Nét mặt không cho biết chính xác cảm xúc
(Sóng trẻ) - Liệu bạn có thể "bắt mạch" được cảm xúc của người đối diện chỉ bằng cách nhìn vào khuôn mặt họ?
Điều này có lẽ là đúng. Trong cuộc sống thường ngày, bạn vẫn hay "đọc" được cảm nhận của người khác dù chỉ với cái nhìn thoáng qua . Hàng trăm nghiên cứu khoa học đã cho rằng, "vẻ mặt" là một loại "đèn hiệu xúc cảm", giúp truyền tải một cách đầy đủ và rõ ràng nhất mọi cung bậc hỉ nộ ái ố của con người.
Hiện nay, ngày càng nhiều những công ty như Apple, thậm chí là các cơ quan chính phủ như Cục Quản lý An ninh Vận tải (TSA) Mỹ đều đang căn cứ vào "dấu hiệu" dễ nhận thấy này để phát triển phần mềm giúp xác định tâm trạng người tiêu dùng hoặc tạo ra nhiều chương trình nhằm thăm dò mục đích của khách hàng. Tương tự như trong công tác điều trị tâm thần, những người mắc chứng tự kỷ hay tâm thần phân liệt sẽ được chữa trị bằng cách tập phân biệt những nét biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt.
Thế nhưng, nhận định trên hoàn toàn không chính xác. Một số tài liệu nghiên cứu đã và đang được thực hiện tại Phòng thí nghiệm liên ngành về Khoa học Cảm tính lại cho rằng những nét biểu cảm trên khuôn mặt con người vốn không thể hiểu được nếu chỉ qua mắt nhìn.
Các công trình tiên phong trong mảng "nhận dạng cảm xúc" đã được tiến hành vào khoảng những năm 1960 bởi một nhóm các nhà khoa học, đi đầu là nhà tâm lí Paul Ekman. Đối tượng nghiên cứu được yêu cầu quan sát những tấm ảnh về một loạt những biểu cảm (mỉm cười, cau có…) rồi ghép chúng với vài từ ngữ đặc tả trạng thái (hạnh phúc, giận dữ…) hoặc những câu có nội dung như "Chồng cô ấy vừa qua đời". Hầu hết các đối tượng đều thành công trong việc ghép ảnh, kể cả những người ít tiếp xúc với văn minh phương Tây tới từ những vùng văn hóa xa xôi. Trong suốt những thập kỷ sau, phương pháp nhận dạng cảm xúc này đã được các nhà khoa học áp dụng tới hàng trăm lần.
Nhưng trong vài năm gần đây, người ta bắt đầu thấy lo ngại về độ chuẩn xác của phương pháp nghiên cứu trên. Đặc biệt, họ đặt ra nghi ngờ rằng, bằng việc cung cấp cho các đối tượng những từ ngữ đơn giản có sẵn chỉ trạng thái cảm xúc, thí nghiệm này đã vô tình "mớm" câu trả lời cho họ, đồng thời gián tiếp làm thay đổi kết quả của cuộc nghiên cứu.
Để kiểm tra giả thiết này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một số thử nghiệm sơ bộ. Các đối tượng sẽ không được nhận bất kì gợi ý nào, thay vào đó, họ sẽ tự do miêu tả những biểu cảm trên một khuôn mặt (hay nhìn vào hai khuôn mặt và trả lời 'có' hoặc 'không' nếu chúng có chung một cảm xúc). Các đối tượng cuối cùng đều thất bại.
Trong các nghiên cứu bổ sung đã và sắp được công bố, họ tiếp tục đi sâu hơn vào việc ngăn không cho các đối tượng được nhận gợi ý, và kết quả thì thật thảm hại. Câu trả lời mà các đối tượng đưa ra có thể so sánh với những người mắc chứng sa sút trí tuệ ngữ nghĩa, một chứng mà người bệnh chỉ có thể phân biệt được duy nhất biểu cảm tích cực với biểu cảm tiêu cực.
Thậm chí, nhóm nghiên cứu đã gửi đoàn thám hiểm tới điều tra một bộ lạc thiểu số có tên là Himba tại Namibia, nơi văn minh Tây phương chưa thể chạm tới. Trong lần thử nghiệm này, họ đưa cho người Himba 36 tấm ảnh của sáu diễn viên với sáu biểu cảm khác nhau: cười, cau có, bĩu môi, trợn mắt... Khi được hỏi về việc phân loại các biểu cảm trên tấm ảnh, người Himba dồn những gương mặt tươi cười vào một nhóm, những tấm có đôi mắt mở to sang một nhóm khác, số còn lại là lẫn lộn với nhau.
Khi được yêu cầu hãy đặt tên cho từng nhóm, người Himba không dùng từ "hạnh phúc" hay "sợ hãi" mà đưa ra những từ như "mỉm cười" hoặc "đang tìm kiếm". Nếu như sáu tấm ảnh là sáu biểu cảm nài đời thực, người Himba chắc chắn sẽ đặt chúng vào sáu nhóm riêng biệt, nhưng hiện thì họ không làm vậy.
(Ảnh: Olimpia Zagnoli)
Những phát hiện này đã góp phần chứng minh rằng cảm xúc của con người không thể dễ dàng nhận ra chỉ qua một vài biểu hiện bên nài. Theo học thuyết của Charles Darwin, những thay đổi nhỏ trên nét mặt con người cũng có thể khiến cách bày tỏ cảm xúc bị thay đổi theo.
Nếu vẻ mặt không thể "tự kể chuyện" thì làm thế nào chúng ta có thể "đọc vị" đươc suy nghĩ của người khác? Câu trả lời là, chúng ta không nhận biết các mặt cảm xúc một cách bị động mà là chủ động cảm nhận nó, suy nghĩ nhiều tới nó (dù chỉ vô tình) với một phạm vi bối cảnh lớn, như dáng người, cử chỉ, lời nói hay các mối quan hệ xã hội…
Nhà tâm lý học Hillel Aviezer đã thực hiện nhiều thí nghiệm mà trong đó, ông ghép gương mặt cùng trạng thái cơ thể của những người trên ảnh lại với nhau. Lúc này, khi các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu hãy đánh giá cảm xúc, thì sự liên kết giữa biểu cảm và cử chỉ cơ thể luôn có sự liên quan tới nét biểu hiện trên khuôn mặt. Ví dụ, khi hình ảnh một khuôn mặt cau có (giận dữ) được gắn với một người đang cầm vật bẩn thỉu trên tay (kinh tởm), hầu hết các đối tượng đều cho rằng người đó đang cảm thấy ghê tởm chứ không phải nổi giận.
Bạn hoàn toàn có thể hy vọng vào việc "đọc vị" người khác, nhưng bạn - hay Apple, và thậm chí là Cục Quản lý An ninh Vận tải Mỹ - nên hiểu rằng, chỉ vẻ mặt thôi cũng không thể nói lên toàn bộ câu chuyện.
Lisa Feldman Barrett, The New York Times
(Lisa Feldman Barrett hiện là giáo sư Tâm lý học tại Đại học Northeastern và là giám đốc Phòng thí nghiệm liên ngành về Khoa học Cảm tính)
Dịch: Trần Bình Minh
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận