Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương

(Sóng trẻ) - Chiều ngày 15/5, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương chính thức được thành lập tại Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân (Thanh Oai, Hà Nội) nhằm nghiên cứu và làm sáng rõ hơn các vấn đề về huyền sử trước thời Hùng Vương.

anh-1.jpg
Các đại biểu tham dự sự kiện. (Ảnh: Mạnh Tiến)

Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương được thành lập trên cơ sở phối hợp của nhiều tổ chức văn hoá như Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Hội Nam y Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương, Công ty Cổ phần Câu lạc bộ Laicity,... Tại lễ ra mắt, GS - TS. Hoàng Chí Bảo được Hội đồng khoa học nhất trí mời làm Giám đốc Trung tâm. 

Phát biểu tại buổi lễ, GS - TS. Hoàng Chí Bảo chia sẻ: “Trong ký ức thiêng liêng của lịch sử, trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, mỗi chúng ta đều khắc ghi lời Bác: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Việc tôn vinh, truyền bá lịch sử và văn hóa cội nguồn của dân tộc trong đời sống đương đại là quan trọng và rất đỗi ý nghĩa, góp phần khẳng định giá trị tâm linh Việt, văn hóa Việt, đạo đức Việt trong bối cảnh hội nhập toàn diện với thế giới”.

anh-2.jpg
Giám đốc Trung tâm Hoàng Chí Bảo hy vọng sự chung tay, góp sức của cộng đồng để các hoạt động của Trung tâm trong tương lai phát triển thành công. (Ảnh: Mạnh Tiến) 

Buổi lễ có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về lịch sử, khảo cổ, Việt Nam học, trong đó bao gồm: PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Phó Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); PGS.TS Bùi Văn Liêm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Nhà báo Phạm Đức Lượng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Chương trình Dấu ấn Việt Nam, Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. 

Nhắc đến lịch sử Việt Nam, ta thường nghĩ ngay đến thời đại Hùng Vương oai hùng với những chiến công vang dội. Thế nhưng, sâu trong màn sương mù huyền sử, ẩn chứa một quãng thời gian dài hun hút, trải dài hơn 1000 năm, từ thời Hương Vân Cái Bồ Tát, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân đến Hùng Vương, vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được hé mở.

Khác với thời đại sau Hùng Vương có nhiều bằng chứng khảo cổ và thư tịch lưu truyền, giai đoạn tiền sử này chìm trong im lặng, khiến việc nghiên cứu trở nên vô cùng khó khăn. Những hiện vật, di chỉ còn sót lại còn rất ít ỏi, manh mún, và thường bị thất lạc do biến cố thời gian. Việc thiếu đi những bằng chứng xác thực khiến cho các nhà khoa học gặp nhiều trở ngại trong việc xác định niên đại chính xác, cũng như tái hiện bức tranh lịch sử một cách đầy đủ.

Chính vì vậy, sự nghiệp khôi phục văn hoá sử nói chung cần sự hợp lực của toàn xã hội, từng bước thực hiện nhiều nội dung văn hóa theo phương thức xã hội hóa một cách chiến lược và lâu dài, nhằm khơi dậy niềm tin và niềm tự hào về truyền thống của tổ tiên. Trên cơ sở đó, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cội nguồn và Tôn vinh Hùng Vương được thành lập với sự tham gia của nhiều chuyên gia lịch sử, văn hóa, chung tay xây dựng một hệ thống tri thức về văn hoá cội nguồn dân tộc từ thời Hùng Vương. 

Tại sự kiện này, các đại diện của Trung tâm đã trao tặng lá cờ Hùng Vương cho đồng bào và chiến sĩ quần đảo Trường Sa và huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa tinh thần to lớn mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc của mỗi người dân Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay cao trên những mảnh đất thiêng liêng ngoài đảo xa của Tổ quốc là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và niềm tự hào dân tộc, minh chứng cho sự nối dài của dòng chảy văn hoá - lịch sử tổ tiên tới mọi miền tổ quốc. 

anh-3.jpg
Các đại biểu ký tên lên lá cờ tặng cho quân và dân trên huyện đảo Trường Sa và Côn Đảo. (Ảnh: Mạnh Tiến)
anh-5.jpg
TS. Tô Hoài Nam thay mặt nhận những món quà từ Đảng ủy xã Bình Minh, trao tặng cho quân dân quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Mạnh Tiến)

Tại lễ ra mắt, GS - TS. Hoàng Chí Bảo nhắc lại lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh về ý nghĩa của tinh hoa văn hoá dân tộc được kết tinh từ hàng nghìn năm, khẳng định sự thành lập của Trung tâm chính là quá trình thực hiện di ngôn của Người. Nhân dịp Trung tâm ra mắt, Giám đốc trung tâm Hoàng Chí Bảo khẳng định sẽ làm tốt vai trò nghiên cứu, quảng bá, truyền thông, góp phần đưa tình yêu đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.  

anh-6.jpg
Các đại biểu tiến hành nghi lễ ra mắt. (Ảnh: Mạnh Tiến)

Về công tác truyền thông, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng Cáo Việt Nam nhấn mạnh giá trị thương hiệu của các tổ chức, cá nhân gắn liền với yếu tố quốc tổ. Để làm được điều này, ông lưu ý các hoạt động của Trung tâm chú trọng xây dựng những thông tin có chiều sâu nghiên cứu, đưa những ý tưởng nghiên cứu thành đa dạng các hình thức thể hiện, giúp lan tỏa đông đảo quần chúng trong và ngoài nước. 

Trong 2 năm đầu, Trung tâm dự kiến thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, các hội thảo chia sẻ kiến thức, tiến hành các nghiên cứu để hình thành quần thể văn hóa cội nguồn ở nhiều địa phương trong cả nước, dự kiến điểm đầu tiên là huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0, việc nghiên cứu những tư liệu cổ, những di vật, hiện vật để làm rõ hơn về giai đoạn Hùng Vương, từng bước xây dựng kế hoạch phục hồi, tu bổ những di tích, thánh tích, là công việc hết sức có ý nghĩa, góp phần khẳng định lịch sử huy hoàng của dân tộc, tôn vinh văn hoá vật thể, phi vật thể có giá trị từ thuở bình minh của dân tộc đến hiện tại và tương lai. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN