“Nghĩ về sân chơi thành phố” - Không gian “tái chế” giữa lòng Thủ đô

(Sóng trẻ) - Chỉ từ những vật liệu tái chế, sân chơi di động trên con phố nhỏ Đào Duy Từ cùng sân chơi cố định trong những khu tập thể eo hẹp diện tích nơi Thủ đô ra đời. Những sân chơi là kết quả hoạt động của nhóm Dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” bắt đầu từ năm 2014. Giữa một Hà Nội ngột ngạt “đất chật người đông”, các em nhỏ đã có cơ hội trải nghiệm những không gian vui chơi đúng nghĩa.

Một tối “trở về tuổi thơ” cùng sân chơi di động

Đúng 8 giờ tối thứ bảy hàng tuần, nhóm tình nguyện viên cùng 6 đến 7 kiến trúc sư của Dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” và một số em nhỏ nhanh chóng di chuyển những dụng cụ đồ chơi làm từ vật liệu tái chế từ địa điểm kho cất đồ do tổ dân phố hỗ trợ ra đoạn phố đi bộ Đào Duy Từ. Tại đây, nhóm Dự án tiến hành sắp xếp và bố trí một sân chơi nho nhỏ với đầy đủ những dụng cụ đơn giản, sắc màu: một chiếc xích đu được làm bằng tre, chiếc cầu trượt nhỏ bằng gỗ được sơn nhiều màu, những chú vịt “thú nhún” ra đời từ sự tận dụng những chiếc lốp xe đã cũ, một tấm gỗ thấp nhiều mấu mô phỏng dụng cụ leo núi hấp dẫn những cô bé, cậu bé ưa thích mạo hiểm…

Tự chọn cho mình những đồ chơi yêu thích, các em nhỏ hào hứng hòa vào không khí nhộn nhịp tại sân chơi di động miễn phí được bố trí chỉ trong vài phút như để thỏa niềm vui sau những buổi chiều đi học về chỉ biết quanh quẩn trong nhà xem ti vi, đọc truyện vì thiếu sân chơi, thiếu đồ chơi.

54bda5f1d_image001.jpg
Hào hứng với những chiếc xe “tái chế” (Ảnh: nhóm dự án cung cấp)

Ô ăn quan, cà kheo, cầu khỉ, chơi rơm - những trò chơi dân gian cũng xuất hiện và thu hút các em nhỏ dù khi chơi các em phải nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn. Chơi trên mặt đường nhựa có thể tiềm ẩn nguy cơ bị xước tay, chân nếu bị ngã; điều này được khắc phục bằng cách dải thảm, đặc biệt ở khu vực chơi cầu trượt hay leo núi. Những tiếng cười, hò hét, niềm vui thích ngập tràn không gian nhỏ trên phố Đào Duy Từ.

54bda5f1d_image003.jpg
Một em nhỏ thử sức với trò chơi dân gian (Ảnh: nhóm dự án cung cấp)

54bda5f1d_image005.jpg
Thú nhún làm bằng lốp xe cũ

Không chỉ có những em nhỏ trong khu vực phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, rất nhiều em nhỏ từ các quận khác cũng được bố mẹ đưa đến sân chơi di động này. Theo thống kê sơ bộ của nhóm Dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” sau hơn một tháng triển khai thực hiện sân chơi (bắt đầu từ 17/4), địa điểm xa nhất mà nhóm ghi nhận được là các gia đình đến từ quận Cầu Giấy, quận Hoàng Mai: họ biết đến sân chơi chủ yếu qua lời giới thiệu của bạn bè.

Có khoảng 10 tình nguyện viên, bao gồm các bạn sinh viên và cả những người đã đi làm hỗ trợ các hoạt động tại sân chơi.

Chị Chu Kim Đức, người phụ trách của nhóm dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” chia sẻ: “Từ khi triển khai đến nay, sân chơi đã phục vụ được trung bình 300 em nhỏ chưa bao gồm cha mẹ, ông bà đi cùng mỗi tối từ 8 giờ đến 10 giờ đến từ nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Các em đều rất hào hứng với sân chơi mới”. Cũng theo ghi nhận của nhóm, 95 % phiếu khảo sát đều cho thấy mức độ hài lòng dành cho mô hình sân chơi này.

Có những ngày mưa nhỏ, sân chơi vẫn được tổ chức dù lượng người đến không nhiều. Một số ông bà, bố mẹ vì sự thích thú của cháu, của con mình nên vẫn đưa các bé đến chơi, họ vừa quan sát vừa che ô để các em chơi.

54bda5f1d_image007.jpg
“Leo núi” dưới trời mưa (Ảnh: nhóm dự án cung cấp)

Từ ý tưởng phải có một sân chơi cho trẻ em, giải quyết thực trạng thiếu sân chơi vận động cho các em nhỏ hiện đang ngày càng trở thành vấn đề nan giải nơi Thủ đô “đất chật người đông”, nhóm Dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” đã kết hợp với Tổ chức HealthBridge – tổ chức chuyên triển khai các dự án sân chơi ở nhiều thành phố châu Âu và châu Úc cùng Ban quản lý phố cổ tổ chức mô hình sân chơi trên phố Đào Duy Từ. Chị Chu Kim Đức cho hay: “Chọn địa điểm là phố Đào Duy Từ vì muốn tận dụng được sự tiện lợi chắn đường phương tiện giao thông để dành đường cho người đi bộ. Và phố cổ vốn là nơi chật chội, trẻ em sống ở đây hầu như không có khoảng sân nào để vui chơi”.

Đoạn phố đi bộ nhỏ giữa không gian Thủ đô chật hẹp tưởng như chỉ còn chỗ cho những nhà hàng, quán ăn phục vụ kinh doanh buôn bán thì mỗi tối thứ 7 lại trở thành nơi mang lại tiếng cười cho trẻ em từ những đồ chơi làm từ vật liệu tái chế đơn giản mà đa dạng, đa sắc màu.

“Nghĩ về sân chơi thành phố”

Thực trạng sân chơi Thủ đô đang còn nhiều bất cập. Sân chơi bị chiếm dụng làm chỗ phơi quần áo, để xe, kinh doanh buôn bán ở khu vực phố Nghĩa Tân hay khu tập thể Giảng Võ. Sân chơi cho trẻ em lại chủ yếu dành chỗ cho người dân trong khu phố đánh cầu lông. Ở khu tập thể phố Vĩnh Phúc, có sân chơi với rất ít đồ chơi và gần 5 năm nay không được quan tâm thay mới dù đồ chơi đã cũ kỹ, han gỉ; có sân chơi không có đồ chơi và bên cạnh là chỗ để thùng rác. Tất cả đều là sân bêtông; đây là thực trạng chung của sân chơi trong các dân cư, khu tập thể trên địa bàn Hà Nội. Điều này vừa khiến không khí sân chơi nóng bức, ngột ngạt vào mùa hè, vừa dễ gây nguy hiểm khi chơi.

54bda5f1d_image009.jpg
Sân chơi nhỏ hẹp tại khu tập thể phố Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội)

526d14175_image011.jpg
Một sân chơi khác tại khu tập thể phố Vĩnh Phúc

526d14175_image013.jpg
Sân chơi thiếu vắng đồ chơi tại khu tập thể Giảng Võ

Quy mô hoạt động của nhóm Dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” ở Hà Nội vì thế đã không chỉ dừng lại ở đoạn phố nhỏ Đào Duy Từ. Nhận thức được thực trạng trên,  một số khu dân cư trên địa bàn thành phố đã tự liên hệ với nhóm để làm các sân chơi nhỏ với dụng cụ chơi tự chế cho trẻ em. Từ cuối năm 2014 đến nay, khoảng 8 sân chơi tại các khu dân cư trong thành phố đã được nhóm thiết kế và đi vào sử dụng như: sân chơi khu tập thể phường Trung Tự ngõ 46B, khu phố ngõ 238 Hoàng Quốc Việt, khu tập thể Bộ Thủy sản số 20 Ngõ 20 phố Nguyễn Công Hoan, khu tập thể D2B ngõ 30 phố Phương Mai (Lương Định Của, Hà Nội)...

Số lượng và hạng mục đồ chơi tùy thuộc vào diện tích sân chơi song sân chơi nhỏ nhất như ở phố Nguyễn Công Hoan cũng phải có đến 3 loại đồ chơi là cầu trượt, xích đu và dụng cụ chơi thăng bằng, tất cả được làm bằng gỗ, tre, vật liệu tái chế với thiết kế sắc màu tạo sự vui mắt.

526d14175_image015.jpg
Sân chơi “tái chế” ở phố Nguyễn Công Hoan

Sân chơi tại khu tập thể D2B nằm trong con ngõ số 30 nhỏ hẹp thì có thêm 2 chiếc xích đu bằng lốp xe, ô tô mô hình, bập bênh. Đi kèm với các dụng cụ chơi, nhóm thiết kế của Dự án cũng tiến hành trang trí cho các bức tường nhằm tăng tính thẩm mỹ cho sân chơi. Khi đồ đạc có sự hư hỏng thì các kiến trúc sư của nhóm lại đến sửa chữa để kịp thời phục vụ nhu cầu vui chơi cho các em nhỏ.

526d14175_image017.jpg
Sân chơi khu tập thể D2B phố Phương Mai

526d14175_image019.jpg
Ô tô mô hình bằng gỗ

Bà Trần Thị Vần – tổ trưởng tổ dân phố ngõ 30 Phương Mai, người đã huy động được sự đóng góp của người dân trong khu phố để làm sân chơi cho các em nhỏ cho biết: “Trước đây, khi chưa có sân chơi, khu đất đó là chỗ bán cháo lòng, các cháu nhỏ thì chỉ có thể chạy chơi loanh quanh trong khu tập thể chật hẹp mà không có đồ để chơi, cũng không thể chạy ra phố vì đường chật hẹp và xe cộ đi lại đông đúc. Cảm thấy cần thiết phải có sân chơi cho các cháu nên tôi đã huy động mọi người đóng góp mở sân chơi, tiền đóng góp được khoảng 28,5 triệu đồng, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm 5 triệu đồng làm sân".

Chi phí để thiết kế sân chơi trên phố đi bộ và nhiều khu dân cư khác trên địa bàn thành phố chủ yếu do tổ chức HealthBridge hỗ trợ. Nài ra, nhóm Dự án cũng huy động vốn đóng góp từ cộng đồng, tuy nhiên nguồn vốn này còn hạn chế và chưa phải nguồn hỗ trợ lâu dài.

Vẫn còn những dang dở

Nhóm Dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” đã có một buổi bàn giao sân chơi trên phố Đào Duy Từ cho tổ dân phố và phường Hàng Buồm quản lý vì dự án thử nghiệm sân chơi sẽ kết thúc vào cuối tháng 6/2015. Tuy nhiên, chính quyền phường Hàng Buồm vẫn chưa thực sự sẵn sàng do những khó khăn về nguồn lực và kinh phí. Nhóm Dự án cũng muốn làm một sân chơi cố định lấy địa điểm là một trong các vườn hoa tại khu vực xung quanh Phố cổ song vẫn chưa có kế hoạch cụ thể vì những khó khăn, phức tạp về mặt quản lý nếu bàn giao cho địa phương. Dự án sân chơi trên phố Đào Duy Từ sẽ phải dừng lại một thời gian để các cấp địa phương chuẩn bị về kinh phí, nhân lực. Trong thời gian đó, nhóm dự định sẽ thử nghiệm mô hình sân chơi di động tại các tỉnh, thành phố khác để nhằm nhân rộng mô hình thiết thực này.

Các sân chơi trong khu dân cư thì gặp phải thực trạng thiếu dụng cụ che nắng cho các em nhỏ, vì thực tế trong đợt nghỉ hè có nhiều thời gian rảnh rỗi, các em nhỏ không chỉ qua sân chơi vào buổi chiều lúc tắt nắng mà có thể qua bất cứ lúc nào. Trong các khu phố nhỏ khó có thể trồng cây to, việc sử dụng ô là một giải pháp nhưng ô loại nào, ai quản lý và quản lý, bảo quản như thế nào lại là một vấn đề khiến một số tổ dân phố băn khoăn.

Dù còn những dang dở nhưng thử nghiệm thành công sân chơi di động trên phố Đào Duy Từ cùng sân chơi cố định cho trẻ em nhiều khu dân cư trên địa bàn Hà Nội đã cho thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực của diện mạo phố phường Thủ đô và tính thiết thực mà Dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” mang lại cho một Hà Nội “đất chật người đông”, “tấc đất tấc vàng”. Còn không ít khu phố chật chội thiếu vắng không gian vui chơi để các em chỉ còn biết ngồi trước màn hình tivi và máy tính, nghĩ về trẻ em, để nhóm Dự án “Nghĩ về sân chơi thành phố” nhận ra trẻ em nơi Thủ đô cần những khoảng sân vui chơi đúng nghĩa.

Ngọc Hà
Báo Mạng điện tử K33

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN