Hồng Gia Thanh “lỡ hẹn” rằm Trung thu
(Sóng trẻ) - Địa phương được xem là “vựa hồng” của tỉnh Phú Thọ đang tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến giá của loại quả xưa kia được dành để tiến Vua giảm mạnh.
Mùa quả không trọn vẹn
Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch, bà con ở xã Gia Thanh (Phù Ninh) lại nhộn nhịp bước vào vụ thu hoạch hồng. Khác với cảnh tấp nập người, xe đến tìm mua hồng như các năm trước, vụ mùa năm nay không được như kỳ vọng vì hồng mất mùa, giá bán lại giảm mạnh.
Cũng như hàng trăm hộ dân trồng hồng tại xã Gia Thanh, nỗi buồn “thất bát” thể hiện rõ trên khuôn mặt của cô Giang Thị Khuyên, trú ở khu 1. “Sản lượng hồng năm nay giảm đáng kể, thậm chí có những cây năm ngoái thu hoạch được từ 1 - 2 tạ quả thì nay chỉ được tối đa 1 yến”.
Cô Khuyên cho biết thêm, nếu như giá bán năm ngoái cho các lái buôn từ 40.000 – 50.000 đồng/kg thì năm nay loại quả đẹp, đã được chọn lọc cũng chỉ có giá 30.000 đồng/kg. Hơn nữa, các hộ trồng hồng còn phải chịu phí vận chuyển từ 300.000 – 500.000 đồng tùy vào cân nặng và địa điểm nhận hàng.
“Mười năm buôn hồng, chưa bao giờ hồng nhà tôi lại “treo” trên cành chờ chín rụng như năm nay. Thời điểm mọi năm, các thương lái từ khắp nơi đổ về tận vườn mua hoặc đặt hàng trước nhưng nay năm lác đác chỉ có vài người”, cô Khuyên tâm sự.
Theo một nữ thương lái thu mua hồng Gia Thanh cho hay, hồng ở đây được trồng trên vùng đất đồi nên dại nắng, khi ăn giòn, vị ngọn đậm. Tuy nhiên, so với mọi năm thì năm nay hầu hết các vườn hồng ở Gia Thanh quả không to đều, năng suất cũng giảm. Phần lớn khách hàng bây giờ không chuộng quả này lắm vì không để được lâu, thị trường chủ yếu là các cửa hàng bán lẻ trong tỉnh do Phú Thọ đã siết chặt việc quản lý người ra, vào địa phương.
Ông Hán Xuân Đang - Bí thư xã Gia Thanh cho biết, toàn xã hiện có khoảng 70 ha diện tích hồng Gia Thanh, trong đó gần 50 ha đang cho thu hoạch, trồng đều các khu, trong đó tập trung nhiều nhất tại khu 1, khu 2.
Mỗi hộ ít có 50 cây, hộ nhiều có từ 70 đến hơn 100 cây, thậm chí có hộ tới hơn 200 cây. Dù là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, được nhiều người biết đến, tuy nhiên hồng năm nay mất mùa. Nếu như năm trước, sản lượng toàn xã ước đạt gần 450 tấn hồng thì nay chỉ khoảng hơn 250 tấn, giảm 44,4%.
Video phỏng vấn
Đâu là nguyên nhân?
Theo các cơ quan chức năng tại xã Gia Thanh, có 4 nguyên nhân khiến đặc hồng Gia Thanh rớt giá, mất mùa.
Đầu tiên, thị trường bị thu hẹp do tác động của dịch Covid-19 khiến các tiểu thương, hay du khách về thăm đền Hùng bị hạn chế, không còn tìm đến xã để thu mua hồng. Đặc biệt “chợ hồng” tại khu vực Phú Lộc - một đầu mối quan trọng đưa hồng đi khắp miền Bắc - cũng kém sôi động hẳn so với mọi năm.
Bên cạnh đó, ngoài nguyên nhân về thời tiết, nắng mưa thất thường thì 2020 là năm nhuận có hai tháng 4 nên Tết Trung thu bị đẩy lùi lại, vì thế cây phải vắt kiệt sức nuôi quả trong thời gian dài khiến năm nay cây không đủ sức sinh trưởng, năng suất thấp.
Mặt khác, hồng có đặc điểm chín đồng loạt nếu không kịp bảo quản, chế biến sẽ rất mau hỏng và thương lái dễ dàng ép giá người trồng. Trong khi các hộ dân tại xã không có kho đông lạnh cũng như không biết cách bảo quản được sản phẩm được lâu. Hơn nữa, Phú Thọ chưa có nhà máy chế biến hồng khô số lượng lớn mà chỉ có các cơ sở nhỏ lẻ.
Đặc biệt, do quả hồng thương hiệu Gia Thanh đã từng bị trà trộn, “giả danh” khiến người tiêu dùng e ngại. “Để tránh gây thiệt hại cho người trồng hồng Gia Thành, đồng thời bảo vệ thương hiệu thứ quả đặc sản này, xã đã hoàn thành chứng nhận an toàn cho sản phẩm và tem nhãn riêng, phân biệt hồng ở Gia Thanh với những nơi khác, mỗi hộ sẽ có mã vạch riêng để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Đang nói.
Tìm lối ra để tiêu thụ
Để khắc phục tình trạng “ứ đọng” hàng, hiện nay xã Gia Thanh đang hoàn thiện mô hình đạt tiêu chuẩn để đưa hồng vào các siêu thị theo Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP)” nhằm đảm bảo đầu ra cho người dân.
Bên cạnh đó, tăng cường kết nối với các kênh tiêu thụ nông sản, các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn xã, huyện, tỉnh, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử trong tỉnh.
Đặc biệt, chủ động thực hiện việc đăng ký và sử dụng thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên trên các “luồng xanh” để lưu thông, tiêu thụ hồng trước tình trạng chín rộ.
Mặt khác, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tạo điều kiện cho phép thương lái được test nhanh Covid-19 để tham gia quá trình mua bán, giúp nhà vườn thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo cuộc sống.
Hồng Gia Thanh là giống hồng ngâm không hạt quả to, hình thức đẹp, có 4 cạnh hình vuông, quả dài, nếu cắt ngang có hình ngôi sao màu vàng. Giống hồng cho năng suất cao, khi ăn giòn, vị ngọt đậm. Xưa kia, loại quả này được đem cung tiến các vua Hùng và ngày nay đã trở thành món quả đặc sản nổi tiếng khắp miền Bắc, có mặt trong mâm ngũ quả Tết Trung thu của nhiều gia đình. |