"Mồng 3 tết thầy" - Nét đẹp văn hóa của người Việt

(Sóng trẻ) - Trong không khí tết về rộn ràng, những người con đất Việt không chỉ tấp nập giành thời gian mua sắm, lo toan một cái tết sung túc mà còn dành riêng một ngày để lễ thầy, để nhớ về công ơn dạy dỗ của thầy cô như một nét đẹp trong đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

Tết thầy là gì?

Ba ngày tết này là thiêng liêng nhất trong tâm tưởng truyền thống của người Việt và nguồn tình cảm mà người ta hướng đến trong dịp này là người cha, người mẹ và người thầy. Nếu như công dưỡng dục thuộc về cha mẹ thì công lao dạy dỗ thành người hiểu biết, thành người có nghề nghiệp để sau này sinh sống và định vị cuộc đời mình thì đó là người thầy. Người thầy luôn song hành với những bậc sinh thành trong gia đình người Việt, như người lái đò, đưa hết thế hệ này đến hết thế hệ khác đi qua dòng sông tri thức . 

Với tinh thần tôn sư trọng đạo, người Việt quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”– để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ. Cùng với ngày 20/11, mồng ba tết Âm lịch hàng năm là ngày được chọn để tôn vinh người thầy. Cứ mỗi dịp tết đến, sau những nghi lễ thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ mình trong hai ngày mùng một, mùng hai tết thì tiếp đến, ngày mùng ba tết là ngày mà những người học trò xưa, dù lớn dù bé đều dành cho việc đi “tết thầy”.

Ông cha ta có câu "Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy". Nói như vậy không phải hàm ý xếp người thầy đứng thứ 3, kém quan trọng hơn cha mẹ mà chỉ là lời nhắc nhở con dân đất Việt, trong dịp lễ tết xum vầy thì đừng quên ơn người thầy. Câu nói dân gian trên cũng không ngụ ý bắt buộc người ta phải đi tết thầy vào đúng mùng ba. Với quan điểm hiện đại, hầu hết mọi người đều cho rằng đi tết thầy vào ngày nào trong dịp tết cũng được, miễn sao nó thể hiện được tình cảm giữa thầy và trò.

Đi tết thầy không chỉ là cách bày tỏ tình cảm mến mộ, lòng biết ơn của học trò dành cho thầy, cô giáo mà còn là dịp để thầy trò, bạn bè cũ gặp mặt, hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Đó không chỉ là niềm vui đối với người thầy khi được học trò nhớ đến mà còn là niềm hạnh phúc đối với trò khi được gặp lại thầy cũ, bạn cũ.

86c4b2084_1.jpg

Tôn vinh những “người lái đò” của non sông

Phong tục “Mồng 3 tết thầy” là một trong những nét đẹp truyền thống đáng trân trọng. Trong tâm thức người Việt, dù trong hoàn cảnh nào thì nhớ về thầy trong những ngày vui của tết là điều không bao giờ mất đi. Tết thầy cốt ở tấm lòng, đi tết thầy, người ta có thể đơn giản chỉ dùng đến những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại đầy tôn kính hay đến thăm thầy, chúc tết thầy với một tình cảm trìu mến... chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để làm nên một cái tết thầy đầy ấm áp, yêu thương.

Tết thầy và những biến tướng đáng buồn

“Tết thầy” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta đã ăn sâu vào ý thức, tiềm thức từ học trò đến cha mẹ của học trò… Ngày nay, nếp sống, con người, cả thầy và trò cũng có khác đi nhưng có một điều không khác là tình thầy trò hầu như vẫn được giữ nguyên nét thuần phong mỹ tục. Tuy vậy “tết thầy” ngày nay có lúc, có nơi đang dần bị thương mại hóa dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thay vì những món quà nho nhỏ mà ý nghĩa, đầy ắp tình thầy trò thì nay, mỗi mùa tết thầy về, nhà nhà, người người lại lo nớp nớp chuyện sắm quà các để đi thầy, đi cô. Người ta cứ nghĩ, thời buổi kinh tế, một cuốn sổ, một cây bút tầm thường thì đâu phải là quà. Không ít người quan niệm, quà càng đắt tiền càng thể hiện được thiện ý của người tặng quà. Họ vô tình đồng nhất giữa giá trị vật chất và tinh thần của món quà, và đồng nhất luôn cả ý muốn của người tặng quà với sở thích của người nhận quà.  

Hãy nghĩ về tết thầy đơn giản là một dịp để tri ân, khắc ghi công ơn đối với những người đã có công giáo dục chúng ta nên người. Những món quà vật chất hay sự khuôn phép, bó buộc đều là những rào cản, ngăn chặn những cảm xúc biết ơn, chân thực của chính chúng ta. 

Trong không khí tết rộn ràng, tất bật, hỡi những người học trò, xin đừng quên, chúng ta vẫn còn một ngày tết thầy vô cùng ý nghĩa, nhân văn!

Thùy Linh

Báo mạng điện tử K31

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN