Người đi bộ 'thở phào' khi ô tô, xe máy dừng đúng vạch
(Sóng trẻ) - Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực (1/1/2025), diện mạo giao thông Hà Nội có nhiều biến chuyển tích cực. Các phương tiện dừng đỗ đúng nơi quy định, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ không còn bị chiếm dụng.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đồng thời áp dụng cơ chế trừ điểm và phục hồi điểm trên giấy phép lái xe. Việc tăng mức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm đã góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hạn chế tình trạng vi phạm luật.
Một trong những nhóm đối tượng được hưởng lợi rõ rệt từ Nghị định 168 là người đi bộ. Nhờ quy định xử phạt nghiêm đối với hành vi dừng, đỗ sai quy định và lấn chiếm vạch kẻ đường, việc sang đường trở nên an toàn hơn, ngay cả vào giờ cao điểm.

Ngọc Anh (20 tuổi), hiện đang là sinh viên của một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết: “Trước đây mình rất sợ qua đường vì xe cộ đông lại đi nhanh, nhất là vào giờ cao điểm. Dù đèn giao thông đang dành cho người đi bộ sang đường bật sáng nhưng rất nhiều người đi xe máy không chịu nhường đường. Đa phần họ dừng không đúng vạch khiến vạch kẻ đường dành cho người đi bộ sang đường bị chiếm mất”.
Ngọc Anh chia sẻ thêm, Nghị định 168 của Chính phủ đã giúp văn hóa giao thông chuyển biến một cách tích cực hơn. Bây giờ mỗi lần sang đường Ngọc Anh cảm thấy yên tâm, không run sợ như trước đây: “Nhất là thời điểm mới lên Hà Nội nhập học, tất cả đều bỡ ngỡ từ đường sá cho tới giao thông đi lại quá phức tạp. Mỗi lần sang đường mình đều phải tìm, hoặc đợi để đi cùng một số người sang đường cho yên tâm".

Không chỉ phương tiện giao thông, Nghị định 168 cũng đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với người đi bộ. Theo đó, người đi bộ có thể bị phạt đến 600.000 đồng nếu vi phạm luật giao thông. Chính vì vậy, nhiều người đã chủ động tìm hiểu để tham gia giao thông đúng quy định.
Viết Học (21 tuổi, Thanh Xuân) cho biết: "Hằng ngày mình đi bộ đến trường, nên hiểu luật là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân. Mình thấy Nghị định 168 giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, dù vẫn còn một số trường hợp xe máy lấn vạch, vượt đèn đỏ khi không có lực lượng chức năng kiểm soát".
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, hạ tầng phục vụ người đi bộ vẫn còn bất cập. Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, các cột đèn tín hiệu ưu tiên cho người đi bộ được lắp đặt, song hiệu quả sử dụng chưa cao.

Bạn Việt Hà (22 tuổi, Cầu Giấy) loay hoay bấm đèn xin sang đường trên trục đường đường Xuân Thuỷ nhưng không được: “Mình không biết là do mình không biết cách sử dụng hay do lỗi hệ thống nhưng mình đã nhấn thử vài lần nhưng đèn vẫn không chuyển màu xanh nên đành tìm cách khác để sang đường”.
Ngoài ra, với người già và trẻ nhỏ, việc sang đường vẫn là một thách thức. Việt Hà nói thêm: “Mình thường giúp người lớn tuổi qua đường bằng cách đi trước họ một vài bước và giơ tay xin đường. Nếu ý thức giao thông của mọi người không tốt, người già và trẻ nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn qua đường an toàn”.
Bà Tâm (68 tuổi, Đống Đa) cho biết: "Tôi đã lớn tuổi, mắt kém nên mỗi lần qua đường đều lo lắng. Trước đây, tôi thường phải chờ rất lâu, thậm chí đi theo người khác. Nhưng giờ nhờ có quy định dừng, đỗ xe đúng chỗ và đèn tín hiệu ưu tiên, tôi cảm thấy an toàn hơn".