Người bám bản “gieo chữ”

(Sóng trẻ) - Dù gần nghỉ hưu, cô giáo Chu Thị Tú Liên (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) vẫn kiên định theo đuổi hành trình mới - gieo mầm tri thức nơi vùng sâu vùng xa.

Cô giáo bản

Hơn hai năm qua, người dân bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, đã quen thuộc với hình ảnh “bà giáo Liên” trong trang phục truyền thống của người Mông, lưng đeo “lu cở” (gùi), tay cầm máy tính đến lớp. Nằm giữa lưng chừng mây, ở độ cao gần 1400m, mỗi tối thứ sáu và thứ bảy, lớp học của cô Liên lại sáng đèn. Tiếng đọc bài, tiếng giảng dạy của cô trò vang vọng cả một vùng.

Lớp học của cô Tú Liên dạy ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Mông và tiếng phổ thông. Ngoài ra, các em học sinh còn được cô dạy kỹ năng sống và tìm hiểu những giá trị văn hoá truyền thống bản địa. Điều đặc biệt nhất ở lớp học này là hoàn toàn miễn phí.

7.jpg
Lớp học ngập tràn không khí vui tươi, hứng khởi của học sinh. (Ảnh: Minh Toàn).

Khi nghe về cô giáo Tú Liên, tôi quyết định vượt hơn 200 cây số từ Hà Nội để đến thôn Pang Cáng, mong gặp cô và trải nghiệm lớp học. Từ thị xã Nghĩa Lộ đến lớp học khoảng 14km, hầu hết là những cung đường đèo dốc, uốn khúc. Đoạn đường này tuy hiểm trở nhưng đã trở thành con đường quen thuộc của cô Liên trong suốt hai năm qua.

Tôi gặp cô Liên. Chúng tôi cùng đợi các em học sinh tới lớp. Con đường từ cổng thôn Pang Cáng đến lớp học dài khoảng 3 cây số, qua những đồi chè Shan Tuyết cổ thụ. Dọc đường, những em học sinh vui vẻ rủ nhau đi học, mặc trang phục truyền thống với những vòng bạc nhỏ lấp lánh. Trên tay các em là quyển vở và cây sáo mèo. Một em thổi sáo, tạo thành âm hưởng vui tươi, hòa cùng bước chân các bạn.

169-1626-x-1080-px.png
Bà giáo Liên "ươm mầm" tri thức trong sự khó khăn, thiếu thốn nơi bản làng. (Ảnh: Minh Toàn). 

Cô Liên đứng ở cổng nhà, đón các em. Như thường lệ, học sinh của cô chào bằng "hello teacher!" hoặc "good morning grandma!" thay vì chào bằng tiếng Việt, giúp các em phản xạ tiếng Anh tốt hơn.

Lớp học gồm các em từ 9 đến 13 tuổi. Dù là ngày thường, hầu hết các em đều đến lớp. Cô Liên kết nối máy tính vào màn hình lớn và bắt đầu tiết học. Các em xếp bàn và lấy đồ dùng học tập. Chỉ vài phút, lớp học ổn định. Buổi học bắt đầu bằng màn múa hát để khuấy động không khí. Các em vừa vận động vừa học tiếng Anh qua những bài hát vui tươi.

Tiếp đó, cô Liên kiểm tra từ vựng đã học. Cô đọc nghĩa tiếng Việt, các em viết bằng tiếng Anh. Các em thi nhau giơ bảng, hỏi cô đáp án có đúng không. Cô Liên không đưa ra đáp án ngay mà gợi ý qua các hoạt động để các em tự nhớ. Tri thức được truyền đạt qua những nét viết nguệch ngoạc, nhưng lại rất chắc chắn.

Từ nhân duyên đến tình yêu con trẻ

Tôi hỏi cô Liên về lý do mở lớp học ở đây, cô mỉm cười cho hay: "Khi được giao nhiệm vụ viết cuốn sách giáo dục văn hoá địa phương, tôi lên đây để tìm tư liệu và tiếp xúc với các em. Nhận thấy các em thiếu thốn nhiều thứ, kỹ năng sống yếu kém và sự tự tin rất thấp, ngay cả những phép tính đơn giản, các em cũng gặp khó khăn, tôi thực sự muốn mở lớp học cho các em”.

2.jpg
Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui. (Ảnh: Minh Toàn).

Ban đầu, lớp học chỉ có ba em, nhưng nhờ sự vận động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã, lớp học nhanh chóng phát triển, có lúc lên tới 60 học sinh. Cô Liên kết nối lớp học theo năng lực của các em. Lớp học thu hút rất nhiều em ham học hỏi, mỗi khi lớp nghỉ, các em thường hỏi: “Bà ơi, hôm nay không học à, chúng con không muốn ở nhà”..

Cô Liên cho biết nhiều em trong lớp có hoàn cảnh rất khó khăn: một em bị bệnh máu trắng, một em phải thay tủy sống. Cô đang kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân. Vì thuộc vùng 135, đa phần các em học sinh của cô đều thuộc hộ nghèo.

9.jpg
Những hoạt động xen lẫn những giờ học nhằm tạo hứng thú cho học sinh. (Ảnh: Minh Toàn).

Cô giáo Tú Liên, nổi tiếng sáng tạo trong tỉnh, đã dùng hết khả năng của mình để mang lại niềm vui cho học sinh. Cô tổ chức nhiều hoạt động như thi đọc sách, thi kể chuyện, thi làm mèn mén. Các em rất thích các hoạt động này. Cô cũng kêu gọi nhà tài trợ tặng đồ chơi như lego, tổ chức cuộc thi lắp ghép để các em xây dựng “căn nhà mơ ước”. Qua những hoạt động này, cô hiểu được ước mơ của học sinh và biết cách khích lệ các em học tập để thực hiện ước mơ.

Kết thúc tiết học tiếng Anh, các em chuẩn bị khèn, sáo để học văn hoá. Dưới ánh sáng đầu ngày, cô và trò cùng đến sân khấu nhỏ trên đỉnh đồi, nơi học sinh được tự do thể hiện nét văn hoá của người Mông. Cô Liên lưu các bài nhạc yêu thích của các em vào máy tính và cho các em thể hiện tài năng qua tiếng hát, tiếng sáo, tiếng cười vang vọng giữa núi rừng. Cô Liên tự hào về học sinh của mình và thường xuyên ghi lại những khoảnh khắc đẹp của lớp học để chia sẻ.

Sự trưởng thành của trò là món quà ý nghĩa nhất đối với cô

Cô Liên chia sẻ những ngày đầu đến Suối Giàng là những ngày khó khăn nhất. Cô phải tự tay san đồi, dựng lớp học cho các em. Mặc dù con cái không muốn mẹ đi, nhưng cô vẫn quyết tâm mang con chữ đến vùng đất khó khăn này. Những khó khăn không làm cô nản lòng, mà càng tiếp thêm động lực.

Chia sẻ về những khó khăn khi giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, cô nói: “Cuộc sống thôn bản rất khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em. Tôi phải tổ chức họp phụ huynh qua điện thoại, thông báo giờ giấc học của các em để phụ huynh nắm bắt”. Dần dần, nhận thức của người dân đã thay đổi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con cái.

10.jpg
Đối với nhiều học sinh, "bà giáo Liên" vừa là cô giáo, vừa là mẹ hiền. (Ảnh: Minh Toàn).
 

Cô Liên cũng học tiếng Mông để có thể giao tiếp tốt với học sinh và phụ huynh. Giờ đây, cô cảm thấy rất vui khi thấy trò dần mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, biết trân trọng thầy cô. Vào mỗi dịp lễ, các em lại biểu diễn văn nghệ tặng thầy cô.

Cô Liên mời tôi chén trà Shan Tuyết, một loại trà gắn liền với đời sống người Suối Giàng. Cô bộc bạch: “Yêu là cho đi, tôi không nhận tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân mà chỉ nhận đồ dùng cần thiết cho các em. Tôi hy vọng các em sẽ trân trọng tấm lòng của những người đã giúp đỡ, sau này các em sẽ quay về giúp đỡ cộng đồng”.

“Tâm nguyện của cô là gì?” – Tôi hỏi.

“Cô mong muốn, ít nhất có 10 em học sinh thạo tiếng Anh, nắm rõ văn hoá bản địa, cô sẽ đồng hành với các em cho đến khi xong đại học để các em quay về bản, phát triển quê hương, xây dựng đất nước”.

Hoàng hôn dần xuống, sương mù giăng kín Suối Giàng nhưng chặng đường dài hơn nơi mây vờn đỉnh núi kia chưa kết thúc - chặng đường “gieo chữ” trong những “mầm xuân” của “bà Liên”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN