Hội thảo khoa học: “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”
(Sóng trẻ) - Sáng 22/6, hội thảo diễn ra nhằm nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thức sâu sắc vai trò của báo chí đối với vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện tốt chức năng cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hội thảo có sự góp mặt của Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị; giảng viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung chính: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò, tác động của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay; phân tích thực trạng báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay. Đồng thời, dự báo những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đối với việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội trong đấu tranh phòng chống tiêu cực ở nước ta, đặt trong điều kiện, bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước. Từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp và đưa ra các khuyến nghị nhằm phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian tới.
Mở đầu hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh phát biểu: “Trong nhiều năm qua, báo chí đã thể hiện vai trò đặc biệt trong điều tra, phát hiện phản ánh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, sửa đổi, tham mưu, đề xuất, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý, giám sát, đồng thời tuyên truyền, cổ vũ và huy động sức mạnh toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trải qua 98 năm phấn đấu xây dựng báo chí cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện theo đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng”.
PGS.TS Phạm Minh Sơn phát biểu tại hội thảo: “Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kết hợp với Hội nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học ‘Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay’. Đảng xác định phòng chống tham nhũng, tiêu cực là trụ cột của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và hệ thống chính trị. Đây là công việc khó khăn, đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân. Trong đó, báo chí và dư luận xã hội được xác định là những thành tố quan trọng trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.
PGS.TS Phạm Minh Sơn đề cập tới chức năng nhiệm vụ quyền hạn của báo chí trong Luật báo chí năm 2016, PGS.TS cho rằng những năm qua báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, phản ánh trung thực khách quan đời sống xã hội từ đó, góp phần phát hiện, tố giác, vạch trần nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Hội thảo nhận được trên 70 bài tham luận chất lượng của các lãnh đạo bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, cán bộ giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội nhà báo Việt Nam. Các bài tham luận tập trung làm rõ thực trạng báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.
Tại hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đóng góp bài tham luận “Phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay”.
Theo Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, báo chí phải có trách nhiệm đưa ra những thông tin định hướng dư luận xã hội; biết tôn trọng tính khách quan của sự việc, công việc và danh dự của những tổ chức, các cá nhân trong xã hội… không chạy theo dư luận xã hội, thông tin chưa kiểm định bất chấp luật pháp và đạo đức xã hội; cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, tham nhũng, tiêu cực là "giặc ở trong lòng", là "giặc nội xâm" cần chủ động đấu tranh không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày bài tham luận “Vai trò của truyền thông đại chúng trong việc giám sát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay”.
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng cho biết: “Truyền thông đại chúng luôn có một vai trò rất quan trọng trong việc giám sát đời sống xã hội nói chung, giám sát quyền lực Nhà nước nói riêng. Thực tế cho thấy, không một Đảng phái chính trị nào, Nhà nước nào trong quá trình vận hành hoạt động của mình lại không sử dụng truyền thông đại chúng như một công cụ thông tin và truyền bá tư tưởng cũng như điều hành, giám sát xã hội”.
“Tuy nhiên, truyền thông đại chúng không phải là công cụ của riêng một tổ chức, một cơ quan hay một cá nhân nào. Đó là công cụ của cả xã hội, công cụ của đại chúng. Và chính bởi là công cụ của đại chúng nên truyền thông đại chúng mang trong nó sức mạnh đặc biệt để thực hiện vai trò giám sát quyền lực Nhà nước”, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự trao đổi, đóng góp giữa các đại diện đến từ các cơ quan báo chí, đưa ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, những kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.
Kết quả của Hội thảo là cơ sở để cung cấp luận cứ khoa học quan trọng, hữu ích cho việc tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay, cũng như hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.