Khi phóng viên trẻ chọn dấn thân để trưởng thành cùng nghề
(Sóng trẻ) - Trong dòng chảy không ngừng của báo chí hiện đại, phóng viên Dương Đình Trường chọn dấn thân vào mảng điều tra, bền bỉ theo đuổi những đề tài gai góc để khẳng định bản lĩnh của người làm báo.
Là một trong những gương mặt tiêu biểu của khóa 35 Khoa Phát thanh - Truyền hình (nay là Viện Báo chí - Truyền thông), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phóng viên Dương Đình Trường đã sớm khẳng định dấu ấn cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từng đảm nhận vai trò Phó Ban Biên tập Trang tin điện tử Sóng trẻ, anh Trường không chỉ nổi bật với loạt bài điều tra sắc sảo, chạm đến nhiều vấn đề gai góc của xã hội mà còn luôn giữ lòng nhiệt huyết, trách nhiệm và tận tâm với nghề. Hiện nay, anh Trường đang công tác tại Báo Lao động, tiếp tục theo đuổi, phát huy thế mạnh của mình ở mảng điều tra, phản ánh.
Phóng viên (PV): Chào anh, xin cảm ơn anh đã nhận lời tham gia cuộc trò chuyện cùng Trang tin điện tử Sóng Trẻ. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi rất vinh dự khi được lắng nghe những chia sẻ về câu chuyện làm nghề từ anh.
Dù là một phóng viên trẻ nhưng anh đã có cho mình những thành tích làm nghề ấn tượng. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với báo chí, đặc biệt là thể loại phản ánh - phóng sự điều tra?
Anh Dương Đình Trường: Tôi nghĩ mình là người khá may mắn. Từ năm ba đại học, tôi đã có cơ duyên được tham gia vào một nhóm nghiệp vụ gồm các anh chị phóng viên, nhà báo dày dặn kinh nghiệm. Tuổi trẻ của tôi không có gì ngoài sự nhiệt huyết và tinh thần xông xáo. Tôi chủ động học hỏi, tích cực tham gia các đề tài mà anh chị giao cho để từng bước trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.
Tôi may mắn được một nhà báo điều tra giỏi của Báo Lao Động trực tiếp hướng dẫn, tạo điều kiện để tôi tham gia một số đề tài điều tra nhập vai, phản ánh. Thú thực, đến thời điểm này, tôi vẫn chưa dám nhận mình là một nhà báo điều tra. Những giải thưởng tôi từng đạt được, tôi luôn nghĩ phần nhiều đến từ sự ưu ái, sự ghi nhận của bạn đọc và cái duyên khi được đồng hành cùng những đề tài lớn.

PV: Anh thường lựa chọn những đề tài gai góc, phản ánh hiện thực xã hội buộc bản thân phải thâm nhập vào môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy khi trải qua những thử thách đó, chuyến tác nghiệp hay đề tài nào để lại nhiều kỷ niệm trong anh nhất?
Anh Dương Đình Trường: Với tôi, kỷ niệm nhớ nhất là lần tác nghiệp để thu thập bằng chứng cho tuyến bài chùa Ba Vàng. Khi việc tìm ra những bằng chứng về sự uy hiếp đối với nhiều Phật tử tại “căn phòng cuối” tưởng như đã đi vào ngõ cụt, nhóm phóng viên chúng tôi đã quyết định thử sức thêm 1 lần nữa.
Tôi cùng phóng viên Trần Tuấn tiếp tục đóng vai người vào thỉnh vong. Sau khoảng 10 phút từ căn phòng cuối bước ra, tôi vẫn còn run vì không biết thiết bị quay lén đã ghi lại được gì. Lúc đó, xung quanh tôi là cả trăm Phật tử vẫn đang chờ đợi để đợi được vào thỉnh vong, phán số kiếp và “đòi tiền”. Chúng tôi phải chạy lên một quả đồi sau chùa, bật máy tính để kiểm tra file và rồi reo lên sung sướng vì tác nghiệp thành công. Những hình ảnh thu được chính là bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi, phơi bày toàn bộ màn kịch được dàn dựng nhằm truyền bá mê tín và vong báo oán tại chùa Ba Vàng.
PV: Khi đối mặt với những đề tài khó tiếp cận hoặc mang tính nhạy cảm như trên, anh đã xây dựng kế hoạch tác nghiệp cụ thể và chuẩn bị một tâm lý như thế nào?
Anh Dương Đình Trường: Tôi nghĩ rằng, trước khi thực hiện bất kỳ đề tài nào, mỗi phóng viên đều phải xây dựng cho mình một kịch bản tác nghiệp cụ thể, tính toán kỹ các phương án có thể xảy ra. Với những đề tài nhạy cảm, khó tiếp cận, sự chuẩn bị càng cần kỹ lưỡng hơn, vừa để tránh lãng phí đề tài, vừa đảm bảo công sức đầu tư không bị bỏ phí mà vẫn đạt hiệu quả.
PV: Trong suốt hành trình làm báo đầy thử thách, đã có bao giờ anh cảm thấy chùn bước, thậm chí muốn dừng lại vì những khó khăn?
Anh Dương Đình Trường: Trong quá trình tác nghiệp, tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ rất lớn từ lãnh đạo cơ quan, các anh chị đồng nghiệp giàu kinh nghiệm và cả những bạn đọc luôn dõi theo, đồng hành. Tất cả những điều đó trở thành nguồn động lực lớn, giúp tôi cảm thấy yêu nghề hơn mỗi khi mệt mỏi. Tôi vẫn luôn ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân để mỗi sản phẩm báo chí gửi đến công chúng đều là một giá trị xứng đáng, một sự phụng sự chân thành dành cho độc giả.

PV: Trong quá trình làm nghề, người trẻ đôi khi sẽ đối mặt với không ít thử thách, thậm chí là những cám dỗ. Với anh, làm thế nào để giữ được sự kiên định với kim chỉ nam "mắt sáng - lòng trong - bút sắc" giữa muôn vàn áp lực?
Anh Dương Đình Trường: Tôi cho rằng, người làm báo luôn mang trên vai nghĩa vụ và trách nhiệm đem đến cho bạn đọc những sản phẩm thông tin chất lượng, chính xác và đáng tin cậy nhất. Vì vậy, sự trung thực, lòng thấu cảm và trắc ẩn với những số phận, cùng với việc phản ánh đúng bản chất vấn đề, đóng góp tích cực cho xã hội, là những giá trị cốt lõi giúp người làm báo duy trì bản lĩnh và kiên định trong sự nghiệp của mình.
PV: Trong bối cảnh thông tin “siêu tốc” hiện nay, nhiều trường hợp thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Anh quan niệm thế nào về đạo đức và trách nhiệm xã hội cần có ở một người làm báo trẻ?
Anh Dương Đình Trường: Tôi cũng là một người làm báo trẻ, và tôi cho rằng điều quan trọng nhất khi bước vào nghề là phải giữ cho mình một thái độ rõ ràng, nhất quán trong từng đề tài, từng câu chuyện. Sự rõ ràng ấy không chỉ giúp nhà báo có chính kiến trong quá trình tác nghiệp, mà còn là nền tảng để bảo vệ giá trị của sự thật - điều cốt lõi của nghề làm báo. Tôi tin rằng, ở mỗi cây bút, xã hội cần đến sự khách quan, một trái tim đủ trắc ẩn để lắng nghe, thấu cảm, và trên hết là một tinh thần hướng đến sự phát triển chung. Đó cũng là cách tôi tìm thấy ý nghĩa trong công việc mình đang làm mỗi ngày.
PV: Với những kinh nghiệm, tôn chỉ và mục đích làm nghề của mình, anh có lời khuyên nào dành cho các nhà báo tương lai, những sinh viên hoặc phóng viên trẻ đang bắt đầu hành trình làm báo?
Anh Dương Đình Trường: Tôi nghĩ rằng người trẻ luôn có một lợi thế rất lớn, đó là sự nhiệt huyết - một ngọn lửa mà nếu được giữ vững sẽ trở thành nguồn năng lượng mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, áp lực và thử thách trong nghề báo. Khi còn trẻ, chúng ta không nên ngại va chạm, ngại việc khó, ngại phải đi nhiều, viết nhiều hay học hỏi từ những trải nghiệm đôi khi rất khắc nghiệt. Chính trong những hoàn cảnh đó, người làm báo mới thực sự trưởng thành, rút kinh nghiệm và qua đó, hoàn thiện bản thân từng ngày.
Tuy nhiên, chỉ có nhiệt huyết thôi thì chưa đủ. Người trẻ cần song hành với việc trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, từ viết, phỏng vấn, xử lý tình huống thực địa đến cả các kỹ năng công nghệ, phân tích dữ liệu. Hoàn thiện kỹ năng tác nghiệp sẽ là chìa khóa để các bạn không chỉ theo đuổi đam mê, mà còn tạo ra giá trị thực sự trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Bởi cuối cùng, ở bất cứ cơ quan báo chí nào, điều quan trọng nhất vẫn là: ai có thể làm được việc và làm tốt!
Cảm ơn anh Dương Đình Trường đã tham gia cuộc trò chuyện. Chúc anh ngày càng đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp và có nhiều tác phẩm chất lượng tới bạn đọc!