Mái trường xưa trong ký ức của du học sinh
(Sóng trẻ) - Mỗi người sẽ chẳng thể nào quên được thời học sinh của mình. Với Hoàng Vũ - du học sinh Thụy Sĩ, những ký ức đẹp đẽ đó sẽ sống mãi và luôn hiện hữu trong hành trình trưởng thành.
20/11 luôn là dịp để các thế hệ học sinh, sinh viên bày tỏ những dòng cảm xúc suy nghĩ của bản thân về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), P.V đã có cuộc trao đổi với Đỗ Hoàng Vũ - cựu du học sinh Thuỵ Sĩ về thời còn học tập tại Trường THPT Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Mái trường xưa – một miền ký ức
Tại sao bạn lại quyết định lựa chọn Trường THPT Xuân Đỉnh là nơi học tập, rèn luyện?
Hoàng Vũ: Trường THPT Xuân Đỉnh – ngôi trường tôi đã theo học được thành lập vào tháng 8 năm 1960, trải qua hơn 60 năm thành lập và phát triển. Đây là một trong những ngôi trường đầu tiên đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2003. Bên cạnh đó, trường được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba,… Có thể nói, Trường THPT Xuân Đỉnh có chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất tốt nhất trong khu vực tôi sinh ra và lớn lên.
Lần đầu tiên khoác trên mình chiếc áo đồng phục, lúc ấy bạn có cảm nghĩ gì?
Hoàng Vũ: Năm 2017, tôi là một cậu bé tuổi 15 đang chập chững bước tới ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Hạnh phúc khi khoác trên mình chiếc áo trắng mà không thể ngờ rằng, chiếc áo đó như một trang giấy, đã sẵn sàng cho tôi viết nên những điều kỳ diệu mới mẻ ở ngôi trường cấp 3 này. Bên cạnh đó, chính bản thân tôi cũng rất bồi hồi và háo hức.
Trong những năm tháng ấy, điều gì làm bạn nhớ nhất?
Hoàng Vũ: Quãng thời gian 3 năm cấp 3 tôi chẳng thể nào quên. Nhớ nhất những bài giảng tâm huyết từ thầy cô và tiếng cười giòn tan khi nô đùa cùng chúng bạn, đó là tháng ngày mộng mơ đẹp nhất của tuổi học sinh,… Có lẽ trong hành trình trưởng thành của mỗi người đều có ít nhất một lần mong ước được quay trở lại.
Ngày cuối cùng được ngồi trên ghế của nhà trường, cảm xúc của Hoàng Vũ như thế nào?
Hoàng Vũ: Có câu thơ khiến tôi nhớ mãi: “Mẹ cha công đức sinh thành. Ra trường thầy dạy học hành cho hay”. Nét phấn trên bảng đã dẫn lối cho tôi cùng các thế hệ học sinh tới một tương lai rạng rỡ, rộng mở. Lời chỉ dạy của thầy cô soi sáng con đường sau này tôi bước tới. Kiến thức và sự tâm huyết với nghề giáo như những ngọn gió, đưa cánh diều ước mơ của thế hệ trẻ bay cao, bay xa tới những miền đất mới lạ của cuộc đời. Tôi luôn khắc ghi công lao dạy dỗ của thầy cô, đó là hành trang giúp bản thân tiến xa hơn trong tương lai.
Tuy vậy, những chú chim non rồi sẽ phải khôn lớn, khi đã đủ cứng cáp cũng phải vỗ cánh bay đi. Khoảnh khắc tạm biệt mái trường thật khó tả! Tôi háo hức vì được tự do theo đuổi đam mê và khát vọng của bản thân, nhưng cũng thật bồi hồi, xúc động vì phải xa mái trường, có lẽ rất lâu mới có cơ hội quay trở về nơi đây.
Uống nước nhớ nguồn – tôn sư trọng đạo
Khi đã tốt nghiệp THPT và bắt đầu du học ở Thuỵ Sĩ, điều gì làm động lực để bạn cố gắng và phấn đấu hàng ngày?
Hoàng Vũ: Sau khi hoàn thành chương trình THPT, tôi quyết định đến với một đất nước cách Việt Nam 16 giờ tính theo đường chim bay. Cuộc sống du học sinh mọi thứ thật thú vị và mới mẻ. Đặc biệt, tôi được lĩnh hội kiến thức, tiếp xúc với nền văn hoá độc đáo của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, tất cả điều đó cũng chẳng thể ngăn được nỗi nhớ quê nhà cùng mái trường yêu dấu năm xưa.
Với tôi, hạnh phúc nhất khi bản thân đã lớn khôn, trưởng thành sau quãng thời gian rời xa quê hương và được quay trở lại mái trường xưa vào đúng dịp 20/11. Giờ đây tôi có thể tự hào với bản thân rằng: “Tôi đã làm được, đã thành công!”
Tuy vậy, những chú chim non rồi sẽ phải khôn lớn, khi đã đủ cứng cáp cũng phải vỗ cánh bay đi. Khoảnh khắc tạm biệt mái trường thật khó tả! Tôi háo hức vì được tự do theo đuổi đam mê và khát vọng của bản thân, nhưng cũng thật bồi hồi, xúc động vì phải xa mái trường, có lẽ rất lâu mới có cơ hội quay trở về nơi đây.
Khi về lại ngôi trường cũ mà mình theo học, cảm xúc lúc ấy của Hoàng Vũ như thế nào?
Hoàng Vũ: Ngày trở về, tôi gặp lại vài người bạn cũ, cùng ôn lại kỷ niệm dưới mái trường cấp 3. Nhìn các em học sinh, trong lòng tôi nhớ về chính bản thân ngày xưa với bao ngây thơ trong sáng. Cảm giác bồi hồi xao xuyến chỉ xuất hiện vào những khoảnh khắc như vậy, điều đó càng làm bản thân thêm yêu mến ngôi trường này.
Về lại nơi ấy, cảnh vật vẫn vậy, những hàng cây đa với tán lá xanh phủ lấp cả một khoảng trời cùng góc hành lang nơi ánh nắng trải vàng,…. còn thầy cô tóc đã bạc thêm một chút, nhưng những đôi tay cầm phấn vẫn vững vàng, tràn đầy nhiệt huyết. Thời gian chẳng thể nào làm lung lay được đôi tay đang chèo lái những con đò tri thức, đưa từng thế hệ học sinh tới bến đỗ đầu tiên của cuộc đời.
Hoàng Vũ có cảm nghĩ như thế nào vào một ngày đặc biệt dành cho nghề giáo như hôm nay?
Hoàng Vũ: Cảm ơn những người thầy, người cô đáng kính đã trao truyền tri thức để làm hành trang cho tôi cùng các thế hệ học sinh sẵn sàng bước ra đời, trở thành một công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Nếu không có thầy cô dạy dỗ tôi năm ấy, sẽ chẳng có Hoàng Vũ ngày hôm nay.
Cảm ơn những người giáo viên đã luôn nhiệt huyết với nghề, vững vàng tay lái đưa hàng trăm thế hệ học sinh đi tới tương lai tươi đẹp và không ngần ngại gian khổ để dạy bảo các thế hệ học sinh nên người. Nếu như thiếu công lao to lớn của thầy cô, chúng ta sẽ thật khó có thể thành công trong cuộc sống.
Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.