Người canh gác linh hồn thú cưng
(Sóng trẻ)-Các dịch vụ như chăm sóc chó mèo, cửa hàng quần áo, phụ kiện mọc lên như nấm nhưng dịch vụ mai táng chó mèo thì có lẽ ông Nguyễn Bảo Sinh là người đầu tiên nghĩ tới.
Duyên nợ với chó
Cái tên Nguyễn Bảo Sinh đã quá quen thuộc với những người yêu chó, mèo không chỉ ở Hà Nội mà còn trên khắp cả nước. Bạn bè có người gọi ông là “ông vua chó, mèo” bởi hệ thống khách sạn và nghĩa trang thú cưng mà ông sở hữu. Cũng có người gọi ông bằng hỗn danh “Sinh chó”. Dù là gì chăng nữa, ông Sinh vẫn vui vẻ đón nhận.
Chân dung “người canh gác”.
Ông Sinh yêu chó từ nhỏ, có lần chui vào gầm giường cho chó ăn khiến chó tức giận cắn vào mặt. Cha ông từng có lần mắng: “Mày cứ nuôi chó đi rồi nay mai chó nuôi mày!” Ấy thế mà lời cha năm xưa vận vào số ông, một cách ngẫu nhiên như sắp đặt. Chó nuôi ông thật, nuôi ông dư dả là khác!
Căn nhà số 30, ngõ Bảo Sinh không biết từ khi nào đã trở thành địa điểm tin cậy của những người có thú cưng không may qua đời. Theo lời kể của ông Sinh, ý tưởng về nghĩa trang cho chó mèo thực ra đã có ở nước nài từ lâu. Ở Việt Nam do điều kiện chưa cho phép và rõ ràng đây là điều “điên rồ” trong mắt nhiều người.
Từ khi chú chó Ami – một người bạn đã gắn bó với ông rất lâu qua đời, ông xây một nấm mồ cho Ami. Sau này ông phát hiện rất nhiều người yêu chó giống ông đều mong muốn có một nơi để chôn cất con vật cưng của họ. Bởi vậy nghĩa trang chó mèo đã ra đời.
Ami – người bạn thân thiết, trung thành được lập một ngôi mộ tổ trong nghĩa trang.
Nơi yên nghỉ của những người bạn bốn chân
Khu nghĩa trang thú cưng nằm trong khuôn viên của ngôi nhà rộng gần 3000 m2 mà ông Sinh đang sinh sống. Gọi nó là nhà, là khách sạn chó mèo hay là chùa cũng đều đúng. Căn nhà 6 tầng là nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, spa làm đẹp cho chó, mèo.
Thế nhưng, trước cửa lại treo tấm biển “Chùa tề đồng vật ngã” khiến không ít người tò mò. Ông Bảo Sinh lí giải: “Tôi đặt tên như vậy là vì thể hiện quan điểm của tôi: khi chết, con người, con chó hay bất kì sinh linh nào khác đều sẽ bình đẳng. Mọi vật đều có kiếp luân hồi, kiếp này ta là người chắc gì kiếp sau ta không phải vật.”
Chùa Tề Đồng Vật Ngã là cái tên do ông Sinh tự đặt với nhiều ẩn ý sâu xa.
Có tận mắt chứng kiến khu nghĩa trang mà ông dày công xây dựng, ta mới thấy hết tấm lòng tri ân của ông với những “người bạn bốn chân”. Hồ nước xanh ngắt và trải đầy hoa súng nước trước hiên nhà được ông đặt tượng quan âm cùng bốn thầy trò thỉnh kinh. Phía sau bức tượng ấy chính là nghĩa trang - nơi lưu giữ linh hồn của Ami, của Pi, July và nhiều người bạn khác.
Hồ nước với tượng phật trước khu nghĩa trang khiến không gian thanh tịnh hơn.
Hằng ngày, ông nhận trông nom mộ phần của những chú chó, mèo được gia chủ gửi lại nghĩa trang, hương khói đều đặn. Dịch vụ mai táng cho mỗi con thú có giá cả khác nhau tùy thuộc vào hình thức hỏa táng hay địa táng, to hay nhỏ và thời gian lưu lại nghĩa trang trong bao lâu. Trung bình mỗi con thú vừa và nhỏ tốn 1 đến 2 triệu đồng; con thú lớn hơn sẽ có giá đắt hơn.
Khu vực nghĩa trang được bố trí khoa học theo thời gian.
Có người nói ông Sinh làm nghĩa trang cho chó vì tiền, không phải vì tâm. Ông thừa nhận ông cũng cần phải kinh doanh để duy trì cuộc sống, nhưng nói không có tâm là chưa hiểu hết con người có phần kì quái ấy. Không ít lần ông mai táng từ thiện, không lấy tiền của những sinh viên nghèo.
Anh Chu Thế Nghĩa (Hoàng Mai), khách hàng của ông chia sẻ “Tôi biết đến bác Sinh qua tìm hiểu trên mạng và những người bạn của mình chia sẻ. Bác Sinh là người tốt bụng, nhiệt tình và rất am hiểu. Có bạn đi nài đường nhìn thấy con chó, con mèo bị chết, không phải của mình nhưng cũng đem đến nhờ bác Sinh mai táng. Bác rất sẵn lòng giúp đỡ và không hề tính phí.”
Anh Nghĩa chia sẻ suy nghĩ về “người canh gác” Nguyễn Bảo Sinh.
Ngày rằm hay mùng một hằng tháng, ông còn làm lễ cầu siêu cho chó, mèo. Trước kia ông từng mời nhà sư về làm lễ cầu siêu tại nhà, nhưng vì thứ kinh nhà chùa khó hiểu và các nhà sư cũng e ngại việc cầu siêu cho chó là phạm quy nhà chùa. Nhận thấy mình cũng có lương duyên đặc biệt với thế giới tâm linh, ông bỏ tiền túi sang Bắc Kinh học cách cầu siêu. Sau đó ông còn dày công soạn ra một bộ kinh được viết dưới dạng thơ lục bát được gọi là “Á kinh” để tự mình thực hiện những nghi thức cầu siêu ở nhà.
Tâm nguyện của người canh gác mang tâm hồn nghệ sĩ
Ông Sinh nổi tiếng không chỉ trong giới yêu chó, mèo mà còn trong giới văn chương, hội họa, đấm bốc. Con người nhỏ bé ấy là “một tay đáng gờm” thực sự. Nghề chính của ông thời trẻ là họa sĩ tranh truyền thần do được kế nghiệp từ cha là họa sĩ Nguyễn Hữu Mão. Tranh ông treo đầy nhà, bức nào cũng sắc và đầy thần thái. Bảo Sinh cũng là một tay đấm bốc cừ khôi, bảy mươi tuổi vẫn thượng đài mừng sinh nhật.
Bức tranh sơn mài treo trang trọng giữa phòng khách do chính ông Sinh chắp bút.
Có lẽ đấm bốc đã rèn luyện để ông có thể chất dẻo dai và tinh thần minh mẫn ở cái tuổi xấp xỉ bát tuần. Ông có thể ứng khẩu thành thơ, thơ ông có đến mấy ngàn bài. Kinh của ông cũng như thơ, dễ hiểu, dễ thuộc. Ông Sinh tự hào: “Người ta gọi tôi là hậu Bút Tre, muốn hiểu tôi thì phải đọc thơ của tôi”.
Ông in sẵn hàng chục tập thơ nhỏ và hào phóng tặng tôi một tập. Thơ Bảo Sinh là tứ thơ đơn giản, trần trụi và có phần tục. Thơ Bảo Sinh rất thấm, rất sâu sắc và chỉ người có can đảm mới thừa nhận và yêu thích nó.
Cho dù có nhiều thú vui, tâm nguyện lớn nhất của ông Sinh vẫn dành cho “những người bạn bốn chân” của mình. Ông chia sẻ: “Tôi mong muốn hậu sinh sau này có thể xây dựng nhiều nghĩa trang cho chó, mèo. Xét về mặt khoa học, việc mai táng sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường do vứt xác động vật bừa bãi. Xét về mặt tâm linh, chúng ta giống như đang cư xử hướng thiện với đồng loại của ta mà thôi. Và hơn hết, tôi cho rằng những người đến đây mai táng, nhất là lớp trẻ; chúng sẽ học được cách yêu thương con người, yêu thương lẫn nhau như đã từng yêu thương con vật của chúng".
”
Lê Thị Bích Ngọc
Nhóm 7 – Lớp báo chí đa phương tiện K33
Cùng chuyên mục
Bình luận