Mưu sinh trong mùa nước lũ miền Tây
Hết 6 tháng đồng cạn, người nông dân Đồng Tháp như ông Tư, bà Năm... lại bước vào mùa lũ về. Họ thu vén nhà cửa, chuyển ra ở trên thuyền hoặc dựng lán ngoài đồng rồi ngày ngày đánh bắt cá sông, lênh đênh sống trên con nước.
- Trời ông Tư, tối qua ông kêu đau mà giờ vẫn đi mần cá ấy à?
- Bây ơi, nước nó lên được mấy bữa, không mần đi lấy gì mà ăn.
- Tư ơi, con nói Tư nghe, mình có tuổi rồi mình mần tới đâu được thì mần, chứ Tư đau Tư bệnh, bữa nay thì gió bắc quá trời, Tư cứ vậy rồi trúng gió thì sao?
Ông Tư đối đáp vài câu với chị Điểm đang đứng gần đó rồi chỉ cười khà khà cầm dây thừng kéo chiếc thuyền gỗ lại bờ. Người phụ nữ này làm nghề thu mua cá. Mùa lũ lên, gia đình chị chuyển vào cánh đồng ở, dựng chòi để ở. Cá ông Tư đánh bắt được thường được chị nhập luôn. Nhà Điểm luôn luôn sáng đèn vì công việc diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Gió lớn, sóng nước vỗ mạn ì oạp. Lúc này là 4h sáng, trời còn mịt mù tối đen, không thấy được mênh mông trước mặt là một vùng sông nước rộng rãi. Chỉ còn nghe âm thanh bìm bịp, ếch nhái kêu ran và trông lên đầy sao sáng lấp lánh với vầng trăng khuyết đầu tháng sáng ửng trên trời.
Điều lạ là khi miền Bắc, miền Trung vào mùa mưa bão, lũ lụt tàn phá mùa màng, của cải và đe dọa tính mạng người dân thì ở miền Tây nước về không ào ào như nơi khác. Lũ dâng từ từ, đầy ắp những con sông rồi tràn qua bờ, ra cánh đồng. Dù đều là lũ lụt, nhưng người miền Tây không coi đó là thiên tai. Với họ, lũ về là điều đáng mừng, bởi đó mới là lúc cá nhiều. Vào mùa nước nổi, người miền Tây bận rộn hối hả nhất. Đó là thời điểm thay đổi phương thức canh tác và mưu sinh, khai thác những nguồn lợi dồi dào mà nước lũ mang lại.
Huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là khu vực giáp ranh biên giới Việt Nam - Campuchia, phân cách nhau bởi sông Sở Thượng (Preak Kaoh Sampŏu). Thượng nguồn của Sở Thượng là sông Preak Banam - một phân lưu của sông Mekong (Tiền Giang), nhận nước của Mekong từ thị trấn Peam Ro rồi cuối cùng lại đổ vào Mekong tại Hồng Ngự. Bờ bắc sông Sở Thượng là xã Kaoh Sampov của huyện Peam Chor, tỉnh Prey Veng. Bờ nam sông là các xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm, sau khi gặt hái xong vụ lúa chiêm, người dân Hồng Ngự, Đồng Tháp không cày ải lại đất để chuẩn bị gieo trồng thêm vụ mới ngay. Họ để cánh đồng trơ ra vậy, chờ nước về. Với những người nông dân chân lấm tay bùn, một năm chỉ chia làm hai mùa rõ rệt, mùa đồng cạn người ta trồng lúa, làm nông và mùa lũ về bà con đi đánh bắt cá. Lũ về ngay trên cánh đồng lúa, nước ngập tới ngang bắp chân, họ đem dớn ra đặt. Nước lên đến bụng, cá tôm bắt đầu về nhiều, rồi nước cứ thế lên dần lên quá đầu người, ngang ngọn cây. Nước mênh mông khắp lối, không còn thấy đâu là bờ ruộng, đường đi. Giữa con lũ lớn, thuyền bè ngược xuôi mưu sinh trên cánh đồng cả ngày lẫn đêm.
Nơi ông Tư Tấn cùng xóm giềng sinh sống nằm ngay sông Sở Thượng (Hồng Ngự, Đồng Tháp). Kể từ ngày con gái út của ông lâm bệnh hiểm nghèo phải chạy chữa từng bữa để đi viện, ông Tư bán đất, bán ruộng. Với người tóc đã điểm nhiều sợi bạc, giờ không còn mùa đi đồng chăm sóc lúa. Vào mùa cấy ông ở nhà nhặt nhạnh làm vài công việc tay chân, kiếm đồng ra đồng vào. Phải chờ tới khi lũ về, ông mới neo con thuyền nhỏ ra cánh đồng rồi ngày ngày đi bắt cá.
Bà con thường bắt cá ban ngày thì đêm về nghỉ và ngược lại. Duy chỉ có ông Tư chẳng thấy lúc nào ngơi việc, đi thả dớn cả ngày lẫn đêm. Có ai thuê vá lưới, mổ cá... ông cũng nhận làm hết.
Ngày ông Tư còn trẻ, có lần vì nổ mìn, bàn tay trái của ông bị mất quá nửa, chỉ còn lại chỏng chơ 2 ngón. Mảnh kim loại khi ấy văng vào mắt ông dẫn đến bị mù mắt bên phải. Một đôi bàn tay không lành lặn và đôi mắt chỉ còn thấy một bên nhưng ngày nào ông Tư cùng hì hụp trong làn nước lũ. Chiếc máy phát trên xuồng được ông chế thêm một dây ống thở. Mỗi lần xuống nước ông Tư cẩn thận quấn ống thở quanh mình, ngậm một đầu vào miệng rồi lao mình xuống con nước.
Ở cái độ tuổi đã xế chiều, ông Tư vẫn là lao động chính trong gia đình. Có ngày ông đánh bắt được nhiều, cá tôm đầy giỏ, thương lái vào tận nơi để cân cá tươi ngon rồi trả cho ông vài trăm nghìn làm thành quả. Cũng có ngày đói hơn, trong thùng chỉ lèo tèo vài kg cá nhỏ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày bình thường hay như ngày trở trời làm cho khớp vai, khớp chân đau nhức, người ta vẫn thấy ông Tư hì hụi trên cánh đồng. Tiền một ngày bán buôn, cầm chưa được nóng tay ông đã gửi lên để vợ lo viện phí, thuốc thang cho con gái.
"Tư không biết chữ, cũng chẳng thạo nghề gì ngoài đánh bắt. Không tranh thủ kiếm tiền còn gửi cho bà Tư ở viện chăm con út thì ít nữa nước cạn, hết lũ, gia đình sống bằng cái gì được", ông Tư cười khà khà nói.
Chuyện buồn cũng như chuyện vui, ông Tư chỉ kể với một giọng đều đều nhất định. Hôm nào con gái út bệnh trở nặng, ông cũng chỉ buột miệng than "Tư buồn lắm!". Tuyệt không ai trong cái xóm nhỏ thấy ông khóc. Hoặc vì ông không để cho người ta trông thấy. Ông Tư có than khổ thì cũng là than đời ông khổ, còn cái việc dãi dầu mưa nắng trên cánh đồng thì với ông lại không khó nhọc gì. "Đi làm là mình được, lũ về là trời thương mà cho có cái ăn cái mặc. Hà cớ gì lại khổ?", ông Tư nói.
Khoảng từ tháng 7 hàng năm, nước sông dâng cao, mang nước về cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là mùa người dân miền Tây bắt đầu công cuộc mưu sinh trên những cánh đồng lũ. Nhiều ngôi nhà thời gian này được đóng cửa, cài then nằm im lìm khi chủ nhân của chúng chuyển hẳn vào khu vực đánh bắt để sinh sống. Họ thường cất dựng những chòi nhỏ ven đê hoặc sống tạm trên những con thuyền đánh bắt neo đậu trên sông hoặc ở cánh đồng.
Vợ chồng ông Năm Dum cứ vào thời gian này hàng năm lại gói ghém đồ đạc ra sông ở. Gia đình không có ruộng cấy lúa, khi mua khô, ông bà ở nhà trông cháu cho con trai, con dâu đi làm. Đến mùa nước nổi, công ty của chị cũng ít việc, bà Năm kêu con dâu ở nhà trông đám trẻ để ông bà ra đồng kiếm cá. Ông Năm chạy xuồng máy mang chiếc ghe đậu dưới gốc cây me tây. Chiếc thuyền chật hẹp trở thành nơi ăn uống, ngủ nghỉ của ông bà trong thời gian này. Ngày ngày, ông Năm cùng vợ chèo thuyền ra cánh đồng thả dớn, bắt cá, đem cân bán cho thương lái, tất bật sớm tối trên cánh đồng, thỉnh thoảng vài ngày một lần mới tạt qua nhà thăm nom con cháu.
Vào mùa nước nổi miền Tây, năm nào nước lớn ngư dân ở vùng đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đánh bắt được rất nhiều loại cá đồng, cá sông. Trong đó loài cá chạch lấu sông được xem là một trong những loài cá đặc sản hiếm. Nó được ví như là nhân sâm nước bởi giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Loại cá này được thu mua với giá 120.000 đến 150.000 đồng/kg.
Năm lũ về lớn thì bất cứ thời điểm nào lưới cá cũng căng tràn, chỉ cần nước lên cao và trời không mưa gió. Đánh bắt cá kỵ nhất khi trời chuyển mưa giông, nước động. Khi ấy cá không đi kiếm ăn mà thường lặn dưới đáy, khó đánh bắt. Vậy nên cứ hễ có mưa, cánh đồng lũ sẽ tự dưng thưa vắng thuyền bè. Ngày nào nắng lớn, cá nhiều thì tấp nập trên mặt nước.
Nước lũ về, mang cho người dân miền Tây vô cùng nhiều sản vật. Người ta không lo lũ về lớn, chỉ sợ năm nào nước cạn, mấp mé bờ ruộng thì năm đó mới phải chịu đói. Người Hồng Ngự kể, mỗi đầu mùa, thương lái săn đón nhất là cá linh non - món đặc sản trời phú cho miền nước lũ. Cá linh được mùa bán với giá vài nghìn đồng một kg nhưng số lượng rất lớn. Mỗi lần ra đồng mỗi thuyền có ít cũng thu về vài chục thậm chí hàng trăm kg cá. Khi cá linh lớn, người ta dùng ngâm mắm hoặc mua về làm thức ăn cho các loại cá nuôi. Tầm này là độ giữa mùa nước, khi ấy cá linh hết được chuộng, người ta bắt đầu săn lùng cá chạch, cá an vinh... rồi đến cuối mùa là cua, tép, tôm... và các loại cá lớn.
Gần 1.200 hộ dân trong ấp Bình Họa Hạ nơi ông Năm, ông Tư sinh sống thì có đến 50% người dân theo kinh tế nông nghiệp, sống bám trụ vào mùa nước lũ. Ông Năm kể, nếu đánh bắt làm nông được xem là cái nghề thì phải coi đây là cái nghề cha truyền con nối bao đời của người dân vùng đất đầu nguồn Hồng Ngự. Ngày ông lên 5, lên 6 đã biết ngụp lặn trong làn nước đỏ au mỗi mùa lũ về. Bé tí tuổi, ông đã biết nhìn mặt con cá để gọi tên. Lớn lên một chút, ông theo cha mẹ ra cánh đồng mưu sinh mùa nước rồi học đan lưới, thả dớn... như bao đứa trẻ khác trong vùng.
Chỉ có điều cái món nghề ấy đến thời ông thì không truyền lại cho con cháu được nữa. Con cá, con nước chỉ giữ được người già không ruộng không đất, không giữ nổi chân đám thanh niên trong xóm.
"Giờ đám trẻ chọn đi làm công ty là nhiều. Việc ít, lương cũng thấp nhưng bảo chúng nó ra cánh đồng kiếm ăn như bố mẹ chẳng đứa nào làm được. Trên cánh đồng này giờ chỉ có người già là cố bám lại", ông Năm nói.