Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: Liền chị chơi Quan họ cổ qua hai thế kỷ

(Sóng trẻ) - Nghệ nhân nhân dân Trần Thị Phụng được xem là một trong những “báu vật sống” của quan họ. Ở độ tuổi 102, giọng ca “đã héo như sắc thu tàn” của Phụng khiến lớp trẻ nghe vẫn phải trầm trồ với kho tàng khoảng 400 bài (hay còn gọi là câu) quan họ cổ như: "Vốn liếng em có 30 đồng", "Mời nước mời trầu", "Ngồi tựa song đào"…

Gần một thế kỷ “chơi” Quan họ

Bước qua cổng làng Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm, xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh), hỏi nhà nghệ nhân Trần Thị Phụng hầu như ai cũng biết. Men theo con đường nhỏ uốn lượn, căn nhà với rất nhiều vết hằn thời gian hiện lên trước mắt. 

Bà Phụng đón khách trong chiếc áo nâu, khăn đen đội đầu như ôm vào mình sự mộc mạc của quê hương Quan họ. Lưng còng, tóc bạc, mắt nhòe, gương mặt phủ đầy nếp nhăn và những vết đồi mồi, nhưng chất giọng của bà vẫn còn rất khỏe và vang. Nếu chỉ nghe thanh âm phát ra, hẳn nhiều người vẫn lầm tưởng cụ chỉ mới cụ chỉ mới bảy mươi, tám mươi tuổi.

adaa9f286f0cd4528d1d2.jpg
Liền chị Trần Thị Phụng chơi quan họ vắt qua hai thế kỷ. Ảnh: Minh Ánh.

Thời gian có thể bào mòn đi ngoại hình, những có lẽ đã bỏ quên giọng ca của cụ. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, chúng tôi được cụ hát tặng cho nghe những câu hát mùi mẫn: “Khách đến i đến chơi hự hừ nhà là, chơi hự hừ nhà/ Đốt than ớ ơ dầu mà quạt nước mấy pha trà mời người xơi là chén có a trà này. Quý vậy í ơ ơ, quý vậy đôi người ơi…”.

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những ký ức về Quan họ trong cụ Phụng vẫn còn vẹn nguyên. Vẫn chất giọng làng Diềm đặc sệt, nghệ nhân Trần Thị Phụng thủng thẳng: “Tôi theo cô ruột đi chơi Quan họ từ lúc 15-16 tuổi. Tối nào chị em chúng tôi cũng đến nhà cụ Nhi (em con cô ruột) để tập hát. Nhiều đêm cùng các chị em mải mê luyện câu luyện giọng mãi đến khuya lại rủ nhau ngủ luôn ở nhà cụ Nhi. Những dịp hội làng, đón Quan họ kết bạn làng Bịu sang chơi hội, chị em tôi ca hát suốt mấy ngày liền mà không biết chán…”

Khi đó phụ nữ vẫn còn chịu nhiều định kiến, nhưng cha mẹ bà không cấm cản, lại còn cho tiền để đi chơi. Ngày ngày, cứ xong việc đồng áng, bà lại đốt đuốc băng qua con đường tắt trải dài theo những cánh đồng lúa, bãi mía, nương ngô để đến nơi mọi người cùng tụ họp về hát Quan họ ở Khắc Niệm.

Sau này khi lập gia đình, chồng cụ không phải là người chơi Quan họ nhưng cũng không cấm cản gì. Lý giải điều này, bà bảo: “Người Quan họ lấy câu hát làm vui, chứ không nảy sinh tình cảm hay lấy nhau được. Vì thế, chẳng có gì để gia đình phải lo ngại”. Suốt những năm tháng chiến tranh chạy loạn, trong chiếc tay nải chạy giặc của bà không thể vắng bóng những món đồ dùng để chơi Quan họ. Mặc dù không thể đi chơi Quan họ, nhưng mấy chị em vẫn hát với nhau. Mạch nguồn Quan họ vì thế cũng không thể đứt rời.

64684804b820037e5a3114.jpg
Một góc trong căn nhà cổ bám màu thời gian của cụ Phụng. Ảnh: Minh Ánh.

 

Tuy nhiên, điều đặc biệt là sau nhiều năm đầu ấp tay gối, cụ Phụng biết rằng mình không thể sinh được con, cụ Phụng đích thân mang trầu cau hỏi “vợ bé” cho chồng. Những năm tháng tiếp đó, chị hai Quan họ vẫn chăm lo gánh vác chu toàn việc nhà chồng, sống thuận hòa, bao dung cùng người vợ hai và tận tụy chăm sóc con chồng. Bà hai sinh được ba người con, nhưng lại vụng về, nên các con đều được cụ Phụng nuôi lớn. Vì vậy, ba người con ấy luôn coi cụ như mẹ đẻ.

Năm 1957, tiếng súng đã dần bớt, câu hát Quan họ được cất vang trở lại, cụ Phụng được Viện Âm nhạc mời sang để thu âm các bài Quan họ, dù mới chỉ 34 tuổi - điều không phải nghệ nhân cùng thời nào cũng vinh dự có được. Các anh chị được mời đi cùng cụ Phụng, chủ yếu là những nghệ nhân lớn tuổi, những bậc tiền bối, bậc cha chú của cụ Phụng. Những tài liệu ghi chép về cụ đã có từ những năm 1956 và hiện tại vẫn còn được anh Dương Đức Thắng (CLB Quan họ Hoài Trung) lưu giữ tại "Phòng trưng bày Quan họ xưa và nay" tại Hoài Trung.

Cái thời đẹp đẽ ngoảnh lại như là mơ

Gần trăm năm sống cùng Quan họ, ngoảnh lại như một cái chớp mắt. Hơn ai hết, cụ hiểu những tin hoa của hát Quan họ. Với cụ, “Quan họ là lối chơi cao sang, nghĩa tình, lịch lãm bậc nhất”.

Năm 2009, UNESCO công nhận Dân ca Quan họ  là Di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân Trần Thị Phụng là một trong số ít những liền anh, liền chị am hiểu và có khả năng hát Quan họ theo lối cổ (chơi theo bọn). Ở tuổi 102, cụ Phụng là người duy nhất còn sót lại từ thế hệ nghệ nhân Quan họ thuở ấy. 

231d42c0b2e409ba50f58.jpg
Mặc dù không có người con ruột nào, nhưng các con cháu của bà hai vẫn luôn yêu thương cụ Phụng. Ảnh: Minh Ánh.

Năm 2013, nhờ có cơ chế chính sách đãi ngộ nghệ nhân Quan họ của tỉnh, cụ Phụng được nhận “lương” hàng tháng. Với hoàn cảnh của nghệ nhân Trần Thị Phụng thì nguồn trợ cấp nghệ nhân có ý nghĩa gấp bội, giúp cụ yên tâm vui sống những năm tháng tuổi già và tiếp tục truyền tình yêu di sản cho thế hệ trẻ. Cụ Phụng bộc bạch: “Tôi may mắn hơn các chị em cùng lứa vì được đứng trên bục nhận danh hiệu, còn được hưởng lương nghệ nhân, chứ mấy chị em chơi với tôi trước kia đều đi theo tiên tổ cả rồi! Chúng tôi chơi Quan họ để thỏa đam mê chứ nghĩ đâu lúc về già lại được Đảng, Nhà nước quan tâm thế này. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn các bác lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhiều lắm. Cũng chẳng mong gì hơn, tôi chỉ ước nguyện làm sao cho tương lai Quan họ mãi nở cành xanh ngọn...”.

Dẫu vậy, cụ vẫn luôn trăn trở về sự mai một dần dần của lối hát Quan họ cổ truyền và trăn trở khi không có người kế thừa xứng đáng. Ví như bài Quan họ "Sông rồi sông lại sang sông" theo lời cổ: "Sông rồi sông lại sang sông/ Bắt con đò kẻ cháy sang sông sáu đầu/… Em kể cái doan sự tình, cho đôi ba người nghe/ Cái cỗ sênh tiền, em đóng bằng tre/ Trên thì gỗ táu, dưới đè tấm ván gỗ lim…" hiện chẳng mấy người biết hoặc hát theo kiểu mới, chứ kiểu như cụ thì không còn ai hát được. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy việc sự hưng thịnh của Quan họ cổ đang dần đi đến hồi kết.

fb_img_1601481885535-1.jpg
Hình ảnh cụ Phụng trong trang phục Quan họ trước đây. Ảnh: NVCC.

Ròng rã chơi Quan họ qua hai thế kỷ, nghệ nhân Trần Thị Phụng thuộc đủ câu đủ lối, từ La rằng, Hừ la, Tình tang, Cây gạo... đến các giọng lẻ giọng vặt nhưng giờ hỏi nhớ bao nhiêu câu thì cụ chẳng tính được. Nghệ nhân bảo “cứ hát đến đâu tôi nhớ đến đấy, có thể ca suốt ba ngày cũng chưa hết vốn”.

Ngày ấy, những người như cụ Phụng cứ đi chơi Quan họ là chơi tới đôi ba ngày. Chẳng những hát mà còn tâm tình, rồi hỏi thăm sức khỏe thầy mẹ. Hết hội, vài ba ngày sau vẫn cứ nhớ nhung, chẳng làm được gì. Có khi mà cầm cái muôi trên tay rồi lại đi tìm muôi. Mà nhớ nhung quá thì chúng tôi có một cái điểm hẹn ở phiên chợ, vờ là đi chợ thôi chứ mục đích chính là đi gặp bạn. Gặp rồi lại mời nhau về, sắp nước hát canh từ đêm tới sáng. 

“Ngày ấy, các chị dạy bảo lễ nghĩa, nghiêm khắc lắm! Muốn nói chuyện với các anh hai thì phải ý tứ, nói một câu phải thưa gửi một câu, phải năm thưa mười dạ đấy. Ví dụ, bên muốn nói thì phải ‘Dạ, chúng em xin có nhời’. Rồi bên kia cũng lại đáp ‘Dạ, chúng em xin đỡ nhời’. Nguyên tắc của ngày xưa độc đáo, khó đấy, nhưng đã ngấm rồi, quen rồi thì rất dễ.

Trước đây, trong các bữa "cỗ Quan họ", Quan họ chủ thường không dám ngồi chung mâm với Quan họ khách. Bởi nếu ngồi chung mâm thì Quan họ khách ngại có dám ăn đâu. Không giống Quan họ bây giờ ngồi mặt đối mặt với nhau. 

Trong bữa ăn, Quan họ chủ thường xuyên di chuyển xung quanh để quan tâm, hỏi han và chủ động mời Quan họ khách thêm đồ ăn nếu cần thiết. Khách mời, theo phép tắc, sẽ không bao giờ tự ý xin thêm. Tuy nhiên, các món ăn trong mâm cỗ Quan họ đều được chuẩn bị đầy đủ và dư dả, thể hiện sự chu đáo và mến khách của gia chủ. Mâm cỗ thường có ba tầng, và hiếm khi ăn hết nổi một tầng.

102 tuổi, giọng ca khàn đục nhưng nghệ nhân Trần Thị Phụng vẫn không ngừng yêu, không ngừng cống hiến cho di sản. Thế nên hễ ai có nhu cầu tìm hiểu văn hóa Quan họ mà đến xin câu là cụ dốc vốn cho hết, chẳng giấu giếm, giữ nghề. Cụ Phụng đã truyền dạy cho nhiều thế hệ liền anh, liền chị trong làng ngoài xã, có những học trò ban đầu đến xin câu để mưu sinh sau nổi danh tên tuổi. NSND Thúy Cải, NSND Thúy Hường… cũng từng tìm đến bà để tầm sư học đạo. 

img_20230207_055750-1.jpg
NNND Nguyễn Thị Bàn (phải) và NNND Trần Thị Phụng (trái) trong một bữa cơm quan họ. NVCC.

Với những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc dân tộc, cụ Phụng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân (2011), Nghệ nhân Ưu tú (2015) và Nghệ nhân Nhân dân (2019). Không chỉ tự hào, cụ còn vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã dành cho mình, tạo điều kiện để cụ an hưởng tuổi già và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Quan họ.

Niềm đam mê âm nhạc và tinh thần truyền lửa cho thế hệ trẻ chính là động lực giúp cụ Phụng luôn giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân ca Quan họ. Câu hát của cụ sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau tiếp nối và gìn giữ di sản văn hóa độc đáo này. Thời gian có thể khiến mọi thứ thay đổi, nhưng tình yêu của nữ nghệ nhân với Quan họ thì không. Dù đôi mươi hay ở chặng cuối của cuộc đời, tình yêu ấy vẫn nồng nàn, da diết.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN