với những kỳ thi đơn thuần”.
Hiền Trang (THPT Kim Liên) khi biết các trường đại học năm nay sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm thi Trung học phổ thông và thay thế bằng các hình thức khác đã cảm thấy khá lo lắng. Việc giảm chỉ tiêu này đồng nghĩa điểm chuẩn, tỉ lệ cạnh tranh đầu vào rất “đáng sợ”.
Vì vậy, để không bị động trong việc chọn ngành cũng như ngôi trường sẽ gắn bó trong tương lai, Trang quyết định tìm đến các kỳ thi khác như: Ietls, đánh giá năng lực ĐHQG và đánh giá tư duy Đại học Bách Khoa. Đây là giai đoạn nước rút nên ngoài thời gian học thêm các môn chính để xét tuyển, nữ sinh cũng tranh thủ ôn luyện thêm kiến thức liên quan đến các kì thi khác nhau.
Để luyện tập kỹ năng làm bài cũng như học thêm kiến thức, Hiền Trang cho biết: “Em lên mạng tìm các web cho làm đề thi thử, họ có bộ đề ôn đẩy đủ cấu trúc các môn, cũng như tính giờ để em có thể đánh giá năng lực của bản thân, tìm được hướng ôn và bài tập bổ trợ phù hợp với bản thân”.
Không chỉ ở trong kỳ thi ĐGNL, để đạt được điểm cao, mỗi thí sinh cần ôn lại tổng quát kiến thức về lý thuyết và liên hệ được các kiến thức với nhau. Khi làm bài, thí sinh cần bình tĩnh, đọc kĩ câu hỏi, đáp án và rèn luyện tư duy giải bài tập.