Làng gốm Bát Tràng: Tre già ắt có măng non!
(Sóng Trẻ) - Người trẻ thường có rất nhiều mơ ước. Khi được hỏi về nghề nghiệp muốn theo đuổi trong tương lai, nhiều bạn mong trở thành bác sĩ, giáo viên, cảnh sát, luật sư hay ca sĩ, diễn viên… Thế nhưng tại một vùng đất đặc biệt, vẫn với câu hỏi tương tự, câu trả lời lại là: “Sau này, em muốn làm gốm”.
Câu chuyện của những người trẻ
Những gười trẻ được nhắc đến chính là những người con của làng nghề sản xuất gốm lâu đời, nổi tiếng cả nước - làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trong lịch sử, những loại gốm quý và độc đáo của nước ta, nổi tiếng cả trong và nài nước như gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần - đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê - thời Nguyễn) đều đã được sản xuất ở Bát Tràng. Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp.
Xưởng sản xuất gốm tại Bát Tràng
Làng gốm nằm ở tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông – nam. Theo các thư tịch cổ, nghề gốm Bát Tràng xuất hiện từ thế kỷ XV dưới thời Trần, tới nay đã tồn tại khoảng hơn 500 năm. Trên đường tham quan làng gốm tôi gặp những em thiếu niên rất hoạt bát, tuy nhiên có lẽ còn quá sớm để đặt một câu hỏi về “con đường tương lai” mà các em sẽ đi. Đáp lại chỉ là những nụ cười thẹn thùng, trong sáng. Các em sẽ có nhiều lựa chọn cũng như có nhiều thời gian để nuôi dưỡng tình yêu với làng Gốm, như sông Hồng ngày đêm bồi lấp phù sa vậy.
Bạn trẻ đầu tiên tôi tiếp xúc là Tuấn. Em năm nay 17 tuổi nhưng đã nghỉ học. Trong lúc tay đang thoăn thoắt giúp khách “lấy tâm” ở dịch vụ “vuốt, nặn, vẽ” của Sân chơi gốm “Linh”, em nói tương lai sẽ theo học và làm nghề truyền thống của làng. Ban đầu, em làm quen bằng việc hướng dẫn cho khách du lịch các bước tạo nên một sản phẩm đơn giản từ đất sét. Dưới bàn tay khéo léo của mình, chỉ cần vài động tác xoay, kéo nhẹ nhàng Tuấn đã tạo nên các đồ vật nhỏ xinh như: chiếc vò, lọ hoa, bình hồ lô hay ống để bút,…Em tiết lộ mới chỉ học “vuốt gốm” hơn nửa tháng nay và để trở thành một người làm gốm thực thụ thì phải trải qua quá trình rèn giũa lâu dài với nhiều khó khăn, gian khổ phía trước.
Một em nhỏ tại Bát Tràng
Trong câu chuyện bên quán giải khát đầu làng, tôi may mắn được tiếp xúc với một phụ nữ trung tuổi thân thiện, dễ mến. Cô vui vẻ giới thiệu về Bát Tràng, về lễ hội hàng năm của làng và không quên mời tôi ghé lại trong những ngày hội. Cô cũng cho biết có rất nhiều con em trong làng đã đỗ đạt và đi học Đại học, Cao đẳng ở các ngành nghề khác nhau. Thế nhưng, không hiếm trường hợp các bạn học xong lại quay về làm kinh tế với nghề truyền thống. Cô tự hào khẳng định: Nghề gốm của làng sẽ không bao giờ bị mai một, người đi trước truyền dạy lại cho người đi sau; người đi sau phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống. Tre già ắt có măng non.
Tình yêu với "nghề bàn xoay"
Để tạo nên một lịch sử đáng tự hào như vậy biết bao thế hệ của làng nghề đã nối tiếp nhau dày công vun đắp cho kỹ thuật sản xuất gốm thủ công. Những bí kíp được “cha truyền con nối” từ đời này qua đời khác chứ rất ít khi truyền dạy ra bên nài. Theo thời gian, lớp nghệ nhân cũ sẽ già đi và cần có những người kế cận nhưng trước hấp dẫn của các công việc trong xã hội hiện đại liệu các bạn trẻ Bát Tràng có tiếp giữ, phát huy truyền thống làng nghề?
Quay trở lại tâm sự của Tuấn, em trả lời một cách ngượng nghịu rằng em chọn làm gốm bởi vì “quanh quẩn ở nhà thì làm thôi”. Đó là cách lựa chọn của không ít bạn trẻ trong làng. Các bạn không đi tới cùng đường học tập nên chỉ còn cách bám trụ với nghề gốm, với làng Bát Tràng. Sự chọn lựa đó không xuất phát từ định hướng của người lớn và cũng chưa rõ ràng là từ tình yêu và đam mê với “nghề bàn xoay”.
Tôi tin cái tình sâu nặng với làng nghề truyền thống đã khiến nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng quay trở lại phụ giúp, thậm chí là làm chủ xưởng sản xuất gốm. Nhưng theo người phụ nữ trung niên nọ, cũng có những bạn do không tìm được công việc thích hợp hay công việc không đảm bảo về kinh tế nên đã quay về nối nghiệp cha ông. Âu cũng là một lẽ mừng vì nghề gốm Bát Tràng vẫn có thể mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người dân.
Gian hàng kinh doanh sản phẩm gốm sứ của một gia đình tại chợ
Miệng cười tươi rói, Tuần cẩn trọng trao cho tôi thành phẩm “ống đựng bút” xinh xắn. Khuôn mặt em vẫn còn vương nét hồn nhiên, vô tư nhưng mai đây, em và thế hệ của em sẽ chính là những người góp phần vào công việc quan trọng mà các em chưa ngờ tới “giữ hồn làng Gốm, giữ hồn dân tộc” sáng toả mãi…
Nguyễn Hồng Ngọc
Quảng cáo K31