Hội thảo khoa học “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là nền an ninh mạng trọng nền an ninh quốc gia ở Việt Nam”
(Sóng trẻ) - Sáng 7/12, hội thảo khoa học “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia” diễn ra tại hội trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hội thảo nằm trong kế hoạch thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước thuộc “Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025” của Hội đồng Lý luận Trung ương, mã số KX.04/21-25, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì.
Hội thảo có sự tham dự của Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số; PGS.TS Bùi Thu Lâm - Học viện Kỹ thuật Mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; GS.TS Bùi Quảng Bạ - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công An; Thượng tá, TS Nguyễn Thị Hiên - Phó Trưởng Khoa LLCT & KHXHNV, Học viện An ninh Nhân dân; Đại úy, TS Nguyễn Đình Châu - Học viện An ninh nhân dân; TS Nguyễn Minh Tuấn - Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội,... cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các đoàn thể, viện nghiên cứu, học viện, trường đại học trên cả nước.
Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của PGS.TS Phạm Huy Kỳ - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng cán bộ giảng viên, sinh viên học viện.
Thông qua buổi hội thảo, các bài tham luận xác định những vấn đề thực tiễn về an ninh quốc gia, các khó khăn của lực lượng chuyên trách gặp phải trong quá trình giải quyết các vấn đề an ninh mạng, an ninh phi truyền thống trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới ngày càng phức tạp. Qua đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đề xuất những giải pháp đối phó với các vấn đề an ninh quốc gia. Kết quả nghiên cứu đề tài sẽ đóng góp thiết thực vào chuẩn bị luận cứ khoa học cho Văn kiện Đại hội 14 của Đảng.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu: “Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là không ít các nguy cơ, thách thức đe dọa đến an ninh quốc gia trên không gian mạng. Nguy cơ xâm phạm an ninh quốc gia qua tấn công mạng rất hiện hữu, như chiến lược “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng; hoạt động gián điệp mạng, các loại tội phạm công nghệ cao; nguy cơ chiến tranh mạng; tình trạng mất an ninh, an toàn thông tin mạng đe dọa tới an ninh quốc gia. Vì vậy, nghiên cứu về các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong mối liên hệ với an ninh quốc gia cần được coi là vấn đề chủ yếu, quan trọng nhất đòi hỏi phải được quan tâm đúng mức”.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng xuất hiện nhiều các vấn đề có tính toàn cầu như tội phạm xuyên biên giới, khủng bố mạng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,... Vì vậy, vấn đề an ninh mạng, an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên phức tạp. Việt Nam không nằm ngoài những vấn đề đó. Đối với những mối đe dọa này, Việt Nam nói riêng cũng như các nước trên thế giới nói chung không thể đơn phương giải quyết, mà cần có sự hợp tác, liên kết với nhau để giải quyết các vấn đề chung. Nhưng để giải quyết các vấn đề đó cần có sự hiểu biết thấu đáo dựa trên những luận cứ khoa học vững chắc và thuyết phục.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu chia sẻ tham luận của mình. Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số mở đầu với bài tham luận có chủ đề “An ninh mạng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tiếp cận từ góc độ an ninh phi truyền thống”.
Trong bài tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nêu nhận định: “Nền tảng công nghệ số quốc gia cần phải được quan tâm hơn rất nhiều, với sự vào cuộc không chỉ của các lực lượng chuyên trách mà còn là toàn thể công dân Việt Nam. Nền tảng công nghệ số quốc gia chưa vững chắc là mối đe dọa lớn tới an ninh mạng, một dạng của an ninh phi truyền thống”. Ông cũng đề xuất ban hành Luật quản trị khủng hoảng quốc gia. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của phát triển an ninh mạng trong chiến lược phát triển nền an ninh quốc gia.
Hội thảo nhận được 64 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau xoay quanh vấn đề an ninh quốc gia ở trong và ngoài học viện. Cùng với đó là những nhận xét, góp ý và đề xuất gợi mở nhiều vấn đề suy ngẫm và nghiên cứu.
Khép lại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trình bày tổng kết hội thảo. Bản tổng kết khẳng định tầm quan trọng của công tác an ninh phi truyền thống, đặc biệt là công tác an ninh mạng. Bên cạnh việc chỉ ra những thành tựu chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển, xây dựng lý luận và thực tiễn về an ninh mạng cũng như nền an ninh quốc gia, các bài tham luận cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như chưa xây dựng được học thuyết về an ninh quốc gia cho riêng mình, một số giải pháp tăng cường an ninh mạng chưa đi sâu vào thực tiễn,...