Làm thế nào để dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả cao?
(Sóng trẻ) - Học trực tuyến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát là giải pháp Bộ Giáo dục và các trường Đại học tại Việt Nam áp dụng nhằm đảm bảo tiến độ học tập bình thường cho sinh viên. Có thể nói, đây là lần đầu tiên hình thức học tập này được áp dụng một cách phổ biến và có tính bắt buộc. Vì vậy, học sinh cũng như các giáo viên còn gặp phải nhiều khó khăn. Vậy phải làm như thế nào để việc dạy và học trực tuyến đạt được hiệu quả cao nhất?
Phương pháp học thông minh của sinh viên
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, hầu hết các trường Đại học đều giảng dạy bằng hình thức online trong học kỳ 2 năm học 2019 – 2020. Mặc dù là lần đầu tiên làm quen với hình thức học tập này, nhưng nhiều bạn sinh viên đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, tự rút ra những kinh nghiệm cho bản thân để đạt được kết quả tốt nhất.
Bạn Trần Thị Thuý Vân, sinh viên khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết đã quen dần với phương thức học này. Theo Thúy Vân, nếu có phương pháp học cụ thể thì học trực tuyến cũng không quá khó khăn để người học có thể đạt được kết quả học tập tốt: “Sau nhiều tháng học online, mình thấy rằng để có thể học tập hiệu quả trước hết phải đảm bảo không gian học riêng tư, yên tĩnh để tập trung nghe giảng và ghi nhớ. Tiếp theo trong quá trình học nếu có thắc mắc về bài giảng thì phải hỏi giáo viên ngay lúc đó và phải luôn tập trung ghi chép lại các ý chính của bài. Ngoài ra, các bạn nên tránh xa các yếu tố gây mất tập trung như điện thoại di động và nên xem lại bài và làm thêm các bài tập để ghi nhớ kiến thức lâu hơn”.
Đối với bạn Đinh Thị Ánh, sinh viên trường Đại học Công Đoàn thì điều cần nhất mỗi người học trực tuyến phải có được để việc học đạt được kết quả đó là sự tự giác và quyết tâm cao độ: “Để việc học online được hiệu quả thì ngay từ đầu chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân phải tự giác, chủ động trong việc học. Học tập trung ở trường thì ít nhiều sinh viên sẽ bị kiểm soát về cách học cũng như những quy tắc của mỗi giảng viên. Tuy nhiên khi học online, được tự do, không cần theo nội quy, khuôn khổ nào, điều đó dễ khiến cho người học dễ bị lười hay bị mất tập trung.”
“Theo mình, quan trọng nhất là phải chú ý nghe giảng từ đầu đến cuối tiết học. Slide trình chiếu chỉ giúp đỡ một phần chứ không thể thay thế bài giảng trực tiếp của thầy cô. Ngoài ra, chúng ta có thể ghi hình bài giảng của thầy cô để nghe lại trong thời gian rảnh, giúp tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất”. Đây là lời khuyên của bạn Nguyễn Phan Thảo Uyên, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội để việc học trực tuyến được dễ dàng và đạt hiệu quả cao.
Là sinh viên Việt Nam đang du học tại Đại học Quốc gia Maxcova, Liên Bang Nga, bạn Kim Chung hào hứng nói về những kinh nghiệm mà bản thân bạn đã rút ra được trong thời gian được tiếp cận hình thức học này: “Trước khi bước vào tiết học thì các bạn nên kiểm tra một số vấn đề về công nghệ, ví dụ như: mạng, thiết bị kết nối mạng và đăng nhập ứng dụng trước khi học đồng thời hãy nghiên cứu trước tài liệu trước khi bước vào tiết học.
Thời gian học online thường sẽ bị rút ngắn so với thời gian học tập trung trên lớp, giáo viên sẽ không thể giảng hết toàn bộ những khối lượng kiến thức như ban đầu mà chỉ giải đáp những thắc mắc của sinh viên cho nên mình cần đọc kỹ tài liệu từ trước để biết giảng viên đang nói về vấn đề nào.
Chúng ta đang tham gia hình thức dạy học trực tuyến, vì vậy nên ghi chú bằng các ứng dụng có sẵn trên các thiết bị máy tính hay điện thoại như Google Note, Google Doc, Evernote, Notepad,… Như thế sẽ tiện lợi hơn việc mình ghi chú bằng tay rất nhiều”.
“Cần có sự thống nhất giữa người dạy và học.”
Dạy và học online mặc dù đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu nhưng phải đến khi dịch bệnh bùng phát mới trở nên phổ biến. Điều này đòi hỏi các giảng viên, các chuyên gia giáo dục phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp để truyền tải kiến thức một cách hiệu quả nhất đến với học sinh, sinh viên.
Cô Nguyễn Thị Thu - giảng viên của Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện đang thực hiện việc giảng dạy trực tuyến các lớp học trên hệ thống Microsoft Team chia sẻ để có một buổi học online hiệu quả thì phải có sự cố gắng từ cả người dạy và người học: “Giảng viên phải thiết kế bài giảng phù hợp với tính chất dạy học online, rút ngắn thuyết trình, tăng cường hoạt động tương tác để thu hút sinh viên vào bài giảng. Tôi luôn cố gắng thiết kế những hoạt động tương tác giữa người dạy và người học, có thể là những câu vấn đáp ngắn, khảo sát nhanh, bài tập nhóm trong thời gian ngắn hoặc trò chơi online... Đó là những hình thức thu hút, giúp sinh viên đỡ bị buồn ngủ hơn.
Ngoài ra các giảng viên cần có biện pháp, bài tập để kiểm tra, kích thích việc tự học của sinh viên. Đối với sinh viên thì phải có ý thức kỷ luật, đặc biệt là khi học tại nhà đã có những thuận lợi, thoải mái về ăn mặc, không gian, tư thế ngồi… nhưng lại khiến dễ mất tập trung. Đồng thời hoàn thành bài tập giảng viên giao và tự đọc thêm tư liệu theo hướng dẫn của giảng viên”.
Thầy Trần Anh Đức, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 hiện đang phụ trách việc biên tập sách giáo dục đại học cho giảng viên, sinh viên của Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn cũng có những chia sẻ: “Để việc học trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất, cả người dạy và người học đều phải hiểu tính cần thiết của việc dạy học trực tuyến, cũng như những đặc thù của việc học trực tuyến là như thế nào.
Cụ thể, môi trường chúng ta thực hiện giáo dục đã chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp thông qua mạng internet, hình thức tương tác cũng có sự thay đổi. Khi người dạy, người học không nắm bắt được sâu sắc đặc thù giảng dạy trên môi trường trực tuyến sẽ khiến cho cả 2 bên không hiểu được nhau, chất lượng của việc học trực tuyến cũng chắc chắn giảm sút.
Bên cạnh việc người dạy và người học hiểu được sâu sắc đặc thù của việc giảng dạy trực tuyến thì cả 2 bên phải thiết lập kỷ luật, nguyên tắc trong dạy học trực tuyến, có thể là vào lớp đúng giờ, duy trì sự chú ý, đảm bảo tương tác của người học… Đó là cơ sở để đảm bảo việc dạy và học trực tuyến sẽ đạt được hiệu quả cao”.
Nhìn chung, mỗi người học sẽ có cách thức, lộ trình học không giống nhau. Học trực tuyến còn nhiều rào cản về mặt công nghệ truy cập, kết nối cũng như tính kỷ luật của người tham gia lớp học. Vì vậy, đâu đó vẫn tồn tại những khó khăn cho giáo viên khi truyền tải tri thức cho người học trên môi trường mạng.
BBT Sóng Trẻ kính mời độc giả cùng tham gia ý kiến về vấn đề tăng hiệu quả dạy và học trực tuyến hiện nay. Quý độc giả có thể tương tác bằng hình thức bình luận dưới đây!