Home schooling - hình thức giáo dục thân thiệ
(Sóng Trẻ) - Ra đời từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX, ngày nay Homeschooling (HS – hình thức giáo dục tại gia) đang trở thành một trong những hình thức giáo dục khá phổ biến tại các nước phát triển. Điều gì đã khiến cho HS trở nên cuốn hút như vậy?
Sự cuốn hút của Homeschooling
Homeschooling (HS) là một hình thức giáo dục trẻ tại nhà do cha mẹ hay gia sư dạy theo một giáo trình được các nhà khoa học nghiên cứu và soạn sẵn theo độ tuổi. HS khác hoàn toàn với việc làm bài tập hay học thêm ở nhà.
Mặc dù đã xuất hiện từ lâu nhưng cho đến giờ, HS mới gây được sự chú ý và đang dần trở thành một xu hướng giáo dục hấp dẫn tại nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ, HS đã được pháp luật công nhận nhưng mỗi tiểu bang có quy định riêng về số ngày học và các quy định tổng quát mà gia đình phải đảm bảo dạy cho con em mình. Nhà biên soạn các giáo trình HS ở Mỹ - Sandra Bynum cho biết: “Cả những trường học thuộc những tiểu bang khắt khe nhất của nước Mỹ cũng buộc phải thừa nhận rằng trẻ em tiếp thu kiến thức tốt nhất khi chúng được học theo nhịp độ riêng của mình”. (Theo giáo trình “HomeSchool– Curriculum Ideas” được xuất bản tại Mỹ).
HS giúp cho cha mẹ có thể trực tiếp biết được khả năng của con
Điều khiến cho HS trở nên cuốn hút các bậc phụ huynh và cả những quốc gia “khó tính” nhất chính là ở cách truyền đạt kiến thức thông qua các trò chơi trong môi trường học tập gia đình thân thiện. HS đáp ứng được hai yếu tố quan trọng mà nền giáo dục chính quy ở trường lớp “vẫn chưa làm nổi” đó là: áp dụng phương thức học tập thân thiện kết hợp chia sẻ và tận dụng triệt để hiệu quả của việc đối thoại trong học tập. Hơn nữa, chi phí học tại nhà rẻ hơn từ hai đến ba lần và thời gian học được rút ngắn chỉ bằng 1/10 đến 1/5 so với học ở trường. Điều này sẽ giúp cho trẻ hứng thú và tự giác học tập hơn.
Tuy HS chưa thực sự thông dụng trên toàn thế giới nhưng đã có rất nhiều người sử dụng phương pháp học tập này và đã gặt hái được những thành công vang dội. Trong đó nổi bật nhất là nhà bác học Thomas Edison – cha đẻ của hơn 1000 phát minh. Cả cuộc đời của ông chỉ đến trường vẻn vẹn có ba tháng vì cô giáo cho rằng ông là học sinh “chậm phát triển”. Ông đã được mẹ (vốn là một giáo viên) mang về nhà dạy cho đến khi trưởng thành.
Homeschooling du nhập vào Việt Nam
Ở Việt Nam, một số phụ huynh đã lựa chọn HS cho con em mình. Phần đông, họ là những gia đình trẻ, năng động và có tư tưởng hiện đại.
Chị Vân Hồng (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái theo học HS, cho biết: “Trước đây, nhà mình từng sống tại Mỹ nên con đã quen với cách giáo dục bên đó. Khi về Việt Nam, con sẵn sàng chọn HS thay vì đến lớp ngồi khoanh tay khoanh chân, không được tự do và thỏa chí sáng tạo khi học”. Khác với bạn bè đồng trang lứa, con gái của chị Hồng được tham gia học múa ba lê, học tiếng Anh, học vẽ vào ban ngày. Còn buổi tối, cháu được bố mẹ dạy theo giáo trình mà mẹ đăng ký từ trường bên Mỹ gửi cho. Chị Hồng nói thêm: “Thực ra homeschooling không nhất thiết phải học theo đúng thời gian, số lượng buổi học hay “nhồi” đủ các loại kiến thức”.
Một số gia đình trẻ, năng động và có tư tưởng hiện đại đã chọn hình thức HS cho con em mình
Trên các diễn đàn như lamchame, webtretho…các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đến loại hình giáo dục mới lạ này. Một phụ huynh có nickname “Nature Kids” chia sẻ: “Nhà mình tập hợp một nhóm các cháu muốn theo học HS, thuê một giáo viên về hướng dẫn học. Các con tự học và thầy chỉ tổ chức bài giảng, giải đáp thắc mắc và tổ chức bài kiểm tra hết môn, sau đó thông báo lại cho trường phía Mỹ để họ chấm điểm và cấp chứng nhận hết môn cho từng môn học của con”. Phụ huynh khác với nickname “Bhkien” tâm sự: “Tôi vừa quyết định cho con học HS. Sau vài ngày theo học, con hứng thú với học tập hơn hẳn, thậm chí còn giục bố đi học đi. Điều này không có khi con tôi học ở trường. Nài giờ học, con tôi có thể chơi thoải mái với các bạn cùng xóm”.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra khá e ngại với HS bởi hiện tại, HS vẫn chưa được nền giáo dục của chúng ta chấp nhận. Bàn về phương pháp này, giáo sư Văn Như Cương cho rằng: “Đi học sẽ có chế độ học bạ, lên lớp, học ở nhà thì làm thế nào, muốn học tiếp thì làm sao? Làm thế nào gia đình có thể đảm bảo cho các môn học cũng như sân chơi cho trẻ? Quan trọng hơn, trẻ em học ở nhà sẽ rất thiệt thòi vì không được giao tiếp, hòa nhập và tham gia sinh hoạt tập thể như các bạn. Như vậy, trẻ sẽ khó thích nghi với xã hội hơn…”.
Có phụ huynh cho rằng HS chỉ phù hợp với các em “chậm phát triển” và trẻ “tự kỷ”. Đồng thời, việc soạn giáo án phải mang tính cá nhân, tức là chỉ phù hợp với chính năng lực của em đó thôi.
“Mỗi phương pháp học tập đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Các bậc phụ huynh nên lựa chọn cho con em mình phương pháp học tập phù hợp với khả năng và điều kiện của gia đình. Điều quan trọng nhất chính là ở kết quả học tập của trẻ và những điều mà trẻ đã tiếp thu được” – Giáo sư Văn Như Cương chia sẻ thêm.
Thanh Hà, Hồng Anh, Ngọc Ninh, Cấn Hằng, Mỹ Hạnh
Báo mạng điện tử K28