Đi thực tế và những lần đầu tiê
(Sóng Trẻ) - “Trong quá trình tác nghiệp báo chí, có rất nhiều cách tiếp cận một vấn đề, cũng giống như việc chúng ta tìm đường đến một địa điểm nào đó, có rất nhiều con đường dẫn ta đến nơi đó, quan trọng là chúng ta biết lựa chọn con đường nào ngắn nhất, hiệu quả nhất".
Từ những lo lắng, bỡ ngỡ...
Buổi học ngày thứ 6 cách đây hai tuần, cô Phương Lan – giảng viên môn Nhập môn Báo in đã đưa ra yêu cầu bài tập cho lớp Truyền hình K31-A2 chúng tôi. Cô yêu cầu mỗi nhóm sẽ liên hệ, lựa chọn một tòa soạn báo in để đi thực tế và lớp sẽ được nghỉ hai tuần để làm bài tập này. Đây là môn học đầu tiên chúng tôi được đi thực tế.
Ban đầu cả nhóm cũng băn khoăn, hoang mang lắm, không biết sẽ lựa chọn tờ báo nào đây. Nhưng cũng thật may mắn vì có một bạn trong nhóm có thể liên hệ được với toàn soạn Báo Nhân Dân. Lần đầu tiên đi thực tế, được đến một tòa soạn báo lớn như vậy, quả là vinh dự cho chúng tôi. Với những sinh viên báo chí, mỗi chuyến đi thực tế như vậy sẽ tạo cho chúng tôi những hành trang vững vàng cho tương lai, giúp chúng tôi trưởng thành hơn về suy nghĩ, tư duy để có thể theo đuổi nghiệp báo đầy vinh quang nhưng cũng lắm chông gai này.
Không biết các bạn khác thế nào, nhưng với bản thân tôi đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến một tòa soạn báo. Những lo lắng, hồi hộp, bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng khi đến tòa soạn, sự tiếp đón nhiệt tình và những chia sẻ chân thành về nghề của các cô, chú, anh, chị phóng viên – nhà báo đã xóa tan những lo lắng, bỡ ngỡ trong tôi.
Cả nhóm chụp ảnh kỷ niệm trong khuôn viên tòa soạn Báo Nhân Dân
Đến những lần đầu tiên...
Lần đầu tiên tôi được hỏi nhiều như thế!
Là sinh viên truyền hình, tôi cũng đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn rồi, các cuộc phỏng vấn đó với phạm vi rất nhỏ, hơn nữa người được phỏng vấn cũng trả lời khá khiêm tốn, thậm chí có rất nhiều người từ chối trả lời.
Nhưng với chuyến đi thực tế lần này, tôi có thể hỏi về rất nhiều điều và các cô, chú, anh, chị trong toàn soạn luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của tôi. Từ những thông tin về Báo Nhân Dân như lịch sử hình thành, cơ cấu tòa soạn, các phòng ban… đến những thông tin về báo chí nói chung, và đặc biệt là những kinh nghiệm làm báo.
Lần đầu tiên tôi được nghe nhiều chia sẻ về nghề báo đến thế!
Mỗi phóng viên, mỗi nhà báo lại chia sẻ với chúng tôi những quan điểm, những suy nghĩ về nghề báo khác nhau. Mỗi chia sẻ là một mảng màu, tất cả tạo nên một bức tranh đầy màu sắc về nghề báo. Nhìn vào bức tranh ấy, mỗi chúng tôi đều tự nhủ phải cố gắng thật nhiều, rèn luyện thật tốt để sau này cũng có thể là một phần của bức tranh báo chí ấy.
Những chia sẻ của anh Lê Thắng (Ban Thư ký biên tập Báo Nhân Dân) là những điều tôi thấy tâm đắc nhất: “Trong quá trình tác nghiệp báo chí, có rất nhiều cách tiếp cận một vấn đề, cũng giống như việc chúng ta tìm đường đến một địa điểm nào đó, có rất nhiều con đường dẫn ta đến nơi đó, quan trọng là chúng ta biết lựa chọn con đường nào ngắn nhất, hiệu quả nhất.”
Cái hay, cái giỏi của mỗi người làm báo chính là ở chỗ tìm được hướng tiếp cận vấn đề một cách sâu sắc nhất, đem lại hiệu quả thông tin cao nhất. Để làm được như vậy, mỗi phóng viên, nhà báo phải trang bị cho mình vốn kiến thức phong phú, đa dạng về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, luôn có cái nhìn khách quan nhất, nhân văn nhất với mọi vấn đề đang diễn ra xung quanh chúng ta.
Lần đầu tiên tôi nhận được nhiều lời khuyên về nghề báo đến thế!
Với những sinh viên báo chí, việc rèn nghề từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường là điều vô cùng cần thiết. “Các em cứ viết thật nhiều vào, ban đầu có thể còn nhiều lỗi sai từ cách dùng từ, đặt câu đến việc khai thác, diễn đạt vấn đề, nhưng cứ viết nhiều thì dần dần những lỗi sai ấy sẽ ít dần đi" – đó là lời khuyên của nhà báo Nguyễn Tiến Cường (Phó trưởng Ban Văn hóa văn nghệ - Báo Nhân Dân)
Trong các phòng ban chúng tôi đến lấy thông tin, tư liệu, để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất đó là nhà báo Phương Quyên, hiện là Trưởng Ban Quản lý phóng viên thường trú – Báo Nhân Dân. Đó là một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, là người có vốn tri thức phong phú. Nhà báo Phương Quyên đã dành cho chúng tôi những lời khuyên, những chia sẻ rất chân thành về việc phụ nữ làm báo sẽ vất vả như thế nào, sẽ phải hy sinh nhiều như thế nào. Để theo được nghề này, quan trọng nhất vẫn là sự đam mê, phải thật sự đam mê nó, yêu nó thì ta mới có thể thành công.
Cả nhóm chụp ảnh kỷ niệm với nhà báo Phương Quyên (Trưởng Ban Quản lý phóng viên thường trú – Báo Nhân Dân)
Những kinh nghiệm, bài học rút ra từ chuyến đi thực tế lần đầu tiên này chắc chắc sẽ rất có ích đối với những sinh viên báo chí chúng tôi. Những lời chia sẻ, lời khuyên của các phóng viên, nhà báo sẽ là những hành trang quan trọng để chúng tôi tự tin hơn với con đường mà mình đã chọn, cố gắng rèn luyện, trau dồi thêm để có thể trở thành một nhà báo giỏi, một nhà báo có tâm huyết với nghề trong tương lai.
Nguyễn Lan Chi
Lớp Truyền hình K31-A2
Cùng chuyên mục
Bình luận