Mua sắm trực tuyến: “Ván cược” niềm tin
(Sóng trẻ) - Bùng nổ sàn thương mại điện tử cùng các phiên bán hàng giúp người tiêu dùng dễ dàng trong việc lựa chọn sản phẩm. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy, không ít rủi ro khi niềm tin của người tiêu dùng trở thành mục tiêu của những chiêu trò quảng cáo gian dối.
Hiện nay, mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng sở hữu một sản phẩm mong muốn ngay tại nhà. Tuy nhiên, sau những “cú chạm”, không ít người tiêu dùng phải đối mặt với những rủi ro khó lường.

AccessTrade Việt Nam cho biết bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên livestream bán hàng với sự tham gia của hơn 50 nghìn tài khoản. Trong đó, người tiêu dùng Việt đã dành ra khoảng 13 giờ/tuần để xem các phiên bán hàng trực tuyến trên các sản thương mại điện tử. Theo thông tin NielsenIQ Việt Nam công bố, khoảng 50% người tiêu dùng cho biết, quyết định lựa chọn sản phẩm của họ bị ảnh hưởng bởi các KOL và KOC.
Là người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chị Vũ Thùy Dương (21 tuổi, Hà Nội), chia sẻ: "Tôi thường xuyên xem các phiên bán hàng có sự tham gia của người nổi tiếng. Sản phẩm nào có nhiều nhận xét tốt thì tôi sẽ tin tưởng lựa chọn hơn".

Bên cạnh những trải nghiệm mua hàng tốt trên các sàn thương mại điện tử, không ít người rơi vào "bẫy mua sắm trực tuyến", khiến niềm tin bị giảm sút. Những ngày gần đây, câu chuyện người nổi tiếng lên tiếng xin lỗi khi quảng cáo 'quá lố' sản phẩm trở lại thành tiêu điểm nóng.
Cụ thể, từ cuối tháng 11/2024, sản phẩm kẹo rau củ Kera bắt đầu xuất hiện trong các phiên bán hàng của TikToker Hằng Du Mục. Trong các buổi livestream, Vlogger Quang Linh và Hoa hậu Thùy Tiên cũng tham gia quảng bá sản phẩm này. Sau khi sự việc ngày càng căng thẳng, Tiktoker Hằng Du Mục, Vlogger Quang Linh đã lên tiếng thừa nhận quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về sản phẩm và đưa ra lời xin lỗi đến người tiêu dùng.
Ngày 20/03, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hoá, Thể Thao, Du lịch) vừa ban hành quyết định xử phạt 70 triệu đồng đối với mỗi cá nhân trên do đã có hành vi quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, cả hai buộc phải cải chính thông tin về hành vi vi phạm. Theo đó, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị xử phạt bởi là chủ phiên bán hàng, Hoa Hậu Thuỳ Tiên bị nhắc nhở chú ý tuân thủ quy định về quảng cáo và không bị xử phạt vì là khách mời.
Nhiều nhà sáng tạo nội dung và người nổi tiếng khác như Chuyện nhà Linh Bí, Nghệ sĩ Cát Tường, NSND Hồng Vân... cũng đã từng phải "cáo lỗi" khán giả vì quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm. Trong đó, Hoa hậu Mai Phương Thúy từng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt vi phạm hành chính do “thổi phồng” sản phẩm có chức năng “giảm mỡ nhanh chóng” ở video quảng cáo.

Thực tế, không ít người tiêu dùng rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Sản phẩm được "minh hoạ" một đằng nhưng khi nhận hàng lại khác hoàn toàn.
Chia sẻ về một lần mua sắm không như mong đợi, chị Vũ Kim Ngân (19 tuổi, Hà Nội) ngậm ngùi: "Mình từng đặt mua một chiếc đồng hồ trên sàn thương mại điện tử. Đợi khoảng một tuần mới nhận được hàng nhưng khi vừa mở hộp, dây đồng hồ đã bị đứt. Cảm giác khá thất vọng!”. Do công việc bận rộn và không muốn mất thêm thời gian xử lý khiếu nại, chị Ngân quyết định không khiếu nại mà coi đây là bài học kinh nghiệm khi mua sắm trực tuyến.

Theo thông tin thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, khoảng 42% người tiêu dùng Việt Nam mua phải các sản phẩm quảng cáo kém chất lượng. Khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc mua phải hàng kém chất lượng trên không gian mạng cũng rất nhiều.
Thường xuyên mua hàng trên sàn thương mại điện tử, chị Ngọc Hân (20 tuổi, Hải Phòng) cho biết: “Tôi nghĩ việc quảng cáo sai sản phẩm không chỉ ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng mà còn khiến tôi dè chừng, hoài nghi hơn về các sản phẩm khác. Đặc biệt, tôi sẽ phải tìm hiểu thật kỹ về sản phẩm trước khi mua”.
Trước sự đa dạng của các sản phẩm tiêu dùng, việc kinh doanh trên các sàn thương mại ngày càng thêm sôi động. Người tiêu dùng ngày nay cần trở nên thông thái hơn, cẩn trọng hơn khi mua sắm trực tuyến, tránh rơi vào cảnh "nhẹ dạ cả tin". Chỉ khi trang bị đầy đủ kiến thức và tỉnh táo trước những chiêu trò quảng cáo, người tiêu dùng mới có thể bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Theo điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, tội quảng cáo gian dối được quy định như sau: 1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |