Hội sách "hồi sinh" văn hóa đọc?
(Sóng trẻ) - “Hội sách xuân 2015” - Lễ hội sách quy mô đầu tiên của năm mới Ất Mùi vừa được công ty cổ phần sách Alphabook tổ chức vào ngày 7/3 tại 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Không chỉ Lễ hội sách xuân 2015, hàng năm riêng tại Hà Nội đã có trên vài chục hội sách được tổ chức quy mô bởi các nhà xuất bản, nhà sách uy tín trong nước. Chúng đều nhận được sự quan tâm đông đảo của độc giả, tiêu thụ được hàng nghìn đầu sách, quy tụ những nhà xuất bản hàng đầu…nhưng liệu đó có phải là những dấu hiệu chỉ ra rằng Văn hóa đọc đang thực sự được “hồi sinh”?
Hội sách luôn thu hút độc giả.
Mua vì sự hấp dẫn của hình thức
Hội sách luôn thu hút độc giả, từ mọi lứa tuổi. Đó là lý do vì sao hội sách được tổ chức thường xuyên trên cả 64 tỉnh thành trên cả nước chứ không chỉ riêng ở Hà Nội. Trong Hội sách, nài mục đích chính là mở ra không gian cho công chúng có thể dễ dàng tìm thêm cho mình những tác phẩm yêu thích, đó còn là nơi mà những nhà sách, những nhà xuất bản tiêu thụ được một lượng lớn ấn phẩm, quảng bá thương hiệu đến với đông đảo độc giả.
Bạn Hồ Văn Tài (sv Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Mình đến với hội sách này với mong muốn chính là “săn” bộ ấn bản đặc biệt “Việt Nam danh tác” của nhà sách NN. Đây đều là những tác phẩm mình đã đọc nhưng nghe nói sẽ được tặng kèm cho độc giả may mắn trong hội sách nên đến thử vận may.”
Với sự phát triển của Marketing và Truyền thông, nhiều nhà xuất bản hiện nay thu hút độc giả bằng cách cho tái bản loại nhiều ấn phẩm, trong đó có những tác phẩm văn học kinh điển trong nước và của thế giới. Những tác phẩm tưởng chừng như rất quen thuộc với độc giả được tái bản với hình thức mới với bìa sách được thiết kế bắt mắt, hiện đại. Thậm chí, có một số nhà sách còn cho xuất bản những ấn bản special của những bộ tác phẩm kinh điển dưới dạng mini book (bản bỏ túi) hoặc bìa cứng v.v… khiến những độc giả yêu sách, đặc biệt là những người có sở thích sưu tầm sách không thể bỏ qua.
Bản mini book “độc và lạ” của tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam
Dòng văn học mạng chuyển thể thu hút giới trẻ
Anh Đỗ Minh Hoàng (nv của một nhà sách) cho biết: "Hiện nay giới trẻ, phần lớn là độc giả nữ đặc biệt yêu thích dòng văn học mạng chuyển thể của Trung Quốc. Những quyển tiểu thuyết “Ngôn tình” luôn dẫn đầu danh sách những ấn phẩm bán chạy nhất của chúng tôi. Chúng chiếm khoảng 50% -70% lượng phát hành và luôn là những đầu sách không bao giờ hết “hot””
“Ngôn tình” là dòng sách đến từ Trung Quốc. Với xuất phát điểm là những câu chuyện được đăng trên blog và website của những nhà văn trẻ không chuyên, chúng nhận được sự ủng hộ của độc giả mạng và từ đó, xuất bản ra những ấn phẩm giấy bày bán trên thị trường. Nội dung của những “cuốn tiểu thuyết ngôn tình” này thường kể về những câu chuyện tình yêu đẹp như mơ pha lẫn những yếu tố lãng mạn hóa và đôi khi có đan cài thêm những chi tiết giả tưởng. Với cốt truyện đơn giản, lãng mạn về tình yêu, nó thu hút một lượng lớn độc giả mà chủ yếu là những bạn gái trẻ.
Thu Trang (sv, 21t) cho biết: “Cuộc sống hiện thực đôi khi làm mình rất mệt mỏi vì sự phũ phàng và bon chen, thậm chí làm mình mất đi niềm tin vào tình yêu. Nhưng đến với tiểu thuyết ngôn tình, nó mở ra trong mình một thế giới mới, lãng mạn, nhẹ nhàng. Có thể nó xa rời thực tế nhưng nó đem lại cho mình những niềm vui mà cuộc sống đôi khi không đáp ứng được”.
Một bộ phận giới trẻ bị thu hút bởi những dòng văn học không chính thống với nhiều nội dung xa rời thực tế mang nhiều yếu tố phản cảm
Văn hóa đọc ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân gồm ba thành phần chính là: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, đặc biệt là Internet và mạng xã hội, con người ta càng ngày càng có thêm nhiều sự lựa chọn để tiếp cận thông tin và bồi bổ tri thức. Nhưng cụm từ “văn hóa đọc” vẫn luôn là một tính từ thiên về hoạt động đọc sách. Bởi sách từ lâu vẫn luôn mang những giá trị to lớn và là món ăn tinh thần không thể thiếu của con người qua hàng trăm năm qua.
Những hội sách được mở ra thường xuyên luôn thu hút đông đảo độc giả là một dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đằng sau nó luôn có những câu hỏi. Rằng độc giả hiện nay quan tâm đến điều gì? Người trẻ, họ đọc và mong muốn đọc thứ gì? Và những cuốn sách mà những người trẻ đang đọc có thực sự có ích hay đang ảnh hưởng xấu đến tư duy của họ? Văn hóa đọc có đang thực sự được hồi sinh qua những hội sách được tổ chức tràn lan? Đó là những điều mà các nhà quản lý, những nhà văn hóa và các đơn vị tổ chức cần lưu tâm.
Haruka
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận